Bài toán cần giải cho du lịch Việt không chỉ nằm ở ngành vận tải

Giá vé máy bay nội địa cao dẫn đến các chi phí du lịch trong nước tăng cao, vì thế ngay trong dịp cao điểm hè 2024, từ đầu kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 đến nay, xu hướng khách du lịch trong nước chọn tour có nhiều thay đổi.

Chọn tour đường bộ, đường sắt để giảm chi phí

Đợt nghỉ lễ dịp 30/4-1/5, gia đình chị Ly (Lạng Sơn) gồm chồng và hai con nhỏ đã lên kế hoạch đi du lịch Phú Quốc. Vì gần sát ngày mới chốt được lịch nghỉ theo lịch nghỉ lễ của cơ quan nên khi chị Ly kiểm tra giá vé máy bay từ Hà Nội đi Phú Quốc khứ hồi cho cả nhà thì đành “quay xe” vì giá quá cao. Nhẩm tính riêng tiền vé khứ hồi cho 4 thành viên trong gia đình đã lên tới gần 40 triệu đồng, chưa kể chi phí ăn uống, di chuyển, mua sắm… trong khi ngân sách cho chuyến đi chơi dịp này gia đình chị chỉ chi tối đa 20 triệu đồng cho tất cả kỳ nghỉ.

Cân đối lại chi phí, gia đình chị Ly chuyển hướng đi du lịch bằng đường bộ, với một tour trọn gói đi Cát Bà (Hải Phòng) với 4 thành viên, bãi biển sạch, khách sạn lưu trú 5* và khung cảnh nên thơ, đồ ăn hải sản dịp cao điểm cũng không bị “chặt chém”, phố xá ở thị trấn đảo sạch sẽ, cung đường từ phà đến trung tâm thị trấn đẹp như tranh khiến chuyến đi của gia đình chị đầy trải nghiệm đẹp, quan trọng là toàn bộ chi phí đều nằm trong dự tính.

Cũng giống như gia đình chị Ly, chị Hoa chọn dịp hè để cho cả nhà đi du lịch. Địa điểm là Quảng Bình với nhiều kỳ quan thiên nhiên và bãi biển đẹp, một địa điểm thú vị và giá cả rất phải chăng. Chị Hoa lựa chọn tàu hỏa từ ga Hà Nội đến ga Đồng Hới vào ban đêm và chọn về ban ngày để các con có thể nhìn thấy hành trình di chuyên của tàu qua các tỉnh – thành.

Quảng Bình có một năm du lịch khởi sắc khi lượng khách về Quảng Bình tăng đột biến. (Ảnh: Hiền Ly)

Quảng Bình có một năm du lịch khởi sắc khi lượng khách về Quảng Bình tăng đột biến. (Ảnh: Hiền Ly)

Chị Hoa cho biết: “Giá vé máy bay cao là một phần khiến tôi chuyển hướng cho cả nhà đi tàu, hơn nữa, tàu hỏa hiện nay cũng đã có nhiều cải thiện về chất lượng dịch vụ. Giá thành đi từ Hà Nội đến Đồng Hới (Quảng Bình) cũng chỉ hơn 1 triệu đồng/người, là mức vé đắt nhất, nhưng vẫn rẻ so với giá vé máy bay”.

Việc cho các con trải nghiệm đi tàu hỏa cũng là một lựa chọn thú vị, giúp cho con có thêm kỷ niệm và thêm sự lựa chọn khi di chuyển, đi du lịch không nhất thiết phải chọn đi máy bay, chị Hoa chia sẻ thêm.

Chị Diệp (Hà Nội) thì lại chọn một tour du lịch quốc tế, điểm đến là Thượng Hải – Hàng Châu (Trung Quốc) cùng con gái. Chị Diệp cho biết, giá tour trong nước hiện nay, di chuyển bằng máy bay thì có tour đi Đà Nẵng là giá “mềm” nhất, vì theo tìm hiểu thì Đà Nẵng đang có chương trình kích cầu du lịch nên giá tour khá rẻ, tuy nhiên, đây là điểm đến chị đã đi nhiều lần, hiện chưa có trải nghiệm mới nên chị quyết định mua tour đi nước ngoài để trải nghiệm vào tháng 7 tới. Tính ra một tour 2 người lớn trọn gói chi phí rơi vào 34 triệu đồng cho 5 ngày 4 đêm, trải nghiệm 3 thành phố, địa điểm nổi tiếng của Trung Quốc là Thượng Hải – Hàng Châu – Ô Trấn thì chi phí đó là bình thường so với mặt bằng chi phí du lịch trong nước.

Người bán tour của công ty du lịch Farwego (trụ sở Hà Nội) cũng chia sẻ, các tour quốc tế năm nay được khách Việt lựa chọn nhiều hơn so với năm ngoái khoảng 15%, trong khi các tour du lịch nội địa lại giảm mạnh. Đơn cử như tour của chị Diệp đi Trung Quốc mua của Farwego thì đã kín đoàn, ngày khởi hành trong tháng liên tục, khách mua tour cũng đa dạng, tour ghép đoàn hoặc có đoàn mua riêng một tour để công ty đi du lịch.

Bài toán cần giải cho du lịch Việt không chỉ nằm ở ngành vận tải

Ông Nguyễn Ngọc Bích (CEO Mekong Rustics) chia sẻ, khu du lịch của ông nằm ở ĐBSCL (khu vực Cần Thơ, Tiền Giang), khách du lịch chủ yếu là khách Tây vì quảng cáo truyền thông tốt đến tệp khách này, do ông cùng các cộng sự có nhiều năm làm việc trong ngành du lịch lữ hành, khách sạn.

