Bài sát hạch khắc nghiệt với chính trường Hàn Quốc
Khủng hoảng lần này là bài kiểm tra khắc nghiệt đối với hệ thống chính trị và khả năng lãnh đạo của Hàn Quốc, nhưng cũng là cơ hội hiếm có để quốc gia này chứng tỏ sức mạnh nội tại và tinh thần dân chủ đã được gây dựng qua nhiều thập niên. Nếu được quản lý khéo léo, cuộc khủng hoảng này có thể trở thành bước ngoặt quan trọng, giúp xứ sở Kim chi không chỉ củng cố nền tảng dân chủ mà còn khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế.
Quốc hội do phe đối lập kiểm soát ngày 14/12 đã thông qua đề xuất luận tội Tổng thống Yoon Suk-yeol với 204 phiếu thuận, 85 phiếu chống, 3 phiếu trắng và 8 phiếu không hợp lệ. Với việc phe đối lập chỉ nắm giữ 192 ghế trong số 300 thành viên của Quốc hội, kết quả này cho thấy đã có ít nhất 12 nghị sĩ của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền bỏ phiếu ủng hộ việc luận tội Tổng thống, đi ngược lại lập trường chính thức của đảng này.
Sau khi diễn ra phiên bỏ phiếu, 5 thành viên Hội đồng Tối cao của PPP - bao gồm các đại biểu Kim Min-jeon, Ihn Yo-han, Jang Dong-hyeok, Jin Jong-oh và Kim Jae-won - đã để ngỏ ý định từ chức để chịu trách nhiệm cho việc kiến nghị luận tội được thông qua. Theo nội quy của PPP, Hội đồng Tối cao của đảng này sẽ bị giải tán nếu có từ 4 thành viên trở lên từ chức và trong trường hợp đó, PPP sẽ phải thành lập một Ủy ban ứng phó khẩn cấp. Đáng chú ý là người đứng đầu PPP Han Dong Hoon cũng sẽ phải từ chức. Cho đến nay, ông Han Dong Hoon chưa đưa ra phát biểu nào về vấn đề này.
Trong thông báo mới nhất, PPP cho biết sẽ triệu tập cuộc họp vào ngày 16/12 để thảo luận về việc chuyển sang cơ chế ứng phó khẩn cấp. Trong khi đó, Chủ tịch đảng Dân chủ (DP) Lee Jae-mung ngày 15/12 đã thúc giục Tòa án Hiến pháp nhanh chóng ra phán quyết về việc phế truất Tổng thống Yoon Suk-yeol, nhấn mạnh rằng, ra phán quyết nhanh chóng là cách duy nhất để giảm thiểu tình trạng hỗn loạn trên chính trường Hàn Quốc hiện nay.
Theo luật định, Tổng thống Yoon Suk-yeol sẽ bị đình chỉ quyền hạn cho đến khi Tòa án Hiến pháp ra phán quyết về vụ việc theo hướng hoặc cách chức, hoặc khôi phục quyền hạn cho ông. Tòa án có 180 ngày để ra quyết định và nếu Tổng thống Yoon Suk-yeol bị phế truất, Hàn Quốc sẽ phải tổ chức bầu cử để chọn người kế nhiệm trong vòng 60 ngày sau đó.
Quyền Chánh án Tòa án Hiến pháp Moon Hyung-bae thông báo sẽ triệu tập cuộc họp các thẩm phán trong ngày 16/12, đồng thời cam kết tiến hành xét xử một cách nhanh chóng và công bằng. Tòa án Hiến pháp đã quyết định chọn 2 thẩm phán để giám sát việc kiểm tra bằng chứng và thành lập nhóm công tác rà soát pháp lý gồm các nhà nghiên cứu hiến pháp.
Quyết định của Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 đã đẩy chính trường xứ sở Kim chi vào một tình thế đầy kịch tính và chưa từng có tiền lệ kể từ thời kỳ dân chủ hóa năm 1987. Cuộc khủng hoảng không chỉ xuất phát từ quyết định đơn lẻ của Tổng thống Yoon Suk-yeol mà còn phản ánh những vấn đề sâu sắc trong hệ thống chính trị Hàn Quốc. Hệ thống tổng thống tập trung quyền lực cao độ từ lâu đã bị chỉ trích là dễ dẫn đến tình trạng lạm quyền, đặc biệt trong các lĩnh vực an ninh và đối nội. Sự chia rẽ chính trị ngày càng sâu sắc giữa các phe phái, kết hợp với bất mãn của công chúng trước tình trạng bất ổn kinh tế và khoảng cách giàu nghèo, đã tạo ra một bối cảnh đầy căng thẳng, trong đó bất kỳ động thái mạnh tay nào từ chính quyền cũng dễ dàng bị xem như hành động vượt quá giới hạn.
Một số nhà phân tích nhận định rằng giải pháp thỏa hiệp chính trị, dù khó khăn, vẫn có thể là lối thoát tiềm năng. Điều này đòi hỏi sự nhượng bộ từ cả hai phía: Tổng thống và phe đối lập. Một số ý kiến gợi ý rằng, ông Yoon Suk-yeol nên cân nhắc việc từ chức hoặc cam kết không tái tranh cử để làm dịu tình hình. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, Hàn Quốc cần một cách tiếp cận toàn diện để giải quyết các vấn đề mang tính hệ thống. Cải cách thể chế nhằm giảm quyền lực tập trung, chuyển đổi sang mô hình nghị viện hoặc bán tổng thống, đã nhiều lần được đề xuất và có thể là chìa khóa để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai.
