Bài toán hậu mãi chung cư có thời hạn: Tài sản thành tiêu sản, trả tiền một lần để ở 50 năm?
Kỳ vọng lớn nhất của người dân khi mua căn hộ chung cư từ vốn tích lũy cả đời là vừa để ở vừa là 'của để dành' cho con cháu, nay lại có khả năng tan thành mây khói.
Khác nào đi thuê nhà 50-70 năm nhưng phải trả tiền một cục
Nhiều người lo chung cư vốn dành để tích sản sẽ xuống giá. Ông Phan Hà Bình (49 tuổi), sống trong một chung cư tại Tp.HCM khi được hỏi về đề xuất trên, lắc đầu e ngại do lo sợ giá nhà sẽ giảm mạnh: "Giá chung cư sẽ giảm bởi khi đó không ai chấp nhận giá cả như bây giờ vì tài sản quý giá này sẽ biến thành tiêu sản. Một mặt hàng chỉ được dùng trong một thời gian không thể bán cao như thứ sử dụng lâu dài", ông nói.
Ông Bình cũng cho rằng, chẳng có doanh nghiệp địa ốc nào có thể bán chung cư với giá như hiện tại nếu hình thức sở hữu thay đổi từ lâu dài thành có thời hạn.
"Nhưng cũng như nhà riêng lẻ, người mua chung cư cũng phải trả tiền sử dụng đất trong giá mua vậy thì tại sao tước quyền sử dụng lâu dài của họ?", ông đặt câu hỏi.
Ông băn khoăn nếu chung cư đập bỏ thì mảnh đất xây chung cư sau này sẽ thuộc về ai mà đúng lý được sử dụng chung của toàn bộ cư dân đã góp tiền tạo dựng lên.
"Chẳng lẽ phải đóng tiền sử dụng đất như bình thường, nhiều chung cư cao cấp giá trên 100 triệu/m2 cao không thua kém giá đất nhiều nơi đắc địa rồi mua hóa ra như thuê dài hạn mà trả tiền như sở hữu lâu dài? Singapore quy định niên hạn 99 năm chỉ áp dụng cho chung cư do Chính phủ đầu tư, bán giá hỗ trợ cho dân chúng", ông Phan Hà Bình bày tỏ lo lắng.
Anh Phạm Quốc K, sống tại một chung cư ở Khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông cũng không đồng tình với đề xuất trên. Anh bức xúc: "Tôi không đồng ý với đề xuất trong dự thảo, nếu chung cư thời hạn sở hữu dài nhất khoảng 70 năm, thì lúc đó tôi đã về hưu và không biết phải ở đâu. Kể cả nhà nước có hỗ trợ tháo dỡ, thì lúc đó tôi biết tìm đâu vài trăm triệu đến cả tỷ đồng để tính toán đến chỗ ở mới?".
Anh Phạm Quốc K. cảm giác như mình sẽ phải đi thuê nhà 50-70 năm nhưng phải trả tiền một cục.
Nhiều hộ gia đình cũng không biết tương lai tài sản sẽ đi về đâu khi hiện căn chung cư hiện còn chưa được cấp sổ hồng.
Chị Nguyễn Gia L., sống tại Tp.HCM cho biết căn hộ gia đình chị sống hiện còn chưa được cấp sổ hồng. "Do tin tưởng việc khi ký với chủ đầu tư, bên mua căn hộ sẽ được sở hữu lâu dài nên kiên nhẫn chờ đợi, vậy mà hiện tại nghe tin chung cư chỉ có thời hạn tôi càng thêm lo lắng", chị nói. Chị vốn mặc định căn nhà sẽ là tài sản để đời song nếu đề xuất được thông qua, căn hộ chung cư từ vị thế tài sản sẽ trở thành tiêu sản.
Ước mơ sở hữu nhà của người trẻ
Lo ngại lớn nhất của nhiều người là sau khi tích lũy vốn liếng gần như cả đời khi mua được một căn hộ chung cư để ở, với mong muốn có thể để lại chút tài sản cho con cháu, thì với quy định này sẽ khiến ước vọng của họ tan thành mây khói.
Nhiều người cũng cho biết sẽ không mua chung cư nữa nếu đề xuất được thông qua. Anh Nguyễn Văn Bình, sống tại một chung cư ở Hà Nội, nói: "Tôi sẽ tiết kiệm bằng mọi giá để mua nhà mặt đất. Tương lai không ai rõ sẽ ra sao. Ít nhất tôi cũng phải có tài sản để lại cho thế hệ sau chứ không thể chấp nhận mất hết". Anh Bình sẽ cho biết sẽ nghe ngóng thông tin kỹ càng và cố gắng tích lũy, thậm chí vay nợ để mua trả góp trước khi xuất hiện "sốt đất".
Không chỉ riêng anh Bình, vẫn còn nhiều người đã dùng tất cả tiền bạc, thậm chí là tiền được thừa kế, tiết kiệm cả đời để đổ vào chung cư để an cư lạc nghiệp với cam kết của chủ đầu tư về việc sở hữu vĩnh viễn. Họ không đành lòng chấp nhận tài sản "mất trắng" thay vì để lại cho đời sau.
