Bài toán nào cho bảo tồn văn hóa phi vật thể?
Việt Nam là một quốc gia có truyền thống văn hóa lâu đời, một quốc gia đa dân tộc, chính vì thế, đất nước chúng ta có những loại hình văn hóa, nghệ thuật vô cùng độc đáo và đa dạng trải dài khắp các vùng miền. Chính vì thế, muốn bảo tồn bền vững được những di sản văn hóa, nghệ thuật vô giá mà cha ông để lại, không còn cách nào khác, những người làm công tác văn hóa phải có cách tiếp cận từ các tộc người, cộng đồng người trong xã hội.
Cần có cách tiếp cận đúng
Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO công nhận, có những loại hình văn hóa nghệ thuật thiên về phục vụ đời sống tinh thần như: Ca trù; Hát xoan; Hát Quan họ; Đờn ca tài tử Nam Bộ; Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh; Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; Nhã nhạc cung đình Huế... Có những loại hình văn hóa phi vật thể thì phục vụ đời sống tâm linh như Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam tứ phủ của người Việt. Hay có những loại hình văn hóa phi vật thể phục vụ cho nghi lễ lao động sản xuất như Hội Gióng tại đền Phù Đổng và đền Sóc Hà Nội... Và mỗi một loại hình văn hóa phi vật thể này sẽ đặc trưng cho văn hóa bản địa ở vùng đó.
Trong thời đại mới, cơ chế hội nhập, người ta thường hay có xu hướng: “Có mới nới cũ”, hay “sính ngoại”. Bài toán đặt ra, chúng ta sẽ phải bảo tồn và phát huy loại hình văn hóa độc đáo này như thế nào để chúng không mất đi trong đời sống văn hóa đương đại?
Về miền Tây nghe đờn ca tài tử.
Việt Nam là một quốc gia có truyền thống văn hóa lâu đời, một quốc gia đa dân tộc, chính vì thế, đất nước chúng ta có những loại hình văn hóa, nghệ thuật vô cùng độc đáo và đa dạng trải dài khắp các vùng miền. Chính vì thế, muốn bảo tồn bền vững được những di sản văn hóa, nghệ thuật vô giá mà cha ông để lại, không còn cách nào khác, những người làm công tác văn hóa phải có cách tiếp cận từ các tộc người, cộng đồng người trong xã hội.
Và dù muốn hay không, đây là một chiến lược lâu dài, phải có tầm nhìn xa trông rộng từ những người đứng đầu ngành Văn hóa, những người làm công tác quản lý nhà nước về văn hóa, tiếp đến là từ các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, có thể gọi họ là những “người bắc cầu sang sông”- những con người yêu đến say mê các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống đã là mạch nguồn chảy suốt qua bao thế hệ người Việt.
Kết hợp hai nền văn hóa Đông - Tây - Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Phước Thuận (Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bạc Liêu, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam)
+ Nói đến loại hình văn hóa phi vật thể thì môn nghệ thuật ở bất kì thể loại nào cũng đều có những bước thăng trầm, đờn ca tài tử cũng không nằm ngoài quy luật đó. Ngay từ lúc đầu không gọi là đờn ca tài tử mà thuần túy chỉ gọi là nhạc lễ. Nhạc này có từ thời xa xưa, không có ca (lời) mà chỉ dùng đờn (đàn) để áp dụng vào các buổi lễ trong dân gian. Cùng với thời gian, người ta thấy những bản nhạc mà chỉ có đờn không có lời thì chưa đáp ứng được nhu cầu của người nghe cho nên có một số người đã đặt lời. Từ đó mới phát sinh ra một loại hình mới không phải chỉ là nhạc lễ nữa, mà loại hình mới này có đờn có ca.
Âm nhạc này ban đầu xuất hiện chỉ phục vụ cho tầng lớp những người giàu có, được gọi là tầng lớp quý tộc, xuất thân trong giới quan quyền, có tiền có bạc, họ được gắn cho một cái tên rất hay là “Tài tử”. “Tài” ở đây có nghĩa là của cải, tiền bạc, còn chữ “Tử” có nghĩa là người. Người sử dụng có đàn và có ca thì được gọi là tài tử. Từ đó về sau âm nhạc này xuất hiện ngày một nhiều hơn, truyền bá sâu rộng ra ngoài xã hội, đi vào đời sống của người dân một cách tự nhiên. Loại hình âm nhạc này rất đơn giản, nên người bình dân vẫn có thể sử dụng được. Người ta có thể tổ chức một buổi đờn ca ở trên một cái sân, hay một góc vườn nào đó… nói chung đờn ca tài tử hoàn toàn không kén chọn không gian diễn xướng.
