Bài toán cân bằng sản xuất và xuất khẩu lúa gạo cán đích trên 5 tỷ USD

Các địa phương như Đồng Tháp, An Giang hôm nay nguồn gạo về chưa nhiều, giao dịch chậm, gạo đẹp ít, giá ổn định, nhu cầu từ các kho chưa mạnh.

Giá lúa gạo trong nước hôm nay có xu hướng đi ngang

Giá lúa gạo ngày hôm nay (17/6) tại các địa phương thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, giá lúa tươi vững, thương lái mua cầm chừng, gạo dồn về từ khu vực khác. Tại An Giang giá lúa tươi ổn định, nhu cầu lúa Hè thu chậm, giao dịch ổn định. Tại Kiên Giang, giao dịch chậm, giá ít biến động.

Giá lúa gạo có xu hướng đi ngang tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Thị trường gạo giao dịch lai rai, gạo đẹp ít, giá vững, kho mua chậm. Cụ thể, tại thị trường gạo, giá gạo xu hướng đi ngang. Ghi nhận tại các địa phương như Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang, gạo đẹp ít, giá vững, kho mua chậm. Cụ thể, giá gạo nguyên liệu IR 504 dao động quanh mốc 10.600 - 10.800 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 ở mức 12.750 - 12.850 đồng/kg, theo báo Quân Đội Nhân Dân.

Năm 2023, tỉ trọng giống lúa chất lượng cao của Việt Nam chiếm 85%. Sản phẩm gạo xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn là gạo trắng, chiếm tới hơn 60% trong cơ cấu, đạt hơn 2,3 tỷ USD. Gạo Việt Nam ngày càng có nhận diện về thương hiệu trên bản đồ thế giới.

Cụ thể, theo cập nhật từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh An Giang, các giống lúa hôm nay không có biến động. Trong đó, lúa IR 50404 giá dao động quanh mốc 7.400 - 7.500 đồng/kg; nếp Long An (khô) ở mức 9.500 - 9.700 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 giá 7.600 - 7.800 đồng/kg; lúa OM 5451 giá ổn định 7.600 - 7.700 đồng/kg; lúa OM 18 có giá 7.600 - 7.800 đồng/kg; lúa OM 380 dao động từ 7.500 - 7.600 đồng/kg.

Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam có điều chỉnh giảm. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), gạo tiêu chuẩn 5% tấm hiện ở mức 570 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 549 USD/tấn; gạo 100% tấm ổn định ở mức 475 USD/tấn.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2024 tăng

Số liệu của Bộ NN&PTNT cho thấy, 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo cả nước đạt gần 4,2 triệu tấn, kim ngạch 2,65 tỷ USD, tăng gần 15% về lượng và tăng hơn 38% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), sau một thời gian giá gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn ở mức cao nhất thế giới, thì hiện nay lại đang ở mức thấp so với các quốc gia xuất khẩu lớn như Thái Lan và Pakistan. Cụ thể, những ngày đầu tháng 6, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn Thái Lan khoảng 49 USD/tấn, thấp hơn Pakistan 14 USD/tấn.

Các thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam vẫn là Philippines, Indonesia, Malaysia, Ghana, Trung Quốc. Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Philippines Phùng Văn Thành cho biết: Việt Nam vẫn là đối tác xuất khẩu gạo lớn nhất của Philippines. Tính từ đầu năm đến ngày 23/5, gạo Việt Nam xuất khẩu sang Philippines đạt 1,44 triệu tấn, chiếm 72,9% trong tổng số gạo nhập khẩu của Philippines. Năm 2023, tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines đạt 3,6 triệu tấn, giảm 5,9% so với mức kỷ lục năm 2022 là 3,82 triệu tấn. Năm 2024, dự báo tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines đạt khoảng 4 triệu tấn, theo Nhân Dân.

Nhận định thị trường tiềm năng có nhiều biến động

Đáng chú ý thông tin từ VFA, sản lượng lúa của các quốc gia nhập khẩu chính như Philippines, Indonesia cũng liên tục được điều chỉnh. Cụ thể, Bộ Nông nghiệp Philippines đặt mục tiêu sản xuất khoảng 20,88 triệu tấn lúa trong năm 2024, tăng so với mức ước tính 20,06 triệu tấn của năm 2023. Do đó, sản lượng gạo của Philippines tăng sẽ tác động đến lượng gạo nhập khẩu của quốc gia này.

Bên cạnh đó tại Indonesia, nông dân cũng bắt đầu gieo hạt trước mùa khô như một phần trong nỗ lực tăng sản lượng và giảm nhập khẩu gạo. Năm 2023, điều kiện thời tiết khô hạn do El Nino gây ra đã ảnh hưởng đến lượng mưa và sản lượng lúa gạo của nước này.

