Bài toán khó của thị trường việc làm
Tạo việc làm là một trong những ưu tiên hàng đầu trong nỗ lực phục hồi kinh tế của các quốc gia, trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp ở nhiều nước rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Các gói hỗ trợ việc làm được chính phủ các nước đưa ra với hy vọng như những 'phao cứu sinh' cho người lao động đang lâm vào khủng hoảng. Tuy nhiên, ổn định thị trường việc làm vẫn là 'bài toán nan giải'.
Tạo việc làm là một trong những ưu tiên hàng đầu trong nỗ lực phục hồi kinh tế của các quốc gia, trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp ở nhiều nước rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Các gói hỗ trợ việc làm được chính phủ các nước đưa ra với hy vọng như những "phao cứu sinh" cho người lao động đang lâm vào khủng hoảng. Tuy nhiên, ổn định thị trường việc làm vẫn là "bài toán nan giải".
Tăng trưởng việc làm của Mỹ đã chậm lại trong tháng 8 vừa qua do gói hỗ trợ tài chính của chính phủ hết hạn, đe dọa đà hồi phục của nền kinh tế số một thế giới trong giai đoạn suy thoái do dịch Covid-19. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 8,4%, khả quan hơn so mức 10,2% trong tháng 7, song "xứ cờ hoa" vẫn phải chứng kiến 11,5 triệu việc làm bị mất (tương đương 7,6% lực lượng lao động), so với thời điểm trước khi bùng phát đại dịch. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, đà hồi phục của nền kinh tế Mỹ đang suy giảm nhanh chóng và vẫn còn 50% số việc làm bị mất chưa được khôi phục. Các công ty Mỹ phải cắt giảm hàng chục triệu nhân viên do lệnh phong tỏa khiến nhiều công ty phải tạm thời đóng cửa. Theo Bộ Lao động Mỹ, mặc dù số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã giảm sau khi chạm đỉnh, song trong tháng 8 vừa qua, trung bình mỗi tuần có gần một triệu người nộp đơn. Tạo việc làm là một trong những "điểm nhấn" cam kết tranh cử của Tổng thống Mỹ Ð.Trăm khi ông hứa tạo thêm 10 triệu việc làm trong 10 tháng. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẵn sàng sử dụng hàng loạt công cụ để hỗ trợ nền kinh tế, trong đó có việc thay đổi chính sách nhằm cho phép nền kinh tế tạo ra nhiều việc làm hơn.
Quá trình hồi phục của khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) chững lại trong tháng 8. Theo Cơ quan thống kê INSEE, tỷ lệ thất nghiệp của Pháp trong quý II vừa qua đã giảm xuống mức thấp nhất trong 37 năm. Ưu tiên tái khởi động nền kinh tế và ngăn chặn tình trạng thất nghiệp, Chính phủ Pháp đã công bố gói hỗ trợ trị giá 100 tỷ ơ-rô, với hy vọng giúp tạo ra 160.000 việc làm trong năm 2021. Viện An sinh Xã hội quốc gia I-ta-li-a (INPS) cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2020, I-ta-li-a mất hơn 700.000 việc làm, khi số lao động tuyển dụng mới ở khu vực tư nhân trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 5 giảm 43% so cùng kỳ năm 2019. Tại Anh, hơn một nửa số người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật và giải trí bị mất việc. 23% doanh nghiệp trong lĩnh vực này cảnh báo nguy cơ không có khả năng trả nợ từ mức nghiêm trọng đến trung bình, so với 11% ở tất cả các ngành khác. Bectu, đơn vị đại diện cho người lao động trong lĩnh vực truyền thông và giải trí ở Anh, đã kêu gọi chính phủ mở rộng Cơ chế duy trì việc làm trong thời dịch Covid-19.
Là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 ở khu vực Mỹ la-tinh, nền kinh tế Chi-lê được dự báo sẽ giảm 7,5% trong năm 2020 và bị phủ bóng bởi bức tranh việc làm ảm đạm. Theo Viện Thống kê quốc gia Chi-lê, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên mức 13,1%, mức cao nhất ở Chi-lê kể từ năm 2010, đồng nghĩa hơn một triệu người không có việc làm. Ðó là chưa tính 760.000 người thuộc diện được hưởng sáng kiến mà chính phủ khởi động từ tháng 3 nhằm bảo vệ việc làm bị ảnh hưởng trong thời gian xảy ra dịch Covid-19. Bộ trưởng Tài chính Chi-lê kêu gọi Quốc hội phê chuẩn các đạo luật nhằm tái kích hoạt nền kinh tế bằng cách tạo việc làm.
Các chính phủ khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang nỗ lực tạo việc làm cho thanh niên, nhằm giảm nguy cơ tiêu cực đối với tương lai của hơn 660 triệu thanh niên trong khu vực. Thủ tướng Ô-xtrây-li-a X.Mo-ri-xơn cho biết, trọng tâm chính của chính phủ thời gian tới là tạo việc làm, thậm chí xác định đây là vấn đề kinh tế số một mà Ô-xtrây-li-a đang đối mặt. Tổng thống Xin-ga-po tuyên bố, bảo đảm việc làm sẽ là ưu tiên của nước này trong những năm tới. Khoảng 5,8 tỷ USD sẽ được "bơm" thêm vào thị trường lao động để hỗ trợ các công ty của Xin-ga-po duy trì việc làm, tạo việc làm mới và nắm bắt các cơ hội tăng trưởng của nền kinh tế.
Bức tranh tối màu" của thị trường việc làm phản ánh tình trạng "sức khỏe" nền kinh tế thế giới tiếp tục lao đao bởi đại dịch.