Ngày hôm nay cả xã hội, người ở tầng lớp nào cũng có thể thưởng thức, thích ứng với loại hình nghệ thuật này. Do loại hình âm nhạc này không gò bó mà rất phóng khoáng. Từ 1 cây đờn, có 2 đến 3 người ca cũng được, hay 5 đến 7 cây đờn có 5 đến 7 người ca cũng được. Thậm chí 1 người đờn, 1 người ca cũng xong. Hoặc không có cây đờn nào, người ta cũng hát nghêu ngao, hát vo cũng không sao. Đờn ca tài tử chính là tiền thân của cải lương sau này. Từ năm 1928 thì gọi chung là cải lương. Đoàn cải lương đầu tiên xuất hiện tại Sa đéc, còn những tổ chức tiền thân ngày xưa người ta gọi là ban (Đoàn hát).
- Vâng, bắt đầu từ khi nào mà người ta đặt lời cho âm nhạc. Ý tôi muốn hỏi là từ khi nào loại nhạc lễ này có lời và bắt đầu được gọi là: “Đờn ca tài tử”?
+ Thật ra thì chưa có một tài liệu nào ghi chép cụ thể về vấn đề này nhưng qua sự khảo cứu, tìm hiểu của tôi thì từ cuối thế kỉ XIX, loại nhạc này đã xuất hiện trong văn hóa dân gian.
- Ngày nay, loại hình văn hóa phi vật thể mang đậm văn hóa bản sắc của đồng bằng sông Cửu Long và miền Tây Nam Bộ, là nhà nghiên cứu, ông thấy có vướng mắc gì trong hình thức bảo tồn và phát huy không, thưa ông?
+ So với các loại hình biểu diễn văn hóa phi vật thể khác thì đờn ca tài tử mang tính phổ thông hơn, loại hình này giờ đây không chỉ có ở miền Tây Nam Bộ mà lan ra cả nước. Không chỉ xuất hiện ở Việt Nam mà ngày nay còn lan rộng ra ở một số quốc gia trên thế giới, cho nên tôi thấy nó có nhiều ưu điểm về việc truyền bá.
Người gìn giữ bảo tồn văn hóa dân gian ở Nam Bộ nhiều lắm, tỉnh nào cũng có những bậc thầy. Còn về truyền thụ thì ở Nam Bộ có một cách rất độc đáo tức là tay truyền tay, ngón truyền ngón. Ông thầy cầm ngón tay của học trò chỉ biểu trực tiếp, truyền thụ kiến thức của người trước cho người sau.
Đây vừa là thế mạnh mà cũng chính là điểm hạn chế của đờn ca tài tử Nam Bộ, vì học như vậy thì kỹ, chắc nhưng số người được truyền thụ sẽ hạn chế về số lượng người học. Nếu như Nhà nước chúng ta có một cách thức nào đó mới hơn, sáng tạo hơn để đưa loại hình âm nhạc này vào trong các trường học, lớp học, có tính tập thể sẽ có tính quy mô hơn thì loại hình âm nhạc này mới được nhân rộng và phát triển một cách mạnh mẽ.
Điều thứ hai là về truyền thụ cũng gặp không ít trở ngại vì giới trẻ bây giờ nghiêng về văn hóa phương Tây nhiều hơn, cho nên các loại hình văn nghệ cổ đa số chùn bước đối với giới trẻ. Để bắt kịp nhu cầu của thời đại mới, đờn ca tài tử cũng phải có sự chuyển hướng. Người nhạc sĩ ở phương Nam đã dùng cách kí âm theo tân nhạc để giới trẻ dễ dàng sử dụng, sự kết hợp này rất hài hòa. Việc làm này tôi rất hoan nghênh. Mình cần phải có cách gì đó để cho sự kết hợp này hoàn mỹ hơn nữa. Và hai nền âm nhạc Đông - Tây gần gũi với nhau thì mới phát triển được. Vì một số người cứ nghĩ cổ nhạc của mình cơ bản là trên ngũ âm, còn âm nhạc hiện đại thì bẩy âm. Vậy một bên thì 5 âm, một bên thì 7 âm làm sao kết hợp nhưng trên thực tế người ta vẫn kết hợp được. Cái khó thì cũng chưa chắc là khó lắm đâu.