Ngoài ra, thị trường tiềm năng khác của Việt Nam cũng đang giảm nhập khẩu, tăng xuất khẩu gạo là Trung Quốc. Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cho biết, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc đã nhập khẩu 490.000 tấn gạo, giảm 64,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, lũy kế xuất khẩu gạo của nước này trong 4 tháng đầu năm 2024 là 340.000 tấn, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Còn đối với thị trường chung toàn cầu, trong “Báo cáo thị trường ngũ cốc” tháng 5, Hội đồng ngũ cốc quốc tế (IGC) dự báo sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2024/25 đạt 523 triệu tấn, cao hơn 3 triệu tấn so với dự báo trước đó với dự đoán sự gia tăng sẽ xuất hiện ở các nước xuất khẩu hàng đầu, đặc biệt là ở khu vực Nam Á. IGC cũng dự báo thương mại gạo toàn cầu niên khóa 2024/25 đạt 52 triệu tấn, cao hơn 2 triệu tấn so với dự báo trước đó do nhập khẩu tăng từ người mua châu Á và châu Phi.

Tuy nhiên, phần lớn mức tăng lại đến từ việc tăng xuất khẩu gạo của Ấn Độ và Mỹ. Bên cạnh đó, tồn kho gạo toàn cầu niên khóa 2024/25 cũng được dự báo tăng, đạt 171 triệu tấn do dự trữ gạo của Ấn Độ dự kiến tăng. Điều này cũng có nghĩa là Ấn Độ có thể sẽ quay trở lại thị trường xuất khẩu gạo sớm trong thời gian tới. Trước đó, vào tháng 7/2023, Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo trắng thường (phi basmati) nhằm bảo đảm nguồn cung và ổn định giá lương thực trong nước.

Dự báo giá gạo toàn cầu tăng

Trong báo cáo "Triển vọng hàng hóa toàn cầu" do World Bank công bố cũng nhận định: giá gạo toàn cầu dự kiến sẽ không giảm trước năm 2025 do hạn chế xuất khẩu từ các quốc gia sản xuất lớn và mối đe dọa kéo dài của hiện tượng El Nino. Cụ thể, giá nông sản được dự báo sẽ giảm 7% vào năm 2023 và thêm 2% vào năm 2024 và 2025 nhờ nguồn cung dồi dào.

Tuy nhiên, ngược lại thì giá gạo vẫn tăng. Giá gạo toàn cầu trung bình năm 2023 cao hơn 28% so với năm 2022 và dự kiến sẽ tăng thêm 6% vào năm 2024. Nguyên nhân do mối đe dọa từ El Nino và các chính sách hạn chế xuất khẩu từ các nguồn cung lớn cũng như tăng nhập khẩu từ các nước có nhu cầu cao.

Thông tin trên Kinh tế & Đô thị trước những dự báo về giá gạo sẽ còn cao trong năm 2024, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, dù diện tích lúa có xu hướng giảm nhưng kế hoạch sản xuất năm 2024, ngành nông nghiệp vẫn đặt mục tiêu giữ vững diện tích gieo trồng lúa đạt 7,1 triệu ha, sản lượng lúa trên 43 triệu tấn; đảm bảo xuất khẩu từ 8 triệu tấn gạo trở lên.

“Thực tế, năm 2023, thị trường lương thực toàn cầu biến động bất thường, gồm bất lợi của thời tiết làm giảm sản lượng, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, nhưng với sự điều hành linh hoạt, hợp lý của Chính phủ, Việt Nam đã tận dụng được cơ hội lớn để cung cấp gạo cho toàn thế giới, giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân.”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định.

Trước những biến động trên nông dân Việt Nam tiếp tục kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn để năm 2024 sẽ tiếp tục là một năm tăng trưởng và bứt phá trong xuất khẩu gạo, từ đó giúp nông dân nâng cao thu nhập.

Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu gạo đạt hơn 5 tỷ USD, tăng khoảng 300 triệu USD so với con số kỷ lục 4,78 tỷ USD của năm 2023. Tuy nhiên, tình hình sản xuất, xuất khẩu và chính sách thương mại gạo của nhiều quốc gia trên thế giới sẽ tiếp tục có những thay đổi trong thời gian tới, đòi hỏi các cơ quan chức năng, ngành hàng và doanh nghiệp cần cập nhật thường xuyên, đầy đủ để bảo đảm hiệu quả hoạt động xuất khẩu gạo.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bai-toan-can-bang-san-xuat-va-xuat-khau-lua-gao-can-dich-tren-5-ty-usd-a668697.html