Bài tham dự Cuộc thi viết 'Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào': Những ngày chuyển giao hành chính thành phố Hà NôịBài cuối: Chiến công thầm lặng

Trong chiến công chung của dân tộc, có sự đóng góp thầm lặng của những người làm công tác chuyển giao hành chính, để chúng ta có được một thành phố Hà Nội gần như nguyên vẹn trong những ngày tiếp quản Thủ đô tháng 10-1954.

Mặt trận không tiếng súng

Hiệp định Genève có điều khoản “Đội hành chính vào trước”. Đội hành chính gồm cán bộ nhiều ngành, lập thành nhiều tốp, vào đến nơi là quen việc ngay. Đồng chí Nguyễn Tài kể: “Ban đầu, do chưa biết số lượng cơ quan cần chuyển giao nên khi phía Pháp hỏi: “Các ông định cử bao nhiêu người?”, tôi bảo là độ chục người. Sau này, bên Công an tính toán lại, dựa theo danh mục điện thoại ở Hà Nội thì thấy có đến hàng trăm cơ quan. Vì vậy, Đội hành chính vào trước cần phải có khoảng mấy trăm người mới bảo đảm mỗi cơ quan có một vài người đảm nhận chuyển giao. Trong cuộc hội đàm, tôi nói với phía Pháp: “Tôi xin đính chính một điều nhỏ”. Họ trả lời: “Ông cứ nói”. Tôi bảo: “Chúng tôi sẽ đưa vào trước hơn bốn trăm người”. Phía Pháp giật mình vì đang từ độ chục người mà lên đến mấy trăm người, nhưng rồi họ cũng đồng ý”.

Lực lượng của ta tiếp quản Ty Cảnh sát ở phố Hàng Đậu, ngày 9-10-1954. Nguồn: Tư liệu TTXVN

Lực lượng của ta tiếp quản Ty Cảnh sát ở phố Hàng Đậu, ngày 9-10-1954. Nguồn: Tư liệu TTXVN

Cuối cùng, sau nhiều ngày đấu tranh trên bàn đàm phán, nhờ có những chứng cứ cụ thể và đấu tranh kiên quyết, Hiệp nghị về chuyển giao hành chính được ký kết, buộc phía Pháp phải thực hiện đúng những điều đã cam kết, bảo đảm cho hoạt động bình thường của thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tiếp quản. Ngày 30-9-1954, hai bên đã ký Hiệp nghị số 13 chuyển giao Hà Nội về quân sự và trật tự. Ngày 2-10-1954, hai bên ký tiếp Hiệp nghị số 14 chuyển giao về hành chính thành phố Hà Nội, trong đó phía Pháp phải nhận hoàn lại hoặc bồi thường các tài sản đã bị lấy đi hay hủy hoại.

Chiều ngày 2-10-1954, Hiệp nghị số 14 được ký kết, cũng là buổi chiều mà các đội hành chính vào trước đi từ Phù Lỗ vào Hà Nội bằng xe vận tải của phía Pháp. Trên đường trở về Hà Nội, rất nhiều anh em đã bồi hồi xúc động, rơi nước mắt.

Đồng chí Trần Danh Tuyên được cử làm Trưởng đoàn các đội hành chính vào trước, đồng chí Nguyễn Tài là Phó đoàn. Đoàn công tác chọn Quân y viện Lanessan cũ (còn gọi là Bệnh viện Đồn Thủy, nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), lính Pháp đã rút hết, làm nơi đóng quân. Bác sĩ Hoàng Đình Cầu được giao tổ chức làm vệ sinh để cán bộ vào có chỗ ăn ở, làm việc đàng hoàng. Ban Chỉ huy cũng đóng luôn ở đó.

Từ ngày 3-10-1954, cán bộ của ta đến các cơ quan hành chính ở Hà Nội bắt đầu nhiệm vụ tiếp quản. Công việc bàn giao hành chính được thực hiện trong 7 ngày. Với sự giúp đỡ của công nhân, viên chức tại các cơ quan, phía ta có được danh mục tài sản gốc để đối chiếu với danh mục tài sản còn lại do Pháp cung cấp. Đồng chí Nguyễn Tài nhớ lại: “Có cái hay là phía Pháp không đề phòng điện thoại ở thành phố vẫn sử dụng được, do người của ta nắm giữ tổng đài, cho nên các đoàn đi vào các cơ quan có vấn đề gì vướng mắc là họ gọi điện thoại về, Ban chỉ huy trả lời, bày cho anh em cách thức đấu tranh để ký biên bản. Nhờ vậy, biên bản nào cũng có kèm theo danh mục tài sản, cái gì có, cái gì thiếu đều ghi rõ”. Từ đó, xác định được những tài sản bị phía Pháp mang đi, làm cơ sở cho việc đòi bồi hoàn sau này.

