Phân quyền, phân cấp ở các lĩnh vực tư pháp: Tạo thuận lợi cao nhất cho người dân, doanh nghiệp - Bài 2
Xuất phát từ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn, Bộ Tư pháp đề xuất đẩy mạnh phân quyền, phân cấp trong các lĩnh vực quản lý của Bộ và qua tham mưu của Bộ, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định về phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp. Các Nghị định này tập trung vào 2 nhóm nội dung: nhóm nội dung về phân quyền, phân cấp; và nhóm nội dung về trình tự, thủ tục và hồ sơ thực hiện các nội dung được phân quyền, phân cấp.

Hội nghị công bố 28 Nghị định về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. (Ảnh VGP)
Bài 2: Đẩy mạnh phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp
Ccơ sở chính trị, pháp lý vững chắc cùng đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn
Về cơ sở chính trị, Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Ban Chấp hành Trung ương đã giao Bộ Chính trị chỉ đạo Đảng ủy Chính phủ “…khẩn trương lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng ở Trung ương phối hợp chặt chẽ với các địa phương tham mưu hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) để kịp thời tổ chức thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và tổ chức hoạt động chính quyền địa phương (CQĐP) 02 cấp gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương…”… Cùng với đó là Kết luận 155-KL/TW ngày 17/5/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Kết luận số 21/KL/TW ngày 24/01/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW; Công văn số 03/CV-BCĐ ngày 15/4/2025, Kế hoạch số 40/KH-BCĐ ngày 19/4/2025 của Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức CQĐP 02 cấp… đều yêu cầu đẩy mạnh chủ trương thực hiện phân quyền, phân cấp (PQPC) tối đa từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ cho chính quyền cấp tỉnh…
Về căn cứ pháp lý, việc PQPC được quy định rõ tại khoản 2 Điều 32 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2025, khoản 1 Điều 50 Luật Tổ chức CQĐP năm 2025, khoản 2 Điều 13 Nghị quyết số 190/2025/QH15 của Quốc hội (QH). Theo đó, khoản 2 Điều 32 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2025 quy định “Trong thời gian luật, nghị quyết của QH, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH chưa được sửa đổi, bổ sung theo thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này, để bảo đảm giải quyết việc PQPC đối với một số lĩnh vực ưu tiên, cấp bách, giao Chính phủ ban hành VBQPPL điều chỉnh một số nhiệm vụ, quyền hạn và quy định khác có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đang được quy định trong các điều, khoản, điểm có liên quan tại luật, nghị quyết của QH, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH để thống nhất áp dụng, định kỳ báo cáo UBTVQH; trường hợp liên quan đến luật, nghị quyết của QH thì báo cáo QH tại kỳ họp gần nhất”.
Khoản 1 Điều 50 Luật Tổ chức CQĐP năm 2025 cũng nói rõ: “Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, để kịp thời đẩy mạnh PQPC cho CQĐP trong một số lĩnh vực ưu tiên, cấp bách, giao Chính phủ ban hành VBQPPL thuộc thẩm quyền phân định lại nhiệm vụ, quyền hạn của CQĐP và điều chỉnh các quy định khác có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của CQĐP để thống nhất áp dụng trong thời gian chưa sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh, nghị quyết của QH, UBTVQH và định kỳ báo cáo UBTVQH; trường hợp liên quan đến luật, nghị quyết của QH thì báo cáo QH tại kỳ họp gần nhất”.
Còn khoản 2 Điều 13 Nghị quyết số 190/2025/QH15 của QH quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước quy định: “Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC xem xét, ban hành văn bản giải quyết hoặc ủy quyền ban hành văn bản giải quyết các vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền của QH khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, định kỳ hằng quý báo cáo UBTVQH và báo cáo QH tại kỳ họp gần nhất.”; “UBTVQH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Tổng Kiểm toán nhà nước, HĐND, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, ban hành văn bản hoặc ủy quyền ban hành văn bản để giải quyết các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.”.
Như vậy, các Luật do QH ban hành nêu trên đã cho phép Chính phủ ban hành VBQPPL (cụ thể là Nghị định) điều chỉnh một số nhiệm vụ, quyền hạn và quy định khác với các quy định hiện hành tại luật, nghị quyết của QH, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH để bảo đảm giải quyết việc PQPC đối với một số lĩnh vực ưu tiên, cấp bách. Đây chính là cơ sở pháp lý để Chính phủ ban hành 28 Nghị định về PQPC, phân định thẩm quyền (đã được Chính phủ tổ chức công bố ngày 12/6/2025), trong đó có 2 Nghị định: số 120/2025/NĐ-CP quy định về phân định thẩm quyền của CQĐP 02 cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước (QLNN) của Bộ Tư pháp và số 121/2025/NĐ-CP quy định về PQPC trong lĩnh vực QLNN của Bộ Tư pháp.
