Bài tham dự Cuộc thi viết 'Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào'Nhịp trống trăm năm
Ở mảnh đất Hà Nội nghìn năm văn hiến này, đôi khi ta chợt giật mình phát hiện điều đặc biệt ẩn sau những quen thuộc bình dị. Giống như trường hợp một thôn ven đô hiện có bộ trống cổ, đảm nhiệm sứ mệnh dẫn nhịp tiễn đưa đoạn đường cuối khi một ai đó trong thôn về với ông bà tổ tiên.
Thật bất ngờ nếu biết bộ trống ấy là một di sản dân tộc, mang trong mình cả một bề dày văn hóa, lịch sử.
Phát hiện bất ngờ!
Thôn Quảng Minh (xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai) là một làng quê đẹp và yên bình bên dòng Nhuệ giang. Tại đây, trong đám hiếu nhạc sĩ Thao Giang (tác giả tác phẩm đàn nhị “Kể chuyện ngày mùa” kinh điển, một nhạc sĩ âm nhạc truyền thống dân tộc hàng đầu và cũng là người thầy của tôi), tôi đã quá bất ngờ về bộ trống cổ gồm 1 trống cái, 1 não bạt và 5 trống cỡ trung được dùng phục vụ. Đi vòng quanh mấy vòng để ngắm thật kỹ, vừa chụp và ghi hình, tôi vừa hỏi xem trống có từ bao giờ? Cả đội trống không ai biết. Hỏi có bao nhiêu bài trống? Chẳng ai hay, mọi người chỉ đánh một mẫu, theo thói quen truyền đời. Trong lòng mỉm cười nghĩ vui, "nhạc sĩ Thao Giang thật đáo để, đến ngày hôm nay còn giao nhiệm vụ mới cho mình” (!).
Ông Nguyễn Văn Mừng (sinh năm 1957) người Quảng Minh, là cháu họ nhạc sĩ Thao Giang bảo: “Trống này làng gọi tên là Cà rùng. Ở làng, từ xưa đến bây giờ, vẫn gọi chỉ một tên đấy”. Ông cho biết, nếu đầy đủ bộ trống, ngoài trống cái, não bạt, 4 hoặc 5 trống con sẽ có thêm 1 chiêng và 1 đôi tắc (2 thanh tre).
Đầu tháng 7 vừa rồi, tôi trở lại Quảng Minh gặp trưởng thôn Nguyễn Hữu Có (sinh năm 1972). Ông Có bảo: “Từ đời ông, đời bố tôi cũng thế, sinh ra đã có sự hiện diện của bộ trống nên không ai thắc mắc thời điểm ra đời. Cũng không có cụ nào để lại ghi chép liên quan, nhưng người trong thôn đều biết về trống”.
Theo ông Có, trống Cà rùng chỉ dùng trong một việc là đám hiếu. Tế lễ hoặc việc khác ở thôn là các loại trống khác, bài khác. Trước đây thôn Quảng Minh có một đội, hiện dân số nhiều hơn, cả thôn chia thành 4 xóm thì mỗi xóm một đội. Tổng số người chơi trống hiện nay là gần 30. Thôn có nguyên tắc riêng, người vào đội trống do làng chỉ định và gần như không được từ chối. “Trước đây phải tuổi trung niên mới được tham gia cho đến 54 tuổi thì thôi. Nhưng giờ thay đổi, người đánh trống có thể trẻ hơn để đỡ phải đổi nhiều” - trưởng thôn Có chia sẻ.
Quãng trên chục năm lại đây, một vài thôn cùng xã và xã bạn học theo Quảng Minh xây dựng đội trống Cà rùng cho mình.
Một di sản quý
Tìm khắp dân gian xứ Bắc, thấy có 2 trùng lặp. Đầu tiên, ở một số xã, thị trấn tại các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định cũng có bộ trống mang tên Cà rùng. Nhưng nhìn vào những hình ảnh thì thấy ở Nam Định chủ yếu là trống cái, lại biên chế số lượng lớn. Nói chung, chỉ giống nhau ở tên gọi chứ không liên quan gì. Thứ hai là trống Cổ bộ ở phường Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh. Dù tên gọi khác nhau nhưng biên chế dàn trống, loại trống, kích thước thì gần như trùng khớp. Cụ thể, dàn trống ở Thị Cầu cũng có 1 trống cái, 1 chũm chọe (tức não bạt), 4 trống trung, trong lúc tế lễ có thêm chiêng. Ở Thị Cầu, trống Cổ bộ là niềm tự hào. Trống có nhịp điệu khoan thai, trang nghiêm, được dùng trong tế lễ và lễ rước. Xưa kia, trống Cổ bộ có 13 bài, hiện chỉ còn lưu truyền 6 bài gồm: Rung một, Rung hai, Hoa rơi, Đánh lăn, Bổ ba, Bổ chín.