Âm nhạc luôn song hành và bắt nhịp với đời sống xã hội - PGS - TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm (Phó Giám đốc Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh)
+ Âm nhạc cổ truyền có sự tự sinh khác nhau với những loại hình văn hóa nghệ thuật rất đa dạng, trên mỗi vùng miền. Trong thời đại mới, kỹ thuật hiện đại và văn hóa hội nhập, các loại hình văn hóa phi vật thể không chỉ xuất hiện tại một vùng miền như ban đầu mà lan rộng ra nhiều địa phương. Như ở miền Nam có nhiều CLB hát Xoan, Đàn tính, Đàn then, hát Quan họ (gốc Bắc) đây là do những người miền Bắc di cư vào, mang theo văn hóa vùng miền vào để hội nhập. Hay đờn ca tài tử trước đây chỉ có ở miền Tây Nam Bộ thì nay đã xuất hiện cả ở miền Trung, miền Bắc.
Bảo tồn văn hóa phi vật thể là câu chuyện muôn thuở, muôn đời và ngày nay để phát triển và nhân rộng ra cộng đồng xã hội qua con đường sinh hoạt từ các câu lạc bộ. Các tỉnh miền Tây, tỉnh nào cũng có nhiều CLB đờn ca tài tử. Nhưng không phải loại hình văn hóa phi vật thể nào cũng có hình thức dễ bảo tồn mà có những loại hình văn hóa phi vật thể gặp điều kiện khó khăn khi tiếp cận hay lan rộng đến với công chúng. Như loại hình văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận là Cồng chiêng Tây Nguyên thì nay đang đứng trước nguy cơ biến mất, vì thời đại thay đổi, môi trường thay đổi, tộc người sinh sống ở Tây Nguyên liệu họ còn giữ văn hóa từ xa xưa hay không là vấn đề cần tìm con đường và phương pháp phù hợp với việc bảo tồn để đến với tộc người thiểu số...
Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh, dù trong thời chiến hay thời bình, âm nhạc luôn song hành và bắt nhịp với đời sống xã hội và món ăn tinh thần trong nhân dân. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi dịch Covid đang hoành hành khắp nơi, người dân Việt Nam đang phải gồng mình gánh chịu vì dịch bệnh thì một lần nữa âm nhạc cổ truyền lại cất lên. Đó là những bài ca đặt lời mới cho đờn ca tài tử Nam Bộ xốc lên tinh thần tương thân, tương ái đang đâu đó phổ biến rộng rãi trong clip trên cộng đồng mạng, hay lời ca, tiếng hát tiếng đàn cất lên từ nơi tâm dịch vào những ngày đầy nóng rẫy.
Văn hóa truyền thống luôn nằm trong tiềm thức - Nhà nghiên cứu lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Âm nhạc dân tộc)
+ Ở mỗi một loại hình văn hóa phi vật thể sẽ có những phương thức bảo tồn khác nhau, tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, các giá trị văn hóa truyền thống đang bị các giá trị văn hóa hiện đại o ép, chiếm lĩnh. Và đặc biệt trong giai đoạn của thế kỉ XXI là thế giới hội nhập, chúng ta đang trong kỉ nguyên của 4.0, là thế giới phẳng, ranh giới về văn hóa đã có lúc như không còn nữa. Điều đó luôn luôn đe dọa, xóa nhòa ranh giới về văn hóa, điều này xảy ra với nhiều quốc gia chứ không riêng bất kì một quốc gia mạnh hay yếu. “Văn hóa dân tộc là căn cước của mỗi quốc gia”, chính vì thế luôn phải giữ gìn và bảo tồn.
Trong giai đoạn hiện nay, mỗi một quốc gia thì việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống luôn luôn là vấn đề nan giải và phải ưu tiên đặt lên hàng đầu. Bởi vì nếu chúng ta không kịp làm thì chúng ta sẽ mất đi, mai một đi những giá trị trong tương lai gần chứ không phải là tương lai xa.