Nhiều người trẻ khác đang có ý định tích góp mua chung cư trước tuổi 30 khi biết đến đề xuất cũng bỗng nhiên lại phải lăn tăn liệu có nên phấn đấu để mua một tài sản và sau thời gian lại mất không.
Nguyễn Cao Hảo Nhi năm nay 24 tuổi, sống ở Bắc Ninh. Nhi đang làm cho công ty về logistic. Như bao người trẻ khác, Nhi cũng có dự định sẽ tiết kiệm tiền, cùng với sự giúp đỡ tài chính từ gia đình để mua một căn hộ trong vài năm tới. Theo Nhi, giá nhà đất tại thành phố lớn như Hà Nội là "quá đắt" nên chỉ có thể chọn chung cư.
"Khi được nghe về đề xuất này, tôi thấy khá ngạc nhiên bởi chưa bao giờ nghĩ đến. Tôi không rõ cụ thể phương án xử lý sẽ ra sao nhưng nếu thực sự thời hạn chỉ có vậy, có thể tôi sẽ suy nghĩ lại", Nhi nói.
Hiện Nhi cùng em gái thuê căn hộ một phòng ngủ, diện tích 40m2 trong chung cư tại đường Lạc Long Quân với giá 10 triệu đồng/tháng. Ngoài em gái đang sống chung, Nhi còn 2 người em khác sau này cũng sẽ từ Bắc Ninh ra Hà Nội học Đại học, nên gia đình vốn muốn chờ cơ hội và xem xét vị trí phù hợp cho cả 4 chị em sau để mua hẳn một căn hộ. Song, trước đề xuất mới này, Nhi cho biết sẽ "chờ xem thế nào và cùng gia đình bàn bạc lại".
Bên cạnh những ý kiến không đồng tình do đề xuất không giải được "bài toán hậu mãi" như tâm lý sở hữu của phần đông người dân Việt Nam, vẫn có nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất.
Anh Nguyễn Văn Thành, cư dân đang thuê một chung cư ở Nguyễn Khánh Toàn, Tp.Hà Nội cho biết khi nghe đến đề xuất này, anh đồng tình bởi điều này đồng nghĩa với việc trong tương lai anh sẽ bớt chật vật mà vẫn có thể sở hữu chung cư.
Xét theo tâm lý của đại đa số người Việt, họ đều mong muốn sở hữu nhà ở lâu dài. Trong khi đó, đề xuất giới hạn thời gian sở hữu chung cư lại "giúp" giá bất động sản chung cư đi xuống. Điều này khiến những người trẻ như anh Thành có khả năng mua được nhà thay vì suy nghĩ có thể mãi mãi không mua được nhà như trước.
Anh Thành từng nhiều ngày phải "điên đầu" để nghĩ đến bài toán cân bằng thu chi, đảm bảo mua được nhà trước 30 tuổi với sự trợ giúp từ gia đình để "an cư lạc nghiệp". Tuy nhiên, giá nhà chỉ ngày một tăng khiến nhiều người trẻ từ tỉnh lẻ lên những thành phố lớn sinh sống vụt mất cơ hội có nhà. "Chẳng nhẽ mình sẽ mãi đi ở thuê?", anh nhiều lần tự vấn.
Anh Thành từng nghĩ, dù có tiết kiệm tiền thì cũng không thể "đuổi" theo giá tăng của nhà, trong khi đó, nếu chỉ trang trải được 30-50% giá nhà thì việc vay ngân hàng rồi hàng tháng phải trả nợ trong thời gian dài sẽ vô cùng chật vật. Ý nghĩ bất động sản chung cư sẽ xuống giá trong tương lai bỗng khiến anh Thành cảm thấy có niềm tin hơn về tương lai. Trước câu hỏi vậy 50 năm sau hết thời hạn thì sao, anh Thành cho rằng khi đã có đề xuất thì cơ quan chức năng sẽ có phương án phù hợp nên trước hết không cần lo lắng quá nhiều.
Anh Thành chỉ là một trong nhiều người trẻ sau khi ra trường có giấc mơ mua nhà trước năm 30 tuổi. Còn với những cư dân đã sở hữu nhà chung cư, trước thông tin về đề xuất, nhiều người không tỏ ra lo lắng.
Tâm lý của người Việt từ trước đến nay vẫn muốn sở hữu đất lâu dài, dù là đất nền hay chung cư. Vì vậy, đề xuất mới của Bộ Xây dựng đang tiếp tục nhận được nhiều ý kiến quan tâm từ người dân và doanh nghiệp. Trong thời gian tới, khi nghiên cứu xây dựng Luật Nhà ở sửa đổi, nội dung này sẽ tiếp tục được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến… trên cơ sở bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các chủ sở hữu nhà chung cư.
Đón đọc bài 2>>> Bài toán hậu mãi chung cư có thời hạn: Giá chung cư sẽ điều chỉnh theo thị trường