Bài toán thiếu trường lớp vẫn còn đó

Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận tình trạng thiếu giáo viên cục bộ ở hầu hết các địa phương, tình trạng thiếu phòng học tại các khu vực có mật độ dân cư cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn

Trong những hội thảo về giáo dục được tổ chức gần đây, các chuyên gia giáo dục cho rằng đầu tư cho giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, phát triển giáo dục và đào tạo (GD-ĐT).

Bốc thăm để vào… trường mầm non

Thiếu trường lớp là vấn đề đau đầu của TP Hà Nội. Cách đây 2 năm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai phải tổ chức cho phụ huynh bốc thăm để giành suất học mầm non công lập cho con do thiếu trường lớp. Việc bốc thăm này khiến dư luận bức xúc vì con không được đến trường dù đúng tuyến tuyển sinh.

Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hà Nội Trần Thế Cương thông tin với hơn 2,3 triệu học sinh, Hà Nội có 2.910 trường học, tăng 39 trường so với năm ngoái. Thống kê cho thấy giai đoạn 2021-2025 Hà Nội xây mới hơn 430 trường nhưng thiếu trường lớp vẫn là vấn đề nan giải ở vùng nội thành do gia tăng dân số cơ học quá lớn ở thủ đô.

Năm học 2024-2025 số học sinh đầu cấp của thành phố tiếp tục tăng khoảng 70.000 học sinh so với năm học trước. Một số quận nội thành như Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Tây Hồ và Hà Đông không bảo đảm được 100% học sinh trong độ tuổi vào lớp 1 và lớp 6 trên địa bàn được học trường công lập. Cụ thể, quận Thanh Xuân thiếu 1.197 chỗ học lớp 1 công lập và 1.423 chỗ học lớp 6; quận Cầu Giấy thiếu 519 chỗ học lớp 1 và 1.650 chỗ học lớp 6; quận Nam Từ Liêm thiếu 966 chỗ học lớp 1 và 103 chỗ học lớp 6… Theo quy hoạch mạng lưới trường học của TP Hà Nội, năm học 2024-2025 thành phố thiếu 14 trường tiểu học và 31 trường THCS. Nhiều quận, huyện của Hà Nội đang nỗ lực, gấp rút xây thêm trường, cải tạo nâng tầng để tăng thêm lớp học công lập.

Các thành phố lớn khẩn trