Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 54: Bức thư khẩn từ đại dương
VietNamNet xin giới thiệu bài mẫu cuộc thi viết thư UPU lần thứ 54 với chủ đề hóa thân thành đại dương và nêu các vấn đề con người phải đối mặt.
Năm 2025, cuộc thi viết thư quốc tế UPU có chủ đề: “Tưởng tượng bạn là đại dương. Hãy viết một bức thư cho ai đó, giải thích lý do và cách họ nên làm để chăm sóc, bảo vệ bạn thật tốt”. Tiếng Anh là: “Imagine you are the ocean. Write a letter to someone explaining why and how they should take good care of you”.
Dưới đây là bài mẫu viết thư UPU lần thứ 54:
Gửi người bạn nhỏ của tôi!
Xin tự giới thiệu, tôi là đại dương - một người bạn không xa lạ với loài người. Gọi là "bạn" bởi tôi bao phủ 71% bề mặt trái đất. Tôi điều hòa khí hậu, cung cấp oxy, nuôi sống hàng triệu loài sinh vật trên trái đất trong đó có các bạn. Có thể nói, sẽ là thảm họa nếu tôi biến mất.
Nào, hãy nhắm mắt lại và thử tưởng tượng một ngày tôi biến mất khỏi trái đất… Kịch bản tồi tệ sẽ xảy ra: cá sẽ chết, con người mất một nguồn thực phẩm, khí hậu nóng lên, băng tan, các đám cháy sẽ bùng lên khắp các đồng cỏ, cánh rừng...
Vậy nhưng tôi đang rất buồn. Bạn có biết, tôi đang gặp vấn đề gì không?
Đó là tôi đang bị biến thành một bãi rác khổng lồ khi con người vô tình hay cố ý thải ra. 80% lượng rác thải ra biển xuất phát từ các hoạt động trên đất liền. Mỗi năm, hàng triệu tấn rác thải chưa được thu gom vẫn đang đổ ra biển, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến hệ sinh thái, cuộc sống của người dân.
Các loại rác thải nhựa tạo ra từ sinh hoạt hàng ngày của con người như túi nilon, chai nhựa, ly nhựa, bát đĩa nhựa, vỏ bọc, hộp đựng từ nhựa… có thể được xếp vào nhóm rác thải dưới biển phổ biến nhất. Ngoài ra, chúng ta còn có thể bắt gặp một số loại rác làm từ chất liệu khác như gốm, sứ, kim loại, vải…
Vấn đề thứ 2 là mực nước của tôi đang dâng cao, gây ra mối đe dọa toàn cầu, đặc biệt là đối với các đảo thấp và các thành phố ven biển. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến điều này?
Nguyên nhân chính của sự gia tăng mực nước biển là hiện tượng nóng lên toàn cầu, chủ yếu do sự gia tăng khí nhà kính trong khí quyển. Các khí như carbon dioxide và mê-tan từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch làm nhiệt độ của tôi tăng lên. Nhiệt độ đại dương năm 2023 được ghi nhận là mức cao nhất từ trước đến nay, làm cho nước biển giãn nở và tăng thể tích. Bên cạnh đó, sự tan chảy của băng ở Nam Cực và Greenland cũng góp phần làm mực nước biển dâng cao. Trung bình, mỗi năm có khoảng 150 tỷ tấn băng từ Nam Cực và 270 tỷ tấn từ Greenland bị mất do nhiệt độ tăng.
Các báo cáo gần đây còn cảnh báo về “điểm tới hạn” của khí hậu, khi mà nhiệt độ toàn cầu tăng vượt quá 1,5 độ C có thể dẫn đến sự tan chảy không thể đảo ngược của các tảng băng lớn, gây ra tác động nghiêm trọng đến mực nước biển. Những khu vực như đồng bằng châu thổ ven sông và các khu vực ven biển của các nước châu Á như Bangladesh, Ấn Độ và Trung Quốc đang ở trong tình trạng báo động cao.
Cuối cùng, các bạn đang khai thác tôi quá mức. Cá của tôi ngày càng ít đi vì con người đánh bắt không kiểm soát. Nếu tiếp tục như vậy, sẽ đến một ngày thực đơn của các bạn không còn cá hồi, cá ngừ hay tôm hùm… Việc khai thác tài nguyên của tôi quá mức khiến nhiều nguồn tài nguyên không tái tạo được.
Hãng tin Bloomberg trích nghiên cứu của Tổ chức Minderoo (Úc) cho biết sản lượng cá trên toàn cầu đang bị suy giảm ở mức đáng báo động. Khoảng 48% ngư trường đang bị khai thác quá mức, nửa còn lại hiện vẫn chưa có đủ thông tin để xác định.
Liên quan đến vấn đề này, nghiên cứu được công bố trên Kỷ yếu Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ (PNAS) cho biết theo thống kê mới nhất của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), khoảng 34% trữ lượng cá toàn cầu đang bị đánh bắt quá mức.
Được biết, con số này tăng liên tục khoảng 4%/năm kể từ những năm 1970 và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Khai thác thủy sản quá mức hiện nay đang là một vấn đề cấp bách mang tầm toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng đến sự đa dạng sinh học biển và hệ sinh thái đại dương. Hoạt động khai thác thiếu kiểm soát này không chỉ gây cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, mà còn dẫn đến hàng loạt hậu quả tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và con người.
Tốc độ khai thác vượt quá khả năng tái tạo tự nhiên của các quần thể cá, dẫn đến sụt giảm số lượng và nguy cơ tuyệt chủng cao đối với nhiều loài thủy sản có giá trị, gây ra những hiện tượng cực đoan như bão lũ, hạn hán, ảnh hưởng đến sự sống còn và phân bố của các loài thủy sản, đồng thời làm gia tăng tảo nở hoa, chết san hô và giảm năng suất sinh học.
Hàng loạt vấn đề đang đe dọa tôi và chính là đang đe dọa môi trường sống của bạn. Chúng ta cùng nhau đối mặt và có giải pháp để giải quyết cho bài toán này bạn nhé.
Thân ái!
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_23_51443547/8ba463e957a7bef9e7b6.jpg)