Về cơ sở thực tiễn, trên cơ sở các chủ trương, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về PQPC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản để hướng dẫn Bộ, ngành, địa phương trong việc PQPC. Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương đẩy mạnh PQPC trong bối cảnh chưa thể sửa đổi, bổ sung các VBQPPL có liên quan sẽ dẫn đến tình trạng cả cơ quan PQPC và cơ quan được PQPC đều lúng túng; việc phục vụ người dân, doanh nghiệp có thể bị gián đoạn, không kịp thời, không đáp ứng được yêu cầu về lộ trình, tiến độ và mục tiêu về hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra.
Xuất phát từ những cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và thực tiễn nêu trên, để thể chế hóa đầy đủ quan điểm chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PQPC; bảo đảm việc triển khai nhiệm vụ được thông suốt, hiệu quả, kịp thời, cải cách tối đa thủ tục hành chính, giảm chi phí, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân, doanh nghiệp thì việc ban hành Nghị định quy định về PQPC trong lĩnh vực QLNN của Bộ Tư pháp là hết sức cần thiết và cấp thiết (2 Nghị định số 120 và 121 năm 2025).
Hai nhóm nội dung chính của 2 Nghị định 120 và 121
Hai Nghị định quy định về PQPC trong lĩnh vực QLNN của Bộ Tư pháp tập trung vào 02 nhóm nội dung. Một là nhóm nội dung về phân quyền (thẩm quyền gốc được quy định tại luật, nghị quyết, pháp lệnh của QH, UBTVQH) và nội dung về phân cấp (thẩm quyền gốc được quy định tại nghị định, nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ) xuống CQĐP cấp tỉnh và Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Hai là nhóm nội dung về trình tự, thủ tục và hồ sơ thực hiện các nội dung được PQPC (được quy định cụ thể tại các Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định).
Trong đó, riêng đối với nhóm nội dung về trình tự, thủ tục và hồ sơ thực hiện các TTHC, theo Bộ Tư pháp, khi thực hiện việc PQPC từ Bộ Tư pháp xuống UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp tỉnh dẫn đến việc thay đổi về trình tự, thủ tục và thẩm quyền đang được quy định trong VBQPPL chuyên ngành. Do vậy, để bảo đảm việc thực hiện TTHC thông suốt, không bị ách tắc, Nghị định đã quy định cụ thể trình tự, thủ tục thực hiện, thành phần hồ sơ, thời hạn giải quyết các TTHC đối với từng loại thủ tục (tại 06 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định) để có thể áp dụng được ngay sau khi Nghị định được ban hành.
Các quy định về TTHC trong Nghị định theo hướng: Đơn giản hóa các TTHC từ thành phần hồ sơ; Quy định rõ ràng hơn về thời hạn giải quyết các TTHC (từ “ngày” thành “ngày làm việc”) và rút ngắn thời gian giải quyết các TTHC; Liên thông các TTHC như khi thu hồi giấy phép thành lập đồng thời thu hồi giấy phép hoạt động; Thực hiện nguyên tắc “phi địa giới hành chính” khi thực hiện giải quyết TTHC cho người dân, chỉ quy định việc nộp gắn với địa giới đối với những thủ tục bắt buộc để gắn với quản lý như luật sư, công chứng, thừa phát lại; Đa dạng phương thức nộp hồ sơ và nhận trả kết quả giải quyết TTHC (trực tiếp, trực tuyến, qua dịch vụ bưu chính).
Riêng về nhóm quy định chuyển tiếp, Nghị định quy định cụ thể các trường hợp và trách nhiệm của các cơ quan phải tiếp tục thực hiện đối với những nhiệm vụ đang trong quá trình giải quyết, hệ quả pháp lý của các nhiệm vụ đã thực hiện, tài liệu, hồ sơ mà trước đó UBND cấp huyện có trách nhiệm giải quyết; việc giải quyết các TTHC đã thực hiện việc nộp hồ sơ trước ngày Nghị định này có hiệu lực để bảo đảm không tạo khoảng trống pháp lý khi thực hiện PQPC.
Việc phân quyền, phân cấp bằng nghị định chỉ có hiệu lực đến 01/3/2027
Về thời gian áp dụng, các Nghị định PQPC, phân định thẩm quyền, trong đó có cả 2 Nghị định số 120 và 121 năm 2025, chỉ có hiệu lực pháp luật đến ngày 01/3/2027. Các nội dung về PQPC, phân định thẩm quyền và trình tự, thủ tục thực hiện tại các Nghị định này sẽ được thay thế bằng các quy định của luật, nghị quyết, nghị định mới/sửa đổi, bổ sung. Ngay sau khi Nghị định được ban hành cho đến ngày 1/3/2027, các Bộ, ngành phải rà soát pháp luật hiện hành để đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật, nghị quyết, pháp lệnh, nghị định có liên quan để điều chỉnh cho phù hợp với nguyên tắc, quy định về phân định thẩm quyền, PQPC mới.