Đừng để người bệnh đi tầm soát đột quỵ tốn tiền không cần thiết

Nếu thấy một trường hợp có yếu tố nguy cơ đột quỵ rất thấp mà chỉ là lo lắng của người bệnh, cần mạnh dạn giải thích để người bệnh không phải làm những cận lâm sàng không cần thiết, đừng để người bệnh tốn tiền không cần thiết.

TS.BS Nguyễn Tri Thức, Thứ trưởng Bộ Y tế đã phát biểu như vậy tại hội thảo "Phòng chống đột quỵ: Từ lý thuyết đến thực tế hành động" do báo Tiền Phong tổ chức trong ngày 20/4 tại TP.HCM.

Thứ trưởng Bộ Y tế nhắn gửi đến các cơ sở y tế trong phòng ngừa đột quỵ trên cả nước: Khi một bệnh nhân đến tầm soát đột quỵ cần tập trung khám lâm sàng trước khi tầm soát để giảm bớt những cận lâm sàng không cần thiết, giảm bớt những chi phí không cần thiết của người bệnh.

Tiến sĩ Nguyễn Tri Thức, Thứ trưởng Bộ Y tế tặng hoa các diễn giả trong hội thảo. (Ảnh: Phạm Nguyễn)

Tiến sĩ Nguyễn Tri Thức, Thứ trưởng Bộ Y tế tặng hoa các diễn giả trong hội thảo. (Ảnh: Phạm Nguyễn)

"Việc khám lâm sàng kỹ lưỡng cần được ưu tiên để tránh lạm dụng cận lâm sàng không cần thiết, giúp người bệnh tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đạt hiệu quả trong phòng ngừa và điều trị", Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng kêu gọi cộng đồng không nên để "nỗi sợ đột quỵ" lấn át lý trí: "Chúng ta không nên sợ hãi đến mức ăn gì cũng sợ đột quỵ, đi đâu cũng lo bị đột quỵ. Điều quan trọng là hiểu đúng, biết rõ những yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu hay lối sống thiếu vận động - từ đó chủ động phòng ngừa thay vì sợ hãi mơ hồ do không hiểu gì về đột quỵ".

Ông cũng lưu ý người dân cần tiếp cận các cơ sở y tế uy tín trong phòng ngừa, tầm soát đột quỵ.

Cũng tại hội thảo này, TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết đột quỵ hiện là một trong những gánh nặng bệnh tật hàng đầu tại Việt Nam, với ước tính 200.000 ca mắc mới mỗi năm. Việt Nam có tỉ lệ người mắc bệnh đột quỵ cao gần nhất thế giới.

Trên thế giới, trong các bệnh không lây nhiễm, đột quỵ vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai và là nguyên nhân đứng thứ ba gây tử vong và tàn tật cộng lại. Năm 2021, toàn thế giới có 12,2 triệu ca đột quỵ mắc mới mỗi năm, cứ 3 giây có một ca mắc đột quỵ mới, trong 4 người sẽ có 1 người có đột quỵ trong đời.

Đột quỵ không còn là bệnh của người già mà hiện có xu hướng trẻ hóa. 16% số ca đột quỵ xảy ra với những người dưới 50 tuổi. Cứ 2 người đột quỵ thì mất đi một lao động. Một người bị đột quỵ trong gia đình thì nhiều người phải dành thời gian công sức, tiền bạc để chăm lo.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cần đẩy mạnh can thiệp cộng đồng nhằm giảm yếu tố nguy cơ gây đột quỵ như hút thuốc, lạm dụng rượu bia, thiếu vận động… Song song đó phải nâng cao năng lực chẩn đoán sớm, rút ngắn thời gian tiếp cận điều trị tiêu sợi huyết, can thiệp mạch - yếu tố quyết định sự sống còn cho người bệnh.

10 yếu tố nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ trên thế giới

1. Hút thuốc lá

2. Chế độ ăn uống không hợp lý.

3. Sử dụng đồ uống có cồn.

4. Ít hoạt động thể lực.

5. Ô nhiễm không khí.

6. BMI cao.

7. Tăng cholesterol.

8. Tăng huyết áp tâm thu.

9. Đường huyết lúc đói cao.

10. Rối loạn chức năng thận.

Thùy Dương/VTC News

Nguồn VOV: https://vov.vn/suc-khoe/dung-de-nguoi-benh-di-tam-soat-dot-quy-ton-tien-khong-can-thiet-post1193578.vov