Bài thuốc chữa mất ngủ từ thảo dược quanh nhà
Mất ngủ kéo dài không chỉ khiến cơ thể mệt mỏi mà còn có thể dẫn tới trầm cảm, đột quỵ nếu không được điều trị kịp thời.
Theo Lương y Lê Xuân Hải, Hội Đông y quận Đống Đa (Hà Nội), trong Đông y, mất ngủ được gọi là “thất miên”, xuất phát từ các nguyên nhân như tâm tỳ hư, thận âm hư hoặc can khí uất. Các rối loạn này khiến người bệnh khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu, dễ tỉnh giấc, từ đó ảnh hưởng lớn tới công việc và cuộc sống hàng ngày.
Nhiều người chủ quan cho rằng mất ngủ chỉ là biểu hiện nhất thời, không cần điều trị. Tuy nhiên, tình trạng kéo dài có thể dẫn tới hàng loạt hệ lụy như suy giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung, rối loạn tâm lý, thậm chí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, đột quỵ.
Nguyên nhân mất ngủ ở mỗi người có thể khác nhau. Người mất ngủ do ảnh hưởng từ các bệnh lý nền, có người lại rơi vào tình trạng này sau những cú sốc tâm lý hay vì lo âu kéo dài.
Nếu không được điều trị đúng cách, mất ngủ có thể trở thành bệnh mạn tính. “Bệnh nhân mất ngủ lâu ngày thường rơi vào trạng thái trầm cảm, mệt mỏi, không muốn làm việc, không thể tập trung”, lương y Hải nói.

Với Đông y, mỗi thể bệnh lại có bài thuốc đặc trị riêng. (Ảnh minh họa)
Để điều trị hiệu quả, người bệnh cần đi khám để tìm hiểu nguyên nhân cụ thể. Với Đông y, mỗi thể bệnh lại có bài thuốc đặc trị riêng, kết hợp nguyên tắc điều hòa khí huyết, an thần, dưỡng tâm.
Với người bị mất ngủ do can khí uất, thường có các biểu hiện như dễ cáu gắt, đầu óc căng thẳng, lo âu, buồn bã, kèm theo đau đầu, chóng mặt. Lương y Hải khuyên dùng các bài thuốc có tác dụng sơ can, giải uất, giúp tinh thần thư thái, dễ đi vào giấc ngủ.
Bạn hãy dùng sài hồ 12 g, bạc hà 8 g, bạch truột 8 g, phục thần 12 g, sinh địa 12 g, cam thảo 6 g, táo 3 quả, gừng nướng 1 g, bán hạ 12 g, trần bì 6 g, mạch môn 12 g, hàng cầm 8 g. Đổ 5 bát nước, sắc thành 3 bát, chia thành 3 lần uống trong một ngày.
Ở nhóm bệnh nhân tâm tỳ hư, biểu hiện thường là khó ngủ kéo dài, giấc ngủ chập chờn, mộng nhiều, tim đập nhanh, dễ quên, mệt mỏi tay chân, ăn uống kém. Trường hợp này nên dùng các bài thuốc bổ tâm tỳ, giúp tăng cường khí huyết, ổn định thần kinh.
Bạn hãy dùng đương quy 12 g, thục địa 12 g, mạch môn 12 g, bạch truột 16 g, hạt sen 16 g, táo nhân 12 g, phục thần 12 g, quế nhục 4 g, đẳng sâm 12 g, hoàng kỳ 12 g, cam thảo 4 g, táo 3 quả, mộc hương 4 g, long nhãn 12 g. Đổ 5 bát nước, sắc thành 3 bát, chia thành 3 lần uống trong một ngày.
Một dạng mất ngủ khác là do thận âm hư, người bệnh có biểu hiện lo lắng, hồi hộp, nóng trong, táo bón, đau lưng mỏi gối, hoa mắt chóng mặt. Lúc này cần các bài thuốc bổ thận âm, giáng hỏa, giúp tâm an và dễ ngủ hơn.
Bạn hãy dùng thục địa 20 g, hoài sơn 12 g, trạch tả 12 g, mạch môn 12 g , ngưu tất 12 g, sơn thù 12 g, đan bì 10 g, bạch linh 12 g, phục thần 12 g. Đổ 5 bát nước, sắc thành 3 bát, chia thành 3 lần uống trong một ngày. Người dùng bài thuốc này chú ý tránh ăn đồ cay nóng, kiêng đồ lạnh.
Lương y Hải lưu ý, bên cạnh việc dùng thuốc, người bệnh cần điều chỉnh lối sống để hỗ trợ điều trị. Tâm yên là điều kiện quan trọng để ngủ ngon - tức là giữ tinh thần thoải mái, hạn chế căng thẳng, lo âu. Người bệnh nên ăn uống đầy đủ, sinh hoạt đúng giờ, tránh vận động mạnh vào buổi tối. Thay vào đó, hãy đọc sách, nghe nhạc nhẹ hoặc đan móc để thư giãn đầu óc trước khi ngủ.
Các chất kích thích như cà phê, rượu, thuốc lá cũng cần được loại bỏ khỏi thói quen sinh hoạt của người hay mất ngủ. Đặc biệt, không nên uống quá nhiều nước vào buổi tối để tránh việc phải thức dậy giữa đêm, gây gián đoạn giấc ngủ. Ngoài ra, cũng nên tạo môi trường ngủ yên tĩnh, tránh sử dụng điện thoại, tivi hay máy tính trên giường ngủ.
Lương y Hải khuyến cáo, người bệnh tuyệt đối không nên tự ý dùng thuốc ngủ bởi nguy cơ lệ thuộc rất cao. Khi rơi vào tình trạng mất ngủ kéo dài, hãy tìm đến bác sĩ để được tư vấn và điều trị đúng cách, tránh những hệ quả không mong muốn cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/bai-thuoc-chua-mat-ngu-tu-thao-duoc-quanh-nha-ar937907.html