Bên cạnh đó, các chính sách nhằm xoa dịu bất bình kinh tế và xã hội cần được triển khai mạnh mẽ và minh bạch. Những cuộc biểu tình gần đây không chỉ phản ánh sự thất vọng đối với chính trị mà còn cho thấy sự bất mãn sâu sắc về tình trạng bất bình đẳng kinh tế, thiếu cơ hội cho giới trẻ và sự trì trệ trong các cải cách cấu trúc.
Cuộc khủng hoảng tại Hàn Quốc không chỉ là vấn đề nội bộ mà còn có thể tạo ra những tác động sâu rộng đối với khu vực Đông Bắc Á và xa hơn là cục diện toàn cầu. Hàn Quốc, với vai trò là một trong bốn nền kinh tế lớn nhất châu Á và là đối tác chiến lược của Mỹ trong khu vực, luôn nằm ở trung tâm các vấn đề an ninh và kinh tế Đông Bắc Á. Sự bất ổn chính trị kéo dài tại Seoul không chỉ đe dọa đến khả năng điều hành hiệu quả của chính phủ mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các liên minh chiến lược, các hiệp định kinh tế và chính sách đối ngoại của nước này.
Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung ngày càng leo thang, vai trò của Hàn Quốc như một "trục cân bằng" giữa hai cường quốc trở nên đặc biệt quan trọng. Mỹ vẫn coi Hàn Quốc là đồng minh cốt lõi trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong khi Trung Quốc cũng xem đây là đối tác quan trọng để duy trì ổn định khu vực. Việc Hàn Quốc rơi vào khủng hoảng chính trị sẽ khiến các bên lo ngại về khả năng thiếu sự nhất quán trong các chính sách đối ngoại, đặc biệt là liên quan đến vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vốn đã phức tạp. Một Hàn Quốc bị chia rẽ và suy yếu có thể dẫn đến sự đình trệ trong các nỗ lực đàm phán và tăng nguy cơ xung đột trên bán đảo.
Về mặt kinh tế, bất ổn chính trị tại Hàn Quốc cũng mang lại những rủi ro đáng kể cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Là trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao như chất bán dẫn và thiết bị điện tử, sự gián đoạn từ Hàn Quốc có thể làm xáo trộn thị trường toàn cầu. Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang chật vật phục hồi sau đại dịch và chịu áp lực từ các cuộc chiến thương mại, bất kỳ dấu hiệu suy giảm năng lực sản xuất hay xuất khẩu nào từ Hàn Quốc đều có thể gây ra hiệu ứng domino, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU).
Về an ninh khu vực, một Chính phủ Hàn Quốc bất ổn cũng có thể tạo ra khoảng trống quyền lực nguy hiểm. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến sự gắn kết trong liên minh Mỹ-Hàn còn có thể tạo điều kiện để các bên liên quan gia tăng các hoạt động quyết đoán hơn. Với tình hình khu vực vốn đã nhạy cảm, sự thiếu vắng một tiếng nói mạnh mẽ và ổn định từ Seoul có nguy cơ làm gia tăng các xung đột tiềm tàng, đẩy khu vực vào vòng xoáy bất ổn mới.
Để vượt qua thách thức hiện tại, Hàn Quốc cần một chiến lược toàn diện, không chỉ tập trung vào việc giải quyết khủng hoảng nội bộ mà còn đảm bảo vai trò lãnh đạo của mình trên trường quốc tế. Trước hết, các nhà lãnh đạo cần hướng tới xây dựng đồng thuận xã hội thông qua đối thoại cởi mở với các đảng phái và công chúng, nhằm khôi phục niềm tin vào hệ thống chính trị. Đồng thời, một lộ trình cải cách hệ thống rõ ràng và cụ thể cần được triển khai để đảm bảo sự minh bạch và giảm thiểu các rủi ro lạm quyền trong tương lai.
Trên bình diện đối ngoại, Hàn Quốc cần duy trì một lập trường vững chắc và nhất quán trong việc quản lý các mối quan hệ chiến lược, đặc biệt là với Mỹ và Trung Quốc, trong khi tiếp tục đóng vai trò trung gian trong các vấn đề khu vực, bao gồm tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Một sự cân bằng hợp lý giữa lợi ích quốc gia và trách nhiệm quốc tế sẽ giúp Hàn Quốc không chỉ vượt qua khủng hoảng mà còn củng cố vị thế như một trong những cột trụ ổn định của khu vực Đông Bắc Á.
Khủng hoảng lần này là bài kiểm tra khắc nghiệt đối với hệ thống chính trị và khả năng lãnh đạo của Hàn Quốc, nhưng cũng là cơ hội hiếm có để quốc gia này chứng tỏ sức mạnh nội tại và tinh thần dân chủ đã được gây dựng qua nhiều thập niên. Nếu được quản lý khéo léo, cuộc khủng hoảng này có thể trở thành bước ngoặt quan trọng, giúp Hàn Quốc không chỉ củng cố nền tảng dân chủ mà còn khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế.