Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 53: Mong thế giới không còn bạo lực gia đình
Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình 'khỏe', xã hội cũng sẽ vậy, đất nước mới phát triển, phồn thịnh. Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 53 với mong muốn thế hệ tương lai không còn ai phải chịu cảnh bạo lực gia đình.
Năm 2024, cuộc thi viết thư quốc tế UPU có chủ đề là: “Trong hành trình 150 năm qua, Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) đã phục vụ hơn 8 thế hệ người dân toàn cầu. Từ đó đến nay, thế giới đã có nhiều thay đổi. Hãy viết thư gửi các thế hệ tương lai để kể về thế giới mà bạn hy vọng họ được kế thừa”.
Tiếng Anh là: "At 150 years old, the UPU has served people around the world for more than eight generations. The world has changed enormously since then. Write a letter to future generations about the world you hope they inherit".
Chủ đề của cuộc thi năm nay gắn với kỷ niệm 150 năm thành lập Liên minh Bưu chính Thế giới (1874-2024).
Dưới đây là bài mẫu viết thư UPU lần thứ 53:
... Ngày.... tháng.... năm...
Chào các bạn - thế hệ tương lai của chúng tôi!
Khi tôi viết bức thư này, thế giới đang ở năm 2024, gắn với kỷ niệm 150 năm thành lập Liên minh Bưu chính Thế giới (1874-2024). Trong suốt hành trình đó, Liên minh Bưu chính Thế giới đã phục vụ hơn 8 thế hệ người dân toàn cầu và mang đến nhiều thay đổi tích cực.
Và tôi tin chắc rằng, khi bạn được đọc được những dòng này, thế giới của chúng ta đã trở nên tốt đẹp hơn và nhân văn hơn, trong đó, sự tốt đẹp được xuất phát từ những giá trị nhỏ nhất, được ươm mầm từ “cái nôi” gần gũi nhất với mỗi người. Đó chính là gia đình.
Từ khi đi học, tôi đã được thầy cô dạy rằng: Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình “khỏe” thì xã hội “khỏe”. Xã hội “khỏe” đất nước mới phát triển, quốc gia mới phồn thịnh! Không chỉ là nơi sinh thành, dưỡng dục, gia đình còn là nơi mỗi cá nhân được sẻ chia, quan tâm, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau. Bởi vậy, trong cuộc sống, không có gì quý hơn tình thân!
Ấy thế mà, giữa bức tranh gia đình đẹp đẽ ấy lại có những nốt trầm buồn bởi 4 chữ “bạo lực gia đình”. Bạo lực gia đình là những hành vi gây tổn hại đến thể chất, tinh thần đối với các thành viên khác trong gia đình. Số liệu từ Tổng cục Thống kê và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, có đến 58% phụ nữ đã kết hôn từng trải qua ít nhất một lần bị bạo lực gia đình.
Thống kê của Vụ Gia đình - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng chỉ ra, trong số các vụ bạo lực gia đình bị phát hiện, có 74% nạn nhân là nữ, 11% nạn nhân là trẻ em. Song, đây cũng chỉ là những con số “bề nổi”, bởi không phải bất cứ ai bị bạo lực gia đình cũng lên tiếng tố cáo hành vi này. Một phần vì danh dự gia đình, một phần vì giữ gìn hạnh phúc cho con cái.
Thế nhưng, những trận đánh đập, những lời mắng nhiếc, chửi bới, xúc phạm cứ thế diễn ra… chồng đánh vợ, mẹ đánh con…
Bạn biết không? Có những đứa trẻ ở thế giới của chúng tôi thậm chí còn không muốn trở về nhà, bởi nơi đó vốn chẳng còn bình yên với chúng. Những vết thương thể chất có thể lành lại theo thời gian, nhưng những vết thương tinh thần thì chẳng thể về vẹn nguyên được. Một đứa trẻ lớn lên trong bạo lực, liệu sẽ trở nên thế nào? Tương lai xã hội sẽ ra sao khi mỗi tế bào đều có một “vết nhơ” của bạo lực gia đình.
Thật vui vì những năm gần đây, bạo lực gia đình đang dần được đẩy lùi. Song, để vấn nạn này thật sự biến mất vẫn là một bài toán nan giải. Điều đó cần sự chung tay, giúp sức và chủ động của tất cả mọi người. Người bạn tương lai của tôi ơi, tôi hy vọng rằng, bạn đang được sống trong một thế giới thật sự hạnh phúc. Nơi đó không có những hành động của bạo lực gia đình. Mỗi cá nhân được lớn lên trong sự yêu thương và tôn trọng. Gia đình không còn là nơi của những cảm xúc tiêu cực và bạo hành. Thay vào đó, gia đình là nơi “bão dừng sau cánh cửa”.
Hơn hết, gia đình của các bạn tạo ra một môi trường giao tiếp mở, trong đó mỗi thành viên có thể chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc và ý kiến của mình một cách tự do. Gia đình tạo điều kiện cho việc trao đổi ý kiến, thảo luận và giúp đỡ mỗi người giải quyết những khó khăn trong cuộc sống. Từ đó, xây dựng một môi trường ấm cúng, yêu thương và đầy đủ tình yêu để các bạn có thể phát triển và trưởng thành.
Đôi khi, chỉ cần mỗi thành viên trong gia đình đều mạnh khỏe, bình an đã là một niềm hạnh phúc lớn lao. Là khi cha mẹ được chứng kiến con cái trưởng thành từng ngày; là lúc những đứa con hiếu thảo báo đáp công ơn của đấng sinh thành… Còn cha mẹ là còn hạnh phúc, thấy con cái là biết “xuân về”. Khi mỗi gia đình đều hạnh phúc, xã hội nhất định sẽ hạnh phúc.
Tôi cũng mong rằng, bạn sẽ phát triển những giá trị nhân văn, tấm lòng nhân ái, bao dung, sẻ chia, yêu thương không chỉ trong gia đình mà còn đối với toàn xã hội. Để đẩy lùi vấn nạn bạo lực gia đình, cần thay đổi quan điểm và văn hóa xã hội về vai trò và quyền lực trong gia đình, tôn trọng sự đa dạng và bình đẳng giới tính. Chúng ta cần phát triển các chương trình giáo dục và tuyên truyền nhằm thay đổi quan niệm cũ và khuyến khích các giá trị gia đình lành mạnh và không bạo lực.
Hãy cùng chung tay đẩy lùi bạo lực gia đình, để mỗi gia đình thật sự là nơi khởi nguồn của hạnh phúc. Hãy hành động để bảo vệ những giá trị tốt đẹp mà cuộc đời mang đến cho chúng ta, bạn nhé!
Thân ái,
Ký tên