Bài toán tài chính giáo dục đại học: Tăng ngân sách hay tái cơ cấu đầu tư?

Khi bài toán tài chính của đại học được giải quyết, nhân tài sẽ được thu hút, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ phát triển.

Nguồn lực tài chính trong giáo dục đào tạo là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận tại Tọa đàm khoa học về “Bối cảnh và những vấn đề mới đặt ra sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; định hướng và những giải pháp đột phá”, diễn ra ngày 2/4.

Tại sao ngân sách cho giáo dục không đạt được như kỳ vọng?

Tiến sĩ Lê Đông Phương - Chuyên gia giáo dục đại học, nguyên cán bộ nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam. Ảnh: DN

Quan tâm đến vấn đề tài chính - một trong những điều kiện quan trọng để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra tại Nghị quyết 29, Tiến sĩ Lê Đông Phương - Chuyên gia giáo dục đại học, nguyên cán bộ nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam chỉ ra, một nội dung quan trọng nhưng “dường như rất ít người để ý đến, đó là sự tách bạch kinh phí" chi cho cho giáo dục được nêu ra tại Nghị quyết 29.

Cụ thể, Nghị quyết 29 có nêu: “Phân định rõ ngân sách chi cho giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học với ngân sách chi cho cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc hệ thống chính trị và các lực lượng vũ trang”. Cùng với đó là định mức tối thiểu 20% ngân sách chi cho giáo dục và đào tạo.

“Ngân sách chi cho giáo dục đào tạo hiện nay vẫn còn rất thấp. Cách đây hơn 1 tháng, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có bài phân tích đã chỉ ra ngân sách dành cho giáo dục đào tạo chỉ từ 14-16%, đây là 1 con số hết sức thấp. Như vậy rõ ràng chúng ta đã không đạt được mục tiêu như Nghị quyết đã đề ra”, chuyên gia nêu.

Bên cạnh đó, tại Nghị định số 60/2021/NĐ - CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, về phân loại đơn vị hành chính sự nghiệp, giáo dục đại học không nằm trong số dịch vụ thiết yếu được sử dụng ngân sách nhà nước.

Từ thực tiễn trên, Tiến sĩ Lê Đông Phương nhận định, mục đích và cách thực hiện có khác biệt. Việc không đảm bảo được kinh phí đặt các trường vào thế phải “tự lo, trên danh nghĩa gắn mác tự chủ”.

Theo chuyên gia, với những vị thế và giá trị mà giáo dục đại học đã đạt được, trong đó có 2 đại học quốc gia (Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) là rất đáng quý, tuy nhiên, nếu phân bổ đủ kinh phí như Nghị quyết đã đề ra, kết quả đạt được còn cao hơn nữa.

Tiến sĩ Lê Đông Phương cho rằng, đánh giá tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 29, ngoài ngành giáo dục, cần đánh giá thêm sự đóng góp, tham gia của các bộ, ngành liên quan. Bởi, đơn cử câu chuyện tài chính cho giáo dục, chỉ riêng Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể giải quyết được.

“Cần có đánh giá rõ hơn tại sao ngân sách cho giáo dục không đạt được như kỳ vọng”, chuyên gia nhấn mạnh thêm.

Thay đổi quan điểm về đầu tư ngân sách nhà nước

Cũng bàn về nguồn lực tài chính, Giáo sư Lê Anh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng đại học, Đại học Bách khoa Hà Nội đặt vấn đề về bài toán tài chính khi thực hiện tự chủ đại học.

Trước tiên, Giáo sư Lê Anh Tuấn khẳng định, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14) với linh hồn chủ đạo là tự chủ đại học là bước đột phá trong phát triển hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam. Tự chủ đại học đã mang lại một nền tảng để các cơ sở giáo dục đại học chuyển đổi mô hình, tái cơ cấu và phát triển hướng theo các chuẩn mực quốc tế.