- Anh là người kết nối âm nhạc truyền thống tới đông đảo công chúng trong xã hội hiện đại. Từng đã làm rất nhiều đề án để bảo tồn và phát triển âm nhạc dân tộc, anh thấy người trẻ có tâm thế tiếp cận với các loại hình văn hóa mang tính cổ truyền này ra sao?
+ Các hoạt động trong việc đi sưu tầm và bảo tồn, tôi thấy ở nhiều dự án âm nhạc tôi nghiên cứu thì nhiều khi người trẻ bao giờ cũng chiếm số lượng rất là đông, thậm chí còn đông hơn cả những người già. Ví dụ như khi tôi làm về hát Xoan, dự án gần nhất là đầu năm 2020 với 3 chương trình, mình ưu tiên từ trung tuổi đến cao niên ở hai phường Xoan gốc ở Phú Thọ, đó là phường Thép và phường An Thái. Đấy là mình ưu tiên như vậy nhưng phải đến 20% người tham gia là thanh niên. Và trước đó có hai lần tôi làm cả 4 phường Xoan gốc là An Thái, Thép, Kim Đái (Kim Đới), Phù Ninh, nhưng ở đây cũng lại là những người trẻ tham gia là chủ yếu. Giai đoạn ấy chỉ có một cô trên 60 tuổi, còn lại toàn mười mấy tuổi thôi. Người trẻ vẫn có tình cảm với các giá trị truyền thống.
Tuy vậy, văn hóa nghệ thuật âm nhạc truyền thống vẫn chiếm tỷ lệ rất là khiêm tốn, chỉ là 1-2 % so với dòng nhạc trẻ. Như chúng ta thấy, hiện nay nhạc trẻ chiếm lĩnh toàn bộ đời sống âm nhạc của giới trẻ. Ngay kể cả ca khúc cách mạng, ca khúc trữ tình, dòng nhạc giao hưởng thính phòng... cũng đều bị lép vế rất là nhiều so với nhạc trẻ.
- Trong cuộc chạy ma ra tông đường dài với âm nhạc truyền thống, anh thấy khó khăn gì trong việc tiếp cận với nguồn tư liệu cổ và làm thế nào để kích ứng và phát huy nó một cách mạnh mẽ để đến với công chúng yêu nhạc cổ truyền?
+ Điều khó khăn nhất chính là tất cả bộ môn nghệ thuật của mình đều rất khó khăn về tư liệu. Tại sao lại như vậy?! Qua các cuộc chiến tranh, nhằm đồng hóa dân tộc ta, kẻ thù đã không ít lần tàn phá cho bằng hết các di tích lịch sử văn hóa vật thể và cả phi vật thể. Chính vì điều đó mà trong chính sử của chúng ta, văn hóa nghệ thuật ít được nhắc đến. Đa phần các nghệ thuật văn hóa phi vật thể còn được đến ngày nay là do truyền khẩu, do các nghệ nhân dân gian truyền thụ. Đời cụ truyền cho đời ông bà, ông bà truyền cho bố mẹ, bố mẹ truyền cho con cháu, thời gian cũng làm mai một, đôi lúc bị đứt gãy. Tuy nhiên những loại hình văn hóa có trong dân gian tồn tại được có nghĩa là nó đáp ứng được đời sống văn hóa tinh thần của người dân nên có cái lý để tồn tại. Văn hóa truyền thống chảy rất bền bỉ, âm ỉ không bao giờ tắt trong tâm thức của người Việt.
Vậy thì mình phải đi tìm đúng địa chỉ của những người am hiểu về lĩnh vực đó, nếu mình tìm sai mình sẽ có cái nhìn không chuẩn xác và làm méo mó đi. Dự án của mình sẽ không còn những giá trị. Ví dụ như trong nghệ thuật hát Xẩm, khi đoàn chúng tôi đi tìm hiểu thì lúc đấy chỉ còn duy nhất một nghệ nhân là bà Hà Thị Cầu. Vậy thì mình phải có phương pháp nghiên cứu theo kiểu tập trung vào một nghệ nhân. Rồi chúng tôi tìm trong các kho tư liệu, từ ghi chép tay của các nhà nghiên cứu như cố Nhà giáo Nhân dân Hoàng Kiều, tiếp tục liên hệ đến nhiều nơi, tìm ở nhiều nguồn như kho tư liệu của đài truyền hình...
