Bài thi tổ hợp có độ phân hóa phù hợp
Theo nhận định của các giáo viên, đề thi 2 bài tổ hợp Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tương đối vừa sức với thí sinh, phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp song vẫn đảm bảo độ phân hóa, thuận lợi cho các trường đại học sử dụng kết quả thi để xét tuyển.
Kết thúc hai bài thi tổ hợp trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT sáng ngày 29/6, em Võ Hoàng Mai Vy, Trường THPT Phạm Hồng Thái (Hà Nội) cho biết: Đề thi tổ hợp Khoa học Xã hội không quá khó, học sinh dễ đạt điểm 7-8. Môn Địa lý thì đã có Atlat (hệ thống bản đồ địa lý) hỗ trợ, tuy nhiên, môn Lịch sử có một vài câu kiến thức không nằm trong SGK nên đòi hỏi học sinh phải có kiến thức tổng hợp mới hoàn thành tốt bài thi.
Em Đinh An Khánh, Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) cũng cho biết: Nhìn chung đề thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên tương đối vừa sức với thí sinh. Tuy nhiên, đề thi cũng có những câu hỏi mang tính phân loại học sinh khá, giỏi khá rõ ràng. Những câu còn lại chỉ cần cẩn thận thì sẽ dễ dàng “ăn điểm”. Với đề thi này, nhiều học sinh sẽ đạt điểm 7-8 song không dễ đạt điểm tối đa.
Nhận định về đề thi tổ hợp, các giáo viên tổ Khoa học Tự nhiên, hệ thống giáo dục HOCMAI cho biết: Bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên năm nay đảm bảo mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời có độ phân hóa phù hợp cho mục tiêu xét tuyển đại học. Với mức độ đề thi này, các thí sinh chỉ cần ôn tập và nắm chắc kiến thức sách giáo khoa là có thể đạt được điểm 6-7 một cách dễ dàng, tuy nhiên, số điểm tuyệt đối sẽ không nhiều.
Đề thi môn Vật lí được giữ ổn định về cấu trúc nội dung như đề thi chính thức năm 2022 và tương đồng với đề thi tham khảo mà Bộ GD&ĐT công bố hồi tháng 3/2023. Có 42,5% (17 câu) số câu hỏi trong đề là bài tập tính toán; 57,5% (23 câu) số câu hỏi lí thuyết. Đề thi không xuất hiện dạng câu hỏi mới, lạ, không có loại câu hỏi kết hợp kiến thức của nhiều chuyên đề. Các câu hỏi khó của đề thi vẫn rơi vào các chuyên đề quen thuộc trong chương trình Vật lí 12.
Đề thi môn Hóa học cũng được các giáo viên đánh giá là không quá khó, với 75% câu hỏi (30/ 40 câu) thuộc mức độ nhận biết, thông hiểu, 25% câu hỏi (chiếm 10/ 40 câu) thuộc mức độ vận dụng, vận dụng cao. Đề thi không có câu hỏi rơi vào phần kiến thức đã được giảm tải. Đặc biệt, đề thi Tốt nghiệp THPT môn Hóa năm 2023 có xuất hiện một số câu hỏi tính toán gắn liền với đời sống thực tế, nhằm giúp học sinh vận dụng tốt hơn các kiến thức đã học vào cuộc sống.
Ở môn Sinh học, đề thi năm nay cũng đã có sự đổi mới theo hướng đánh giá năng lực, tăng yêu cầu đánh giá bản chất môn học, thí sinh cần kĩ năng đọc, phân tích hình ảnh và bảng biểu, sơ đồ để khai thác dữ liệu từ đó làm nguyên liệu cho việc trả lời câu hỏi. Các câu khó nhất của đề thi vẫn năm trong phần quy luật di truyền và di truyền quần thể và di truyền người ở mức vận dụng cao như truyền thống.
Cũng theo nhận định của các giáo viên hệ thống giáo dục HOCMAI, đề thi tổ hợp Khoa học Xã hội năm 2023 tuân thủ đúng cấu trúc nội dung như Bộ GD&ĐT đã công bố, đảm bảo mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp THPT, có độ phân hóa phù hợp cho mục tiêu xét tuyển đại học. Trong đó, môn Lịch sử có độ khó tương đương với đề tham khảo, nội dung đề thi không có nhiều biến động. 90% tổng số câu hỏi trong đề thuộc kiến thức lớp 12 và 10% câu hỏi thuộc lớp 11, tăng 1 câu so với đề thi tốt nghiệp năm 2022 bao gồm 2 câu hỏi phần lịch sử Việt Nam và 2 câu phần lịch sử thế giới.
Đề thi môn Địa lý nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12, không có câu hỏi lí thuyết thuộc nội dung kiến thức 11 nhưng có 2 câu thực hành kĩ năng bảng số liệu và biểu đồ lấy số liệu từ lớp 11. Tỷ lệ câu hỏi lí thuyết/thực hành là 52,5%/47,5% và tỉ lệ câu hỏi nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao là 75%/25%. Đề thi không xuất hiện dạng câu hỏi so sánh, không có câu hỏi mang tính thời sự.
Đề thi môn Giáo dục Công dân cũng không xuất hiện dạng bài hay nội dung kiến thức mới, lạ. Thí sinh chỉ cần nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa là có thể đạt điểm 7-8.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-duc/bai-thi-to-hop-co-do-phan-hoa-phu-hop-i698560/