Nhìn trên bình diện tổng thể, tự chủ đại học đã mang lại một sức sống mới cho hệ thống giáo dục đại học.

Tuy nhiên, việc thực hiện tự chủ đại học vẫn còn nhiều vấn đề cần trao đổi. Trong đó, Giáo sư Lê Anh Tuấn đề cập đến, đó là vấn đề về "sức khỏe" của hệ thống giáo dục đại học, mà nguồn lực tài chính là một trong những yếu tố ảnh hưởng quan trọng.

Giáo sư Lê Anh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng đại học, Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: DN

Để xây dựng một cơ sở giáo dục đại học đẳng cấp quốc tế, cần có 3 yếu tố quan trọng.

Thứ nhất, đó là quản trị (thuận lợi), thể hiện qua hệ thống luật, nghị định, quy chế, quy định. Theo chuyên gia, yếu tố này thuận lợi thì mới tạo nền tảng hành lang để các cơ sở giáo dục đại học phát triển, từ đó hệ thống giáo dục đại học mới phát triển.

Thứ hai, nguồn lực tài chính dồi dào, gồm nguồn lực từ ngân sách nhà nước, hiến tặng và hợp tác, học phí. Trong đó, ngân sách phụ thuộc phần lớn vào học phí là thực trạng chung hiện nay ở hầu hết các cơ sở giáo dục đại học trong nước.

Thứ ba, tài năng tập trung, tức là giảng viên phải giỏi, sinh viên phải tốt. Để tập trung được tài năng, phải có chính sách thu hút và nuôi dưỡng nhân tài. Và yếu tố này cũng lại phụ thuộc rất lớn vào nguồn lực tài chính.

Chủ tịch Hội đồng đại học, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh ngân sách nhà nước hạn chế như hiện nay, kỳ vọng về tăng ngân sách “đột phá” có phần khó khăn, bởi việc tăng ngân sách gắn với quy mô GDP quốc gia.

Bởi vậy, thầy Tuấn cho rằng cần có những giải pháp bằng ngân sách. Trong đó, cần thay đổi quan điểm về đầu tư ngân sách nhà nước.

Dẫn số liệu cụ thể, Chủ tịch Hội đồng đại học, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy mô đào tạo thạc sĩ ở nước ta chiếm tỉ trọng rất thấp (khoảng 5%), trình độ tiến sĩ chưa đạt 0,6%.

Trong khi đó, tỉ trọng này ở Malaysia lần lượt là 10,9% và 7%, Singapore là 9,5% và 2,2%. Tỉ trọng trung bình ở các nước thu nhập trung bình lần lượt là là 10,7% (thạc sĩ), 1,3% với (tiến sĩ).

Theo Giáo sư Lê Anh Tuấn, quy mô đào tạo sau đại học ở nước ta thấp thể hiện nhu cầu thực tiễn chưa có. Nhu cầu thực tiễn này đến từ người học, và cả cơ sở đào tạo.

Cụ thể, nhu cầu học sau đại học chủ yếu xuất phát từ các quy định về vị trí việc làm theo chính sách nhà nước là chủ yếu,chứ không phải từ nhu cầu của công việc. Về các cơ sở đào tạo, do năng lực đào tạo sau đại học của trường - gồm đội ngũ, trang thiết bị nghiên cứu hạn hẹp, nên khó để triển khai đào tạo sau đại học bài bản.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh học phí ngày càng tăng, về đào tạo sau đại học, nếu thực tiễn không có nhu cầu sẽ rất ít người theo học.

Do vậy, Giáo sư Lê Anh Tuấn đề xuất cần tập trung ngân sách nhà nước cho các chính sách để thu hút nhân tài, thúc đẩy đào tạo sau đại học và nghiên cứu khoa học.

Thứ hai, cần phải tạo cơ chế để thu hút nguồn lực tài chính ngoài học phí, vừa để đảm bảo thu nhập cho cán bộ giảng viên, hỗ trợ và cấp học bổng cho sinh viên, vừa đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, mở rộng khuôn viên.

