Bài thuốc điều trị viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa thuộc phạm vi chứng thấp chẩn, thấp sang trong Đông y, có đặc điểm hình thái tổn thương đa dạng, ngứa nhiều và hay tái phát, dễ diễn biến mạn tính...
1. Đặc điểm của viêm da cơ địa
Bệnh thấp chẩn thường gặp ở nhiều đối tượng nhưng chủ yếu hay gặp ở người trưởng thành, có thể tự phát sinh, cũng có khi bệnh mang tính di truyền của gia đình (tương đương với chàm, viêm da cơ địa của y học hiện đại).
Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ngứa khác nhau nên tính chất ngứa cũng khác nhau. Ngoài ra trong giai đoạn sinh cơ để liền vết thương do tân huyết tăng sinh cũng gây cảm giác ngứa.
Ngứa do phong (phong dưỡng): Vị trí ngứa di chuyển, thay đổi như ngứa do chứng mề đay. Vì phong hướng lên trên nên ngứa phần trên đầu mặt nhiều, gãi dễ nổi mẩn, hay tróc vảy như diện du phong, bạch điến phong.
Ngứa do thấp (thấp dưỡng): Thường nổi mụn phỏng nước (thủy bào), chảy nước vàng có khi lan thành đám như thấp chẩn. Vì thấp thường hướng xuống dưới cho nên thấp dưỡng thường gặp ở phần dưới cơ thể.
Ngứa do nhiệt (nhiệt dưỡng): Da đỏ, nóng, sần đỏ thành mảng, ngứa nhiều gặp nóng ngứa tăng, gãi dễ chảy máu như chứng huyết phong sang (dị ứng).
Ngứa do trùng, trùng thú cắn (trùng dưỡng): Ngứa nhiều, rất khó chịu, dễ lây lan như bệnh ghẻ hoặc các loại ong, ve, tiết túc cắn...
Hư dưỡng: Chứng ngứa do khí huyết hư, da dày khô tróc vảy.
Liêm dưỡng: Chứng nhọt lở lúc mủ độc đã hết, tổ chức hạt mới sinh sắp lành miệng sinh ngứa do khí huyết lưu thông tốt kích thích lên da non.

Bệnh viêm da cơ địa có đặc điểm hình thái tổn thương đa dạng, ngứa nhiều và hay tái phát.
2. Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh
Viêm da cơ địa chủ yếu do rối loạn các chức năng của tạng phủ hoặc một số bệnh nội khoa khác làm cho công năng vận hóa thủy thấp của cơ thể bị ảnh hưởng, nội thấp hiệp với phong thành độc tà mà gây ra bệnh.
Những chứng bệnh nội khoa thường gặp là: Táo bón kéo dài, giun sán, tiền mãn kinh, các rối loạn chức năng tạng phủ cơ quan trong cơ thế... Hoặc do các nguyên nhân bị cảm nhiễm phong, thấp, các chất lạ... từ bên ngoài vào phối hợp với những yếu tố sẵn có ở bên trong mà gây ra bệnh.
3. Bài thuốc điều trị viêm da cơ địa
Tùy từng trường hợp mà dùng bài thuốc phù hợp như sau:
3.1. Huyết hư phong táo
Triệu chứng: Thấp chẩn mạn tính, ngứa từng cơn, ngứa nhiều về đêm và lúc trời nóng. Bệnh kéo dài, tái phát nhiều lần, sắc da vùng thấp chẩn xạm, thâm đen do sắc tố kết tụ, da khô dầy lên thành từng vầng, từng đám; xương khớp đau, gối mỏi. Nếu phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh thường kèm theo rối loạn kinh nguyệt. Chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng. Mạch tế sác.
Phương pháp điều trị:Dưỡng huyết khư phong, thanh nhiệt lợi thấp, nhuận táo.
Bài thuốc:Tứ vật thang hợp Tỳ giải thẩm thấp thang gia giảm.
Thành phần: Đương quy 12g, sinh địa 16g, bạch thược 12g, xuyên khung 12g, kinh giới 12g, phòng phong 12g, thiền thoái 6g, tỳ giải 12g, ý dĩ 12g, trạch tả 10g, hoạt thạch 10g, thông thảo 6g
Cách bào chế: Thiền thoái bỏ đầu và chân, cam thảo chích. Các vị trên sắc với 1800ml nước, thêm sinh khương 3 miếng, đại táo 3 quả, lọc bỏ bã lấy 300ml.
Cách dùng: Ngày sắc uống 1 thang, chia đều 3 lần.
Gia giảm:
- Bệnh phát ở đầu mặt gia: Bạch chỉ, cao bản.
- Bệnh ở thân mình gia: Xuyên ngưu tất, đỗ trọng.
- Bệnh phát ở tứ chi gia: Quế chi, độc hoạt.
- Ngứa nhiều gia: Khổ sâm, bạch tiễn bì...

Cây chè vằng chữa mẩn ngứa, viêm da cơ địa.
3.2. Thấp nhiệt
Triệu chứng: Thấp chẩn da đỏ, sưng loét chảy nước thành đám kết vảy, ngứa nhiều (thể chàm cấp và bán cấp), táo bón, tiểu tiện ít, vàng sẫm. Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng dầy, nhớt. Mạch hoạt sác.
Phương pháp điều trị: Sơ phong, thanh nhiệt, trừ thấp.
Bài thuốc: Tiêu phong tán hợp Long đởm tả can thang gia giảm:
Thành phần: Long đởm thảo 10g, hoàng cầm 12g, chi tử 12g, trạch tả 10g, xa tiền 12g, mộc thông 10g, đương qui 12g, sinh địa 12g, sài hồ 16g, cam thảo 4g, kinh giới 12g, phòng phong 10g, thiền thoái 6g, ngưu bàng tử 12g, khổ sâm 10g, thạch cao 12g, trí mẫu 10g.
Cách bào chế: Thiền thoái bỏ đầu và chân. Các vị trên sắc với 1800ml nước, sắc lọc bỏ bã lấy 300ml.
Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang, chia làm 3 lần.
Gia giảm:
Nhiệt thịnh bội: Long đởm thảo, hoàng cầm.
Thấp thịnh gia: Xuyên ngưu tất, bội: Xa tiền tử, mộc thông.
3.3 Bài thuốc nam: Cây chè vằng 20 g đun với 1500ml nước, sắc lọc bỏ bã, uống thay nước chữa mẩn ngứa.
3.4 Thuốc dùng ngoài:
- Thuốc rửa:
Bài 1: Ngũ bội tử, xà sàng tử mỗi thứ 50-70g sắc nước rửa.
Bài 2: Cây thồm lồm 30g, đun nước rửa nơi tổn thương ngứa, mụn nước, bong da, khô da.
- Thuốc bôi - Ngũ thạch tán: Hàn thuy thạch, thạch cao, băng phiến, xích thạch chi, thạch cam lộ. Các vị thuốc lượng thuốc bằng nhau, tán bột mịn tinh trộn đều, bôi ngày 2-3 lần.
4. Cách chăm sóc và phòng bệnh
- Xác định các nguyên nhân để chữa trị và tránh các tiếp xúc với yếu tố gây dị ứng.
- Không ăn các chất cay nóng như hạt tiêu, ớt, hành tỏi, các chất thức ăn dễ gây ngứa.
- Vệ sinh da đề phòng tái phát.
Mời bạn xem thêm video:
Những nguyên nhân dẫn đến viêm da cơ địa thường bị bỏ qua? | SKĐS
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bai-thuoc-dieu-tri-viem-da-co-dia-16925070916115185.htm