Sở dĩ tôi ngạc nhiên vì trống Cổ bộ chính là một nghiên cứu của tôi trong gần 2 năm, đã công bố năm 2003. Ngạc nhiên hơn vì gần chục năm sau đó, tôi cùng nhạc sĩ Thao Giang có lần đưa sinh viên ngành Lý luận của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam về Thị Cầu tìm hiểu, đồng thời nhiều lần cùng về Quảng Minh nhưng không hề hay biết hai nơi này có bộ trống tương đối giống nhau.
Gần đây, khi phát hiện trống Cà rùng, tôi đã gửi hình ảnh tới “ông già xứ nẫu” - nhà nghiên cứu Nguyễn An Pha (Chủ tịch Hội Văn hóa nghệ thuật Bình Định). Rất nhanh, tôi nhận được điện thoại, ông gọi tên từng nhạc cụ trong ảnh, gồm trống chầu (tức trống cái), xập xõa (tức não bạt), còn những cái trống mang (đeo) trên người gọi là trống chiến dăm thấp. “Những loại trống đó rất phổ biến ở khu vực này, nhất là Bình Định”, nhà nghiên cứu khẳng định. Ông Pha nói thêm, những trống này dùng trong nhiều dịp khác nhau như cầu ngư, lễ thanh minh, tế hiệp (giỗ họ), nhạc võ Tây Sơn, trống trận Quang Trung, hát bội và đám tang... Tùy vào việc cụ thể mà biên chế dàn trống có những thay đổi về số lượng và nhạc cụ cũng như bài đánh.
Phát huy di sản
Có thể tên gọi Cà rùng xuất phát từ âm thanh được tạo nên khi đánh trống. Dựa trên các thông tin mới thu thập được, chúng tôi không đặt nhiều niềm tin vào nguồn gốc cung đình Huế mà hướng sang nhà Nguyễn Tây Sơn. Có thể, trống đã theo chân và dẫn nhịp đoàn quân thần tốc ra Thăng Long để làm nên chiến thắng đại phá 20 vạn quân xâm lược nhà Thanh mùa xuân Kỷ Dậu 1789. Từ đó, trống hiện hữu ở một vài làng giàu truyền thống văn hóa, nằm ven sông, có giao thông đường thủy thuận lợi. Có nghĩa, trống có thể hiện hữu ở Quảng Minh và Thị Cầu khoảng thập niên cuối thế kỷ XVIII hoặc đầu thế kỷ XIX cho đến nay.
Nếu chỉ dùng trong một việc duy nhất, trống Cà rùng sẽ không có cơ hội lan tỏa và phát triển. Người dân Quảng Minh sẽ khó được tự hào là nơi lưu giữ một di sản âm nhạc của dân tộc đã từng trải qua hành trình trên nghìn kilômét để hiện hữu ở quê hương mình. Vấn đề ở đây là, Quảng Minh cần phải “dũng cảm” thay đổi quan niệm, mạnh dạn đưa trống vào nhiều không gian linh thiêng khác của địa phương, sử dụng vào nhiều việc trọng trong thôn hơn. Đồng nghĩa trống sẽ có những thay đổi nhất định về sắc thái cho phù hợp. Có thể soi chiếu và cân nhắc, bổ sung những nhịp trống, bài trống phù hợp từ Thị Cầu và Bình Định.
Cũng vì thế, “đánh thức” trống Cà rùng, tạo thành điểm nhấn di sản nằm ngoài khả năng của Quảng Minh, nhưng nó xứng đáng được hiện hữu và tỏa sáng trong ngôi nhà chung di sản văn hóa đa sắc màu, đậm đà bản sắc dân tộc trên mảnh đất Thăng Long - Hà Nội.