Bài thi Ngữ văn 21 trang và cái nhìn thiên kiến về sáng tạo ngôn ngữ
Mạng xã hội rùng rùng về việc nữ sinh 15 tuổi có bài thi Ngữ văn 21 trang giấy đạt 9,75 điểm những ngày qua. Điều đáng nói là sự việc cuốn theo rất nhiều ý kiến trái chiều, quy chụp về chất lượng dạy và học Ngữ văn hiện nay.
Bản thân người viết bài này từng đi thi học sinh giỏi môn Văn cấp tỉnh trước đây và bây giờ đang dạy Ngữ văn tại một trường phổ thông. Tôi xin góp mấy ý kiến dưới cái nhìn sáng tạo ngôn ngữ trong môn học Ngữ văn trước việc ồn ào dấy lên về bài thi Ngữ văn 21 trang giấy của một học sinh Hà Tĩnh.
Trước hết, tôi không bất ngờ trước việc một thí sinh vừa dự thi vào lớp chuyên Văn của Hà Tĩnh viết tới 21 trang giấy trong bài thi. Thực tế, nhiều học sinh có khả năng viết rất tốt, nhất là những em đã từng ôn thi và tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Chính các học sinh này có năng khiếu và đam mê môn học này.
Khi đi thi, bài văn viết dài hay ngắn không phải là vấn đề quan trọng. Người chấm thi bao giờ cũng quan tâm đến chất lượng bài văn chứ không phải là độ dài bao nhiêu trang giấy. Nhưng, một điều phải thừa nhận là thí sinh phải có kiến thức sâu rộng, khả năng diễn đạt khá tốt mới có thể viết ra được nhiều.
Và, những bài văn như vậy thường tạo được ấn tượng đặc biệt đối với người chấm bài.
Giữ cảm xúc dâng trào và lời văn ùa đến không lạ gì với học trò
Khi thông tin về bài văn 21 trang giấy của nữ sinh ở Hà Tĩnh trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và giành được danh hiệu thủ khoa đầu vào lớp chuyên Văn lan truyền trên mạng xã hội, không ít người bày tỏ ý kiến ngạc nhiên. Trong đó đáng chú ý có nhiều lời lẽ thóa mạ, bỉ bôi và quy chụp rằng chất lượng dạy và học hiện nay có "vấn đề", rằng học trò giỏi "bốc phét", dạy Ngữ văn sáo rỗng, vô bổ...
Tìm hiểu kĩ về chủ nhân bài văn 21 trang giấy này, chúng tôi thấy trước khi tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 chuyên Văn, học sinh này đã từng đạt giải Nhất trong kỳ thi học sinh giỏi lớp 9. Học sinh có mẹ là giáo viên dạy Ngữ văn. Điều này cũng đồng nghĩa nữ sinh là "con nhà nòi" vì đã được bồi dưỡng, rèn luyện, sống trong môi trường "ngôn ngữ" giàu cảm xúc, đa dạng, phong phú trong nhiều năm trời mới có được những thành quả như vậy.
Thông thường, những học sinh ôn thi học sinh giỏi môn Ngữ văn luôn được thầy cô bồi dưỡng cả một quá trình lâu dài, nhiều trường có kế hoạch ôn tập, bồi dưỡng cho học sinh xuyên suốt cả cấp trung học cơ sở. Một khi các em đã có những kĩ năng cơ bản, vốn từ phong phú, am hiểu vấn đề mà đề bài yêu cầu thì mạch cảm xúc thường rất tốt và nhiều khi viết không kịp những suy nghĩ của mình.
Văn dài hay ngắn không nói lên chất lượng bài thi, điểm số mới là chất lượng
Thời gian làm bài của môn chuyên Ngữ văn của Hà Tĩnh trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua, chúng tôi thấy có thời lượng là 150 phút. Nếu chia ra, bình quân hơn 7 phút, thí sinh này viết được 1 trang giấy thi. Với những học sinh yếu môn Ngữ văn, sợ môn Ngữ văn thì bài thi viết được 2,3 trang giấy cũng đã là thành công nhưng đối với những học sinh thi chuyên Văn thì việc viết bài văn cả chục trang giấy là chuyện bình thường không phải là quá tầm của các em.
Nhưng, trong khoảng thời gian 150 phút mà thí sinh này viết được 21 trang giấy thi là tốc độ viết cực nhanh. Kết quả này của một học sinh đã từng đạt giải Nhất trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và bây giờ giành danh hiệu thủ khoa đầu vào của lớp chuyên Văn thì không có gì là bất ngờ.
Một tờ giấy thi có 4 trang, trang đầu tiên đã phải trừ mất nửa trang để ghi họ tên, trường lớp, số báo danh, phần để giám thị ký, giám khảo chấm bài… và 3 trang còn lại phải trừ ra đoạn trên cùng để hội đồng thi rọc phách nên 1 tờ giấy thi trừ đầu, trừ đuôi đã mất hơn 1 trang rồi. Vì thế, nói bài văn 21 trang nhưng trừ ra các phần thí sinh không được viết thì cũng chỉ còn khoảng 15-16 trang mà thôi.