Tuy nhiên, lượng khách Việt đột nhiên có biến động tăng bất ngờ ở dịp lễ 30/4-1/5 vừa rồi,nguyên nhân là do giá vé máy bay cao nên các gia đình ở khu vực Tp. HCM, Vũng Tàu hay các tỉnh lân cận như Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh… đi “đổi gió” ở các homestay lân cận, điều này cũng cho thấy thói quen chi tiêu thay đổi khi giá cả không phù hợp với túi tiền.

Chia sẻ trên kênh truyền hình Thông tấn, Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) cho biết: “Việc đặt giá trần của Bộ GTVT đổi với vé máy bay không tác động nhiều đến việc giá vé tăng hay giảm, bởi giá vé tăng hay giảm là do thị trường quyết định cung – cầu. Các nước hiện nay cũng không quy định về giá trần, giá sàn. Giá vé máy bay tăng cao là cơ hội cho các ngành vận chuyển dịch vụ khách phát triển như ngành đường sắt chẳng hạn”.

Năm 2021, tạp chí CNN đã đưa ra danh sách 6 hành trình trải nghiệm bằng tàu hỏa tuyệt vời nhất châu Á, trong đó cũng có một đại diện của Việt Nam. Đó chính là chuyến tàu hỏa mang tên The Vietage, kết nối giữa Đà Nẵng và Quy Nhơn. (Ảnh: The Vietage)

Năm 2021, tạp chí CNN đã đưa ra danh sách 6 hành trình trải nghiệm bằng tàu hỏa tuyệt vời nhất châu Á, trong đó cũng có một đại diện của Việt Nam. Đó chính là chuyến tàu hỏa mang tên The Vietage, kết nối giữa Đà Nẵng và Quy Nhơn. (Ảnh: The Vietage)

Trong thời gian vừa qua ngành đường sắt có những nỗ lực để chuyển mình tuy nhiên cung vẫn chưa đáp ứng được hết cầu, mặc dù dư địa lớn. Nhất là cung về chất lượng dịch vụ cần phải thay đổi, điều chỉnh theo hướng chất lượng cao để phục vụ khách hàng, vì đây cũng là cơ hội rất lớn để ngành đường sắt thực sự chuyển mình. Ví dụ: Ở những cung đường ngắn, phát triển thêm các toa dịch vụ cao cấp để thu hút khách quốc tế, khách trong nước có nhu cầu sử dụng dịch vụ chất lượng cao.

Đồng thời, các cơ quan quản lý ở địa phương có các điểm đến của các ga tàu, bến đỗ xe khách… cần tập trung xây dựng, quản lý chặt chẽ nạn hàng rong chặt chém du khách, chú ý đến các chi tiết nhỏ như xe đẩy chở đồ, người hướng dẫn, biển hướng dẫn ở khu vực bến, ga… Tạo trải nghiệm an toàn, ấn tượng và thân thiện với du khách – ông Tuấn chia sẻ thêm.

Không chỉ ngành vận tải và cách doanh nghiệp đang kinh doanh dịch vụ vận tải cần chung tay kết nối, mà các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại địa phương cũng cần phải giải bài toán “bản sắc, bản địa” để thu hút và giữ chân khách du lịch trong nước. Ông Nguyễn Ngọc Bích – Giám đốc Đổi mới sáng tạo của dự án Du lịch Thụy Sĩ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam cho biết, vấn đề du lịch của Việt Nam không phải là thiếu cảnh sắc hay thiếu đặc sản mà là vấn đề nằm ở con người. Du lịch nội địa đang thiếu những người thủ lĩnh ở địa phương, có tâm huyết giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống ở địa phương đó, đồng thời truyền cảm hứng cho những người dân bản địa có thể tự tin tạo sinh kế du lịch ngay tại địa phương.

 Khách Tây trải nghiệm đan giỏ lục bình tại Khu du lịch Mekong Rustic Cái Bè (Tiền Giang). Bên cạnh việc trò chuyện, lắng nghe về quy trình tạo ra các sản phẩm đan lát độc đáo từ cây lục bình, du khách còn có cơ hội tự tay học đan những sản phẩm độc đáo, đậm dấu ấn cá nhân trong không gian của khu du lịch miệt vườn. (Ảnh: Mekong Rustic)

Khách Tây trải nghiệm đan giỏ lục bình tại Khu du lịch Mekong Rustic Cái Bè (Tiền Giang). Bên cạnh việc trò chuyện, lắng nghe về quy trình tạo ra các sản phẩm đan lát độc đáo từ cây lục bình, du khách còn có cơ hội tự tay học đan những sản phẩm độc đáo, đậm dấu ấn cá nhân trong không gian của khu du lịch miệt vườn. (Ảnh: Mekong Rustic)

Thực tế là mô hình doanh nghiệp và người dân bản địa cùng làm ở Mekong Rustic đã tạo ra một liên kết khép kín, chung lợi ích, cùng phát triển, người dân cùng làm du lịch với doanh nghiệp, tạo ra một sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch nông thôn bền vững và thu hút được khách du lịch trong và ngoài nước. Đây cũng là hướng đi bền vững và khả quan về hướng đi cho ngành du lịch với một nước nông nghiệp như Việt Nam.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/bai-toan-can-giai-cho-du-lich-viet-khong-chi-nam-o-nganh-van-tai.html