Bài toán khó cho ban lãnh đạo mới của NCB

NCB vừa thay Chủ tịch HĐQT và bổ nhiệm một loạt nhân sự cấp cao nhằm tăng nguồn lực cho quá trình tái cơ cấu ngân hàng. Dù vậy với tỷ lệ tài sản không sinh lời cao (khoảng 25%), tình hình tài chính của nhà băng này sẽ là thách thức lớn với ban lãnh đạo mới.

Tuần trước, Ngân hàng Quốc Dân (NCB) đã họp ĐHCĐ bất thường sau đó công bố thay Chủ tịch HĐQT. Theo đó, bà Bùi Thị Thanh Hương được bầu làm chủ tịch HĐQT thay ông Nguyễn Tiến Dũng.

Bà Hương mới được ĐHCĐ bầu vào HĐQT của NCB cùng với bà Trương Lệ Hiền, thay thế cho 2 thành viên cũ từ nhiệm (Bà Trần Hải Anh và ông Vũ Mạnh Tiến). Trước đó, bà Hương là CEO của Tập đoàn Sungroup còn bà Hiền là cựu lãnh đạo của Vietcombank.

Sau khi thay đổi Chủ tịch HĐQT, ngân hàng tiếp tục công bố thay đổi Tổng giám đốc và bổ nhiệm 2 Phó tổng giám đốc mới. Cụ thể, bà Dương Thị Lệ Hà sẽ đảm nhận vị trí quyền Tổng giám đốc, bà Nguyễn Thị Thùy Dương và bà Hoàng Thu Trang được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc.

Việc làm mới ban lãnh đạo ngân hàng diễn ra sau khi xuất hiện các giao dịch khối lượng lớn cổ phiếu NCB trên thị trường chứng khoán. Dù chưa có cổ đông lớn nào được công bố thêm, nhưng chắc chắn một tỷ lệ lớn cổ phần của NCB đã thuộc về những ông chủ mới.

Điều này có nghĩa là các cổ đông cũ của ngân hàng đứng đầu là ông Dũng (Gami Group) đã chấp nhận lùi lại sau nhiều năm nỗ lực vực dậy NCB không thành công, và trao quyền phát triển ngân hàng theo định hướng của các công chủ mới.

Bà Bùi Thị Thanh Hương - Chủ tịch HĐQT mới của NCB

Bà Bùi Thị Thanh Hương - Chủ tịch HĐQT mới của NCB

NCB sau nhiều năm tự tái cơ cấu hiện có tổng tài sản gần 84.000 tỷ đồng, theo báo cáo tài chính quý II mới được công bố. Tài sàn này được hình thành chủ yếu do tiền gửi của khách hàng (chiếm 82%). Số còn lại là cách khoản nợ khác và vốn chủ sở hữu (hơn 4.363 tỷ đồng).

Dù huy động được gần 70.000 tỷ đồng nhưng NCB chỉ cho vay gần 42.000 tỷ đồng. Các tài sản còn lại gồm đầu tư trái phiếu chính phủ (hơn 6.000 tỷ đồng) và tiền gửi liên ngân hàng (gần 10.000 tỷ đồng).

Còn lại, khoảng 25% là tài sản của NCB được ghi nhận là các tài sản không sinh lời hoặc sinh lời rất thấp. Đây là một tỷ lệ rất cao trong ngành khiến hiệu quả sinh lời trên tài sản (ROA) của NCB thấp kỷ lục trong số các ngân hàng thương mại.

Cụ thể, ngân hàng có hơn 19.000 tỷ đồng tài sản có khác bao gồm các khoản phải thu từ bán nợ, lãi và phí phải thu. Năm ngoái ngân hàng đã tăng cường bán nợ cho các công ty xử lý nợ tư nhân với giá trị hơn 13.600 tỷ đồng.

Bên cạnh đó ngân hàng đang bán hơn 5.800 tỷ đồng nợ xấu khác cho VAMC theo hình thức trái phiếu đặc biệt, không có lãi suất. Các trái phiếu này có thời gian đáo hạn kéo dài đến 2026.

Khối tài sản kém hiệu quả này có nguồn gốc từ nhiều năm trước khi NCB còn mang tên Ngân hàng Nam Việt (Navibank). Theo đề án tái cơ cấu, việc xử lý phục thuộc vào kết quả kinh doanh của ngân hàng thông qua việc phân bổ dần từ lợi nhuận tạo ra.

Tuy vậy lợi nhuận mà NCB tạo ra trong suốt 5 năm từ 2016 đến 2020 chỉ chưa đầy 2.000 tỷ đồng, khiến việc xử lý nợ xấu không có nhiều tiến triển. Ước tính NCB mới chỉ dành 1.410 tỷ đồng để xử lý nợ xấu theo đề án tái cấu trúc ngân hàng trong 5 năm qua.

Với tình hình hiện tại của NCB, có thể nói ban lãnh đạo mới đang đứng trước một thử thách lớn. Trong số các giải pháp, việc tăng vốn được nhắc đến đầu tiên nhằm bổ sung nguồn lực cho ngân hàng.

Đây cũng là kế hoạch mà ban lãnh đạo cũ đặt ra trong nhiều năm qua nhưng chỉ thực hiện được một phần (năm 2019 ngân hàng tăng vốn thêm 1.000 tỷ đồng). Đầu năm nay ngân hàng có kế hoạch tăng vốn thêm 1.500 tỷ đồng bằng việc bán cho cổ đông hiện hữu.

Với sự xuất hiện của các cổ đông mới, hoạt động tăng vốn của NCB được kỳ vọng sẽ diễn ra theo kế hoạch, hoàn tất trong năm 2021. Ngoài ra ngân hàng cũng có thể triển khai đợt tăng vốn riêng lẻ nhằm giúp tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư mới. Tuy vậy, cũng cần phải lưu ý rằng, từ nhiều năm nay, cơ quan quản lý luôn yêu cầu những ai tham gia mua cổ phần ngân hàng phải chứng minh có “tiền tươi thóc thật”, không vay vốn dưới bất cứ hình thức nào, kể cả trả chậm.

Trần Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/bai-toan-kho-cho-ban-lanh-dao-moi-cua-ncb-1628227372695.htm