Bài toán mà nền kinh tế Việt Nam đang đối diện là 'vượt qua chính mình'

Ưu tiên xử lý ngay các điểm nghẽn trong thủ tục đầu tư, xây dựng, môi trường, đất đai và cắt giảm điều kiện kinh doanh để thông vốn và tinh thần kinh doanh.

“Khát vọng lớn của đất nước không còn là sự lựa chọn”, PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam xác định ngay tham luận tại Hội thảo Các động lực tăng trưởng cao, bền vững cho kinh tế Việt Nam năm 2025 và giai đoạn 2026-2030 do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng 1/4/2025.

PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Cuộc hội thảo thu hút được rất đông các chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực. Ông Thiên gọi đây là sự hội tụ đầy hứng khởi.

Khát vọng lớn ở đây được xác định rõ là thoát bấy thu nhập trung bình, thoát nguy cơ tụt hậu phát triển, gia nhập nhóm nước thu nhập trung bình vào năm 2030, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

“Ở đây, khát vọng chính là tiến kịp, tiến cùng, nhưng cũng không thể chọn có làm hay không, mà là việc buộc phải làm và chỉ có 1 cách là phải làm”, TS. Trần Đình Thiên làm rõ.

Nếu chúng ta không tiến cùng, tiến kịp thì là bị loại bỏ, nếu không đủ năng lực cạnh tranh thì bị loại bỏ. Thời đại bây giờ không phải gia công lắp rắp. Phải nhấn mạnh thời đại và thế giới trong cuộc đua tranh. Lúc này hết thời gian tự ta so với ta.

Hiện tại, mục tiêu đưa ra theo hướng cam kết rất cao, nhiệm vụ được đặt ra khá rõ ràng. Đó là tăng trưởng GDP 2 con số bền vững, nghĩa là phải kéo dài ít nhất 10, thậm chí là 20 năm.

Đặc biệt, đã xác định lực lượng kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất. 40 năm qua đã xác định được.

Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại của nền kinh tế Việt Nam không phải toàn thuận lợi để thực hiện khát vọng.

Thậm chí, ông Thiên có nói đến tính bất khả thi. Vì để tăng trưởng liên tục 2 chữ số trong 10-20 năm là vô cũng thách thức. 40 năm qua, Việt Nam chưa bao giờ tăng trưởng 2 con số. Hơn thế, thế giới cũng chưa có nền kinh tế duy trì mức tăng trưởng 2 con số trong 20 năm.

“Các nền kinh tế phát triển cao và dài hạn nhất cũng chỉ kéo dài khoảng 13-15 năm. Nghĩa là, mục tiêu của chúng ta rất cao, rất thách thức, thậm chí khó khả thi khi nhìn vào xuất phát điểm thấp, vị thế là nền kinh tế thu nhập trung bình thấp, nền tảng cơ cấu vẫn là công nghiệp cổ điển, lực lượng kinh tế tư nhân vẫn nhỏ yếu, cơ chế còn nặng xin- cho, cạnh tranh còn yếu…”, TS. Thiên thẳng thắn.

Hội thảo Các động lực tăng trưởng cao, bền vững cho kinh tế Việt Nam năm 2025 và giai đoạn 2026-2030 do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng 1/4/2025.

Hội thảo Các động lực tăng trưởng cao, bền vững cho kinh tế Việt Nam năm 2025 và giai đoạn 2026-2030 do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng 1/4/2025.

Chưa kể, các chuyên gia kinh tế đã phân tích, động lực tăng trưởng truyền thống đã không còn đủ sức kéo nền kinh tế bứt phá. Vấn đề cần đặt ra lúc này là làm gì để đảo ngược tình thế.

“Liệu chúng ta có thể tạo ra sự thần kỳ tiếp theo không?”, TS. Thiên đặt vấn đề, với nhiều hàm ý khi cho rằng, Việt Nam không thể tăng trưởng và phát triển theo cách cũ, phải thay đổi cách tiếp cận, tầm nhìn và không thể cơi nới cơ chế, chính sách để có động lực tăng trưởng mới.

Về vấn đề này, GS.TS Trần Thọ Đạt, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, cỗ máy kinh tế Việt Nam thiết kế cho đến nay khó đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% chứ chưa nói là 2 con số và dài hạn. Cụ thể, TS. Đặng Xuân Thanh, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học – Xã hội Việt Nam khẳng định, để thực hiện khát vọng lớn, Việt Nam không thể chỉ dựa vào các động lực tăng trưởng truyền thống, như đầu tư khai thác tài nguyên lao động giá rẻ, đất đai…

“Tăng trưởng nhanh sẽ phải đi liền với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, tăng trưởng bao trùm, khả năng chống chịu các rủi ro biến động toàn cầu”, TS. Thanh nói.

Như vậy, xác định và phát triển các động lực tăng trưởng mới vừa có tính nền tảng, vừa là khâu đột phá. TS. Thanh đặt vấn đề, động lực đó có thể đến từ thể chế vượt trội, từ tháo gỡ rào cản, khơi thông nguồn lực; đến từ khu vực kinh tế tư nhân năng động đổi mới sáng tạo và hội nhập ngày càng sâu rộng; đến từ khoa học công nghệ, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo -những trụ cột để tạo năng suất cao. Ông cũng nhắc đến động lực từ việc phát triển trung tâm thương mại tự do, cảng biển, trung tâm tài chính khu vực và quốc tế cũng như phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững và bao trùm…

Tuy nhiên, bài toán mà nền kinh tế Việt Nam đang đối diện là "vượt qua chính mình", vượt qua những tồn tại trong nhận thức về kinh tế thị trường, trong chiến lược phát triển công nghiệp và cả những trói buộc về thể chế.

Thậm chí, TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Nay là Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược, thuộc Ban Chính sách, chiến lược Trung ương) phải thay đổi, tháo bỏ chứ không phải cải thiện cơ chế, chính sách đang được xác định là điểm nghẽn phát triển.

"Khi đã xác định thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn, mà vẫn làm theo tư duy hoàn thiện thể chế, thì không thể tháo gỡ điểm nghẽn được, thậm chí sẽ tạo nên điểm nghẽn mới", TS. Cung bày tỏ quan điểm.

Ông đề xuất ưu tiên xử lý ngay các điểm nghẽn trong thủ tục đầu tư - xây dựng - môi trường - đất đai và cắt giảm điều kiện kinh doanh theo tư duy đột phá này. "Đây là điểm nghẽn hạn chế vốn và tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp", ông giải thích.

Phân tích kinh nghiệm phát triển, các chuyên gia đang nhắc đến các nền kinh tế phát triển thần kỳ ở Đông Á, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều cho thấy, các bước phát triển đột phá đều gắn với cú vượt trần về công nghệ.

Nhật Bản chuyển từ cơ khí sang bán dẫn thế hệ đầu tiên, gắn với công nghệ thông tin. Hàn Quốc và bây giờ là Trung Quốc bứt phá khi dịch chuyển từ bán dẫn thế hệ 1 lên bán dẫn thế hệ 2, đó là AI, số hóa…

"Có 1 điểm chung nữa là trong giai đoạn này, vai trò Nhà nước định hướng, dẫn dắt tiến vượt, kiến tạo và hỗ trợ rất rõ nét", TS. Trần Đình Thiên phân tích.

Khánh Linh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/bai-toan-ma-nen-kinh-te-viet-nam-dang-doi-dien-la-vuot-qua-chinh-minh-d261211.html