Thực ra, nghe chuyện một bài văn 21 trang giấy thì nhiều người cảm thấy sững sờ, bất ngờ nhưng nó là hơn 5 tờ giấy thi mà thôi. Ngay cả một số thí sinh thi môn Văn cơ bản trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 chỉ có 90 phút, giáo viên chúng tôi đi chấm thi vẫn gặp những em viết 3 tờ (12 trang) hoặc sang tờ thứ tư (13-16 trang) là điều không hiếm.
Hơn nữa, học sinh không cần phải viết kín chữ cả trang giấy và tất cả các dòng. Bởi vì, nếu bài thi, thí sinh phân tích, cảm nhận về một bài thơ; hoặc chứng minh một nhận định văn học nào đó mà thí sinh dẫn chứng bằng những đoạn thơ, những câu thơ thường xuyên thì viết một trang giấy thi cực nhanh, chẳng mấy hồi. Đó là chưa nói đến những em viết chữ to, viết đoạn ngắn phải xuống dòng liên tục.
Không nên chê bai, dè bỉu bài thi Ngữ văn của học trò 15 tuổi
Hiện nay, nhiều học sinh thờ ơ với môn Ngữ văn, hững hờ với những lời hay, ý đẹp, những thông điệp mà tác giả gửi gắm vào từng tác phẩm văn học. Việc yêu thích Ngữ văn, đam mê để học ngày càng hiếm. Vì vậy, có nữ sinh còn thích học Văn, say sưa viết Văn và thi vào chuyên Văn là điều đáng trân quý vô cùng.
Chưa kể, việc sáng tạo ngôn ngữ là một năng khiếu, không phải ai cũng có.
Trên mạng xã hội, trong số những ý kiến chê bai, thậm chí có những lời xúc phạm thí sinh này đều là những người đã trưởng thành và hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Thậm chí, có rất nhiều người đang dạy môn Ngữ văn ở trường phổ thông và đại học.
Dù là vô tình hay hữu ý thì những lời chê trách - có thể chê trách nữ sinh, chê trách cách dạy và học Ngữ văn hiện nay vẫn làm cho nữ sinh mới ở độ tuổi 15 bị tổn thương sâu sắc. Các học sinh khác đang có động lực học Ngữ văn, theo đuổi sáng tạo ngôn ngữ cảm thấy hoang mang. Không lẽ viết dài là có tội và sẽ bị lên án?
Việc viết ngắn gọn, súc tích là kĩ năng sẽ hình thành từ tư duy, nghĩa là dần dần khi đã thành thạo sử dụng ngôn ngữ, các học sinh sẽ tự đúc kết cho mình kỹ năng tư duy cô đọng lại, tập trung hơn, trình bày ngắn gọn hơn và không phải quá nhiều chữ cho một vấn đề được sáng rõ. Việc này không thể đòi hỏi ở những học sinh giỏi Văn mới ở trên ghế nhà trường.
Thái độ trân quý các học sinh giỏi Văn là cần thiết. Đáng lẽ, các em phải nhận được những lời khích lệ, những động lực học tập và phát huy khả năng, năng lực văn chương của mình để bước tới những năm học tiếp theo…
Mạng xã hội như một con dao 2 lưỡi, một khi viết cái gì, nói cái gì trên trang cá nhân, có lẽ người lớn chúng ta cũng cần phải thận trọng nhất là khi nói về một nữ sinh vừa dự thi vào tuyển sinh 10. Học sinh này không có lỗi khi là chủ nhân của bài thi 21 trang giấy được 9,75 điểm nhưng lại đang là đối tượng cho nhiều người bàn tán và phải chịu tổn thương nhiều nhất.
Liên quan đến vụ việc nữ thủ khoa văn trường chuyên ở Hà Tĩnh có bài thi vào lớp 10 dài 21 trang bị tấn công trên mạng xã hội
Tiến sĩ Chu Mộng Long (tên thật là Châu Minh Hùng) lên tiếng sau bài viết "Dạy văn dạy bốc phét" ông đã đăng tải.
Theo Tiến sĩ Chu Mộng Long, chưa ai chứng minh được chất lượng bài thi thế nào mà chỉ đưa ra thông tin độ dài 21 trang để minh chứng cho việc chấm điểm 9,75 là khoa trương hình thức và thành tích, rất nguy hại. Lấy độ dài viết văn làm kỉ lục để các học sinh mỗi kì thi phấn đấu vượt qua là vô cùng có hại.
Theo ông Long, ý định thể hiện là thế nhưng ông không ngờ lời lẽ trong bài viết đã gây hiểu nhầm, khiến nhiều người hiểu sai rằng ông công kích em nữ sinh.
"Dẫu thế nào thì việc để người đọc hiểu nhầm thì vẫn là lỗi của người viết. Thật lòng tôi gửi lời xin lỗi đến em bé, gia đình em bé, và tất cả các bạn đọc", Tiến sĩ Chu Mộng Long viết.