Bài toán tài chính cho người ít tiền muốn mua nhà tại đô thị lớn
Xác định phân khúc sở hữu nhà ở và bài toán cân đối dòng tiền là chiến lược quan trọng, nhằm tối ưu khả năng kiểm soát chi tiêu. Bên cạnh đó, cần tìm hiểu kỹ pháp lý, vị trí, chính sách tín dụng và các ưu đãi của chủ đầu tư trước khi mua nhà.
Không nên mua khi vượt quá khả năng chi trả
Ông Ngô Thế Vinh, Chủ tịch HĐQT công ty BĐS Vinh Gia chia sẻ kinh nghiệm mua nhà: "Không phải cứ thu nhập 40 - 50 triệu đồng là có thể mua được nhà, cá nhân tôi cho rằng, đầu tiên cần phải có phương án huy động tài chính. Ví dụ như trong công ty chúng tôi có cán bộ nào muốn mua nhà, thì chúng tôi sẽ huy động tất cả các thành viên từ lãnh đạo đến nhân viên hỗ trợ, hoặc có thể huy động từ gia đình, bạn bè".

Các tuyến đường đại lộ được kết nối đồng bộ và xuyên suốt trong và ngoài khu vực vùng ven Hà Nội và theo đó là các đô thị mọc lên.
Cùng với đó, xác định vị trí mua nhà cũng là yếu tố quan trọng, bởi hiện nay giá nhà trong trung tâm là rất cao, người mua nhà nên mua những khu vực vùng ven khi hạ tầng giao thông đã được xây dựng đồng bộ.
Ông Ngô Thế Vinh cho rằng, cần phải lựa chọn, tính toán tài sản phù hợp với khả năng chi trả, không nên vượt quá tầm kiểm soát và khả năng tài chính để có một ngôi nhà như ý, bởi như vậy vô hình trung chúng ta sẽ tự tạo ra áp lực tài chính rất nặng nề, khiến cuộc sống càng thêm khó khăn, mệt mỏi.
Ông ví dụ "mua một căn nhà 3 tỷ, tài chính sẵn có 1,5 tỷ và vay ngân hàng 50% và hàng tháng sẽ trả lãi và gốc là trên dưới 35 triệu đồng/tháng, như vậy những gia đình có thu nhập 40 triệu đồng/tháng sẽ rất khó khăn".
Nhưng ông lại có cách giải khác: "Với cá nhân tôi, sẽ vay ngân hàng 2 tỷ và 500 triệu đồng sẽ để trong ngân hàng, hàng tháng tự động trả gốc và lãi. Điều đó sẽ giúp tôi không bị áp lực và điều quan trọng là được giải phóng tư duy, đầu óc thảnh thơi sẽ đem lại hiệu quả cho công việc, tăng thêm thu nhập".
Ngoài ra, ông Vinh chia sẻ thêm kinh nghiệm đầu tư trước khi mua nhà, sẽ không dành số tiền tự có để mua nhà, mà đầu tư ở những khu vực có quy hoạch về hạ tầng, những nơi có tiềm năng phát triển kinh tế và vẫn có dư địa về vùng trũng giá, sau khoảng 4 - 5 năm giá trị mảnh đất những khu vực đó sẽ thay đổi. Khi đó sẽ có cơ hội để sở hữu những căn nhà mà không bị quá áp lực về tài chính.
Mục tiêu từ những căn nhà diện tích nhỏ
Ở một góc nhìn khác, bà Phạm Thị Miền, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam đưa ra bài toán, nếu sở hữu căn hộ 70m2 với giá trung bình 70 triệu đồng/m2, dự kiến có sự hỗ trợ từ ngân hàng cho vay tối đa 70% với lãi suất 8% thì người mua nhà phải có thu nhập ít nhất 60 triệu đồng/tháng mới đủ khả năng chi trả.
Ở góc độ nghiên cứu, bà Phạm Thị Miền cho rằng, "chúng tôi luôn tính toán những tình huống an toàn, bởi không phải ai cũng có sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… và chúng tôi khuyến cáo không nên để khoản chi cho vấn đề nhà ở thành gánh nặng, áp lực".
Theo bà, để mua nhà cần có kế hoạch tài chính rõ ràng, cần có sự chuẩn bị trong việc dùng đòn bẩy ngân hàng và dự trữ vốn đối ứng thì vấn đề thu xếp tài chính sẽ không bị dồn lại và không quá bị áp lực. Đồng thời, cần xác định mục tiêu và lộ trình, cần phải có mốc thời gian.
Bà cho rằng, thay vì mua một căn hộ với diện tích 100m2 thì có thể mua căn hộ 60m2, rồi sau thời gian ổn định có thể chuyển sang những căn có diện tích để phù hợp với nhu cầu ở.
Ông Nguyễn Quang Huy, CEO khoa Tài chính - Ngân hàng (trường Đại học Nguyễn Trãi) cho rằng, tài chính của người mua phải đạt mức tối thiểu trung bình 30% giá trị căn nhà. Thêm nguồn thu nhập ổn định hãy tính chuyện đi vay và huy động.
Và mua nhà là một quá trình tìm hiểu, so sánh, nắm bắt cơ hội, đặt mục tiêu chỗ ở an cư lên trên tiện ích và vị trí, hạ tầng. Ví dụ người trẻ, thu nhập không cao thì nên bắt đầu với những căn nhà diện tích nhỏ, thậm chí 25 - 30m2 trong ngõ ngách nhỏ, hoặc chấp nhận ở vị trí xa trung tâm một chút, hoặc theo đuổi cơ hội với hồ sơ mua nhà ở xã hội căn diện tích bé...