Hay khó khăn đối với Nhã nhạc cung đình Huế, đó là những lòng bản (bản nhạc chơi trong cung đình Huế), khi chúng ta phục hồi lại thì không còn nhiều, đã bị mai một đi trong dân gian. Hiện nay chỉ có trong trí nhớ của một vài nghệ nhân khi xưa sinh hoạt ở trong cung đình Huế hoặc là đã từng ở trong dòng lễ nhạc trong dân gian ở các làng xã. Qua thời gian các nghệ nhân dần mất đi, có những nghệ nhân mất đi khi chúng ta chưa kịp tiếp cận và tìm hiểu, nên những tinh hoa đó cũng theo các nghệ nhân xuống mồ.
Hay bảo tồn văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên lại là một câu chuyện khác, cứ nhắc đến Tây Nguyên là cồng chiêng, tộc người nào phải ra tộc người đó, thậm chí là đóng khố, áo thổ cẩm. Nhưng ngày nay, đời sống hiện đại đang xâm nhập rất sâu, ở Gia Lai, Đắk Lắk thanh niên họ không còn thích đóng khố khua chiêng nữa. Thanh niên làng giờ rất là ăn chơi, phóng xe máy vèo vèo, đầu nhuộm tóc xanh tóc đỏ, tai cắm Iphone, mắt nhìn laptop, lướt facebook, vậy thì phải bảo tồn ra làm sao?!
Nhưng với Đờn ca tài tử và hát Quan họ được bảo tồn tương đối mạnh. Mạnh là bởi vì loại hình âm nhạc đó vẫn luôn luôn ở trong đời sống tinh thần của người dân ở khu vực đó. Ví dụ năm 2010, tôi đi một chuyến công tác vào Kiên Giang, và các tỉnh Nam Trung Bộ, thì thấy những anh chị bán hàng quán, họ vừa bán vừa hát những bài ca “dạ cổ hoài lang”, hay nhạc mới cho đờn ca tài tử. Có nghĩa là loại âm nhạc này đã tồn tại vào nhịp đập trái tim, đời sống tinh thần của người dân miền Tây Nam Bộ.
Còn với hát Quan họ thì ngay sau khi thống nhất đất nước, trong khi cả nước tập trung vào những việc khác như xây dựng kinh tế sau chiến tranh. Và âm nhạc trong giai đoạn đấy, chúng ta rất ưu tiên những bài hát mới nói về phong trào xây dựng đời sống mới, Nhà nước xã hội chủ nghĩa, bài ca xây dựng mang tinh thần phơi phới miền Bắc và cả nước xây dựng CNXH, thì vào những năm cuối của thập niên 70 có người Trưởng ty Văn hóa Hà Bắc (Bắc Ninh & Bắc Giang - bây giờ gọi là Giám đốc Sở) đã có tầm nhìn rất là xa trong việc bảo tồn các giá trị cổ truyền. Ngay trong giai đoạn đó, Đoàn dân ca quan họ Hà Bắc đã bảo tồn các giá trị văn hóa cổ bằng cách học từ các nghệ nhân ở trong làng. Khi đấy ta đã thấy những liền anh, liền chị xuất hiện trên Đài Tiếng nói Việt Nam như: Thúy Cải, Xuân Trường, Thanh Hiếu... rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi xuất hiện trong giai đoạn ấy. Đầu những năm 1980, những bài hát quan họ với lời mới thấm đẫm tình quê, tình người đi vào đời sống tinh thần của người dân quê và lan tỏa sang các vùng miền khác.
Văn hóa truyền thống luôn luôn nằm trong tiềm thức của mỗi chúng ta, không bao giờ tắt mà sẽ bùng lên ở bất kì giai đoạn nào trong mỗi người. Nếu như trong thời điểm nhiều người bùng lên, mà sự bùng lên ấy lại hợp với sự quyết tâm của ngành Văn hóa, của cơ quan quản lý thì sẽ tạo thành làn sóng. Đặc biệt trong khoảng 2 thập niên trở lại đây, loại hình văn hóa truyền thống đang được Nhà nước quan tâm và các nhà nghiên cứu văn hóa trăn trở tìm phương cách bảo tồn.