Trong số những địa điểm chuyển giao, có hai nơi địch không bàn giao bằng văn bản cho ta mà ta tự động tiến vào và tiếp quản, đó là Nhà tù Hỏa Lò và trụ sở của Cảnh sát Bắc Việt ở 87 Trần Hưng Đạo (nay là trụ sở Công an thành phố Hà Nội).

Đến chiều 9-10-1954, mọi công việc bàn giao đã hoàn thành. Cuộc tiếp quản thủ đô của ta về cơ bản đã thành công trọn vẹn, không có nổ súng và không có bất cứ thương vong nào do giao tranh.

Đồng chí Nguyễn Tài (tháng 2-1994) Ảnh: Gia đình đồng chí Nguyễn Tài cung cấp.

Đồng chí Nguyễn Tài (tháng 2-1994) Ảnh: Gia đình đồng chí Nguyễn Tài cung cấp.

Niềm vui ngày trở về

Sáng 10-10-1954, cả Hà Nội tưng bừng cờ hoa đón chào đoàn quân chiến thắng trở về. Ngay sau khi tiếp quản thành phố Hà Nội, đồng chí Nguyễn Tài được cử đi giúp tiếp quản Hải Dương, sau đó làm việc tại Ủy ban Liên hiệp đình chiến Trung ương, chuẩn bị các công việc xây dựng Hiệp nghị chuyển giao khu 300 ngày ở Hải Phòng, Quảng Ninh. Bài học thực tiễn từ cuộc đấu tranh chuyển giao hành chính thành phố Hà Nội đã trở thành kinh nghiệm quý báu cho những công tác này của đồng chí.

Cũng tương tự như khi chuyển giao Hà Nội, sau khi tiếp quản khu 300 ngày, cũng phải có việc bồi hoàn tài sản.

Lúc tiếp quản Hải Phòng thì có khó khăn do phía Pháp rút kinh nghiệm, đã cắt hết liên lạc nên các đội hành chính phải tự lực giải quyết công việc. Điểm cuối cùng quân Pháp phải rút là Đồ Sơn.

Sau khi ta tiếp quản Hải Phòng xong, có một đoàn ngoại giao của các nước thuộc phe ta đến thăm Hà Nội, Hải Phòng. Họ rất thán phục việc ta thành công tiếp quản Thủ đô trong hòa bình vì "nếu đánh nhau bằng súng thì tan nát hết”. Đồng chí Nguyễn Tài hào hứng nói: “Mình tiếp quản được cả cái thành phố còn nguyên vẹn, như thế là có lợi lắm, trên thế giới chưa bao giờ có như vậy”.

Đơn vị bộ binh của Trung đoàn Thủ đô tiến vào khu vực Cửa Nam, sáng 10-10-1954. Nguồn: Tư liệu TTXVN

Đơn vị bộ binh của Trung đoàn Thủ đô tiến vào khu vực Cửa Nam, sáng 10-10-1954. Nguồn: Tư liệu TTXVN

Căn cứ điều khoản trong các Hiệp nghị chuyển giao các khu vực, sau quá trình 10 tháng rưỡi tiếp tục đấu tranh kiên trì của ta (từ 4-11-1954 đến 19-9-1955), phía Pháp phải ký biên bản bồi thường cho ta toàn bộ số tài sản họ đã mang đi. Trong số này đối phương đã thực sự hoàn lại một phần bằng hiện vật là những máy móc đáng giá; phần còn lại bồi thường bằng tiền với trị giá lên đến 265 triệu franc Pháp (ta đấu tranh không nhận tiền Đông Dương lúc đó đang mất giá), quy đổi tỷ giá thành 2.120 triệu đồng ngân hàng thời kỳ đó. Đó thực sự là những thắng lợi vô cùng quan trọng.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô, nhớ đến những cống hiến, hy sinh của biết bao người con Hà Nội đã quyết tử để Tổ quốc quyết sinh, đã tạm xa Hà Nội để đi vào cuộc kháng chiến 9 năm hào hùng, để rồi tưng bừng trở về tiếp quản Thủ đô trong những ngày mùa thu tháng 10 năm 1954 ấy. Và trong đó, có cả chiến công thầm lặng của đồng chí Nguyễn Tài cùng các đồng chí, đồng đội đã mưu trí, cương quyết đấu tranh để chúng ta có được một Hà Nội gần như nguyên vẹn sau cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Ngọc Đoan

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/bai-tham-du-cuoc-thi-viet-ky-niem-70-nam-giai-phong-thu-do-ky-uc-tu-hao-nhung-ngay-chuyen-giao-hanh-chinh-thanh-pho-ha-noi-bai-cuoi-chien-cong-tham-lang-676757.html