Lần đầu lọt vào tốp bảng xếp hạng châu Á, ĐH Kinh tế TP HCM 'soán ngôi' cao nhất của Việt Nam
Đây cũng là cột mốc lịch sử khi lần đầu tiên một ĐH Việt Nam đạt thứ hạng cao.
Bảng xếp hạng các trường ĐH hàng đầu châu Á năm 2025 do tạp chí giáo dục danh tiếng Times Higher Education (THE) thực hiện vừa chính thức được công bố. Theo đó, năm nay Việt Nam có 9 cơ sở giáo dục ĐH lọt vào bảng xếp hạng này.
Lần đầu góp mặt với vị trí 136, ĐH Kinh tế TP HCM (UEH) đã vượt qua nhiều tên tuổi kỳ cựu, bao gồm cả Trường ĐH Tôn Đức Thắng, để vươn lên dẫn đầu các trường ĐH Việt Nam trong bảng xếp hạng danh giá này. Đây cũng là lần đầu tiên, một ĐH Việt Nam đạt thứ hạng cao đến vậy theo đánh giá của THE.

ĐH Kinh tế TP HCM được xếp hạng ở vị trí 136 các trường ĐH tốt nhất châu Á 2025
Bày tỏ niềm vui, GS-TS Nguyễn Đông Phong, Chủ tịch Hội đồng UEH, cho biết thành tích này cũng đồng thời giúp UEH chính thức hoàn thành sớm một trong những mục tiêu trọng tâm đề ra của giai đoạn 2025 - 2045 "thuộc Top 250 ĐH hàng đầu châu Á vào năm 2030 và Top 150 vào năm 2045".
"Điều này không chỉ cho thấy những nỗ lực mạnh mẽ của tập thể UEH mà còn một lần nữa khẳng định chiến lược phát triển đa ngành, đa lĩnh vực và bền vững mà UEH đã và đang thực thi" -ông Phong nhấn mạnh.
Năm nay, Trường ĐH Tôn Đức Thắng ghi nhận sự giảm nhẹ xuống nhóm 201-250 so với vị trí 193 năm 2024. Trong khi đó, ĐH Duy Tân vẫn giữ vững thứ hạng 251-300. Điểm đáng chú ý là sự xuất hiện của Trường ĐH Y Hà Nội ở nhóm 401-500, dù năm 2024 không có tên trong danh sách này.
Ba trường khác là ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Mở TP HCM và ĐH Quốc gia Hà Nội cùng nằm trong nhóm 501-600. ĐH Huế và ĐH Quốc gia TP HCM thuộc nhóm 601+ các trường ĐH hàng đầu châu Á năm 2025.
Tiêu chí đánh giá trong bảng xếp hạng năm 2025
- Chất lượng nghiên cứu (Research quality – 30%): Tác động trích dẫn, sức mạnh nghiên cứu, xuất sắc trong nghiên cứu, ảnh hưởng nghiên cứu.
- Môi trường nghiên cứu (Research environment – 28%): Danh tiếng nghiên cứu, thu nhập từ nghiên cứu, năng suất nghiên cứu.
- Giảng dạy (Teaching – 24.5%): Danh tiếng giảng dạy, tỉ lệ giảng viên/sinh viên, tỉ lệ tiến sĩ/cử nhân, tỉ lệ tiến sĩ/giảng viên, thu nhập của tổ chức.
- R&D, sở hữu trí tuệ ứng dụng (Industry – 10%): Thu nhập từ R&D, sở hữu trí tuệ ứng dụng.
- Triển vọng quốc tế (International outlook – 7.5%): Tỉ lệ sinh viên quốc tế, tỉ lệ giảng viên quốc tế, hợp tác quốc tế.