“Đầu tư từ nguồn xã hội có tiềm năng rất lớn, nhưng cần có hành lang pháp lý để tạo cơ hội cho các cơ sở giáo dục đại học thu hút mạnh mẽ đầu tư từ doanh nghiệp, xã hội”, Giáo sư Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.

Tọa đàm khoa học về “Bối cảnh và những vấn đề mới đặt ra sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; định hướng và những giải pháp đột phá”. Ảnh: DN

Theo chuyên gia này, hiện nay, việc thực hiện hợp tác công-tư trong giáo dục đại học còn nhiều khó khăn, mà điểm nghẽn chính là về sở hữu. Do đó, cần mở cơ chế để các cơ sở giáo dục đại học có thể thu hút thêm từ các nguồn khác, như quỹ hiến tặng.

Lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội đánh giá, quỹ hiến tặng ở Việt Nam hầu như chưa triển khai được, hoặc mới chỉ diễn ra ở quy mô nhỏ, manh mún. Trong khi đó, các đại học đẳng cấp quốc tế thì nguồn thu từ quỹ hiến tặng rất lớn (hàng chục tỷ USD).

Đơn cử như Đại học Harvard có quy mô quỹ hiến tặng đứng đầu thế giới với mức 50 tỷ USD. Theo báo cáo tài chính năm 2023 của đại học này, quy mô quỹ hiến tặng chiếm 37% (2,2 tỷ USD) trong tổng chi tiêu. Quỹ này được hình thành từ kinh phí hiến tặng của các cá nhân, doanh nghiệp bên ngoài, kết hợp đối ứng của đại học hoặc của nhà nước.

Theo Giáo sư Lê Anh Tuấn, tỷ lệ đối ứng mà Đại học Oxford của Anh quốc đưa ra trong chương trình gây quỹ năm 2015 là 2:1 (2 pound từ nhà hiến tặng, đối ứng 1 pound từ quỹ của đại học). Rất tiếc Việt Nam chưa có cơ sở pháp lý để xây dựng quỹ này.

Hay tại Singapore, để thúc đẩy văn hóa xuất sắc và đổi mới sáng tạo trong các đơn vị công lập, Singapore xây dựng Chương trình gây quỹ thông qua Dự án tái thiết dịch vụ công SP21.

Với Dự án này, nếu Đại học Quốc gia Singapore thu hút được một khoản hiến tặng, chính phủ Singapore sẽ đầu tư một khoản gấp 3 lần để đưa vào quỹ hiến tặng của Đại học Quốc gia Singapore. Hiện nay, quỹ hiến tặng này đã phát triển lên đến 5,9 tỷ USD, có đóng góp rất lớn vào sự phát triển của Đại học Quốc gia Singapore.

Chủ tịch Hội đồng đại học, Đại học Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh, “khi bài toán tài chính của đại học được giải quyết, nhân tài sẽ được thu hút, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ phát triển, từ đó mang lại giá trị tự cường cho dân tộc”.

Giáo sư Phạm Hồng Quang - Chủ tịch đại học, Đại học Thái Nguyên cũng đề xuất, nhà nước cần đầu tư ngân sách cho phát triển giáo dục đại học, trong đó, hỗ trợ trường tư dưới dạng chính sách ưu đãi về thuế, đất, và hỗ trợ trường công dưới dạng đầu tư ban đầu.

“Các nước như Anh, Úc, Hoa kỳ có nguồn thu rất lớn nhưng chính phủ các nước này vẫn hỗ trợ các trường, vì nó mang lại lợi ích công, mang lại nguồn nhân lực chất lượng cao có lợi cho quốc gia”, Chủ tịch hội đồng đại học, Đại học Thái Nguyên dẫn chứng thêm.

Doãn Nhàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/bai-toan-tai-chinh-giao-duc-dai-hoc-tang-ngan-sach-hay-tai-co-cau-dau-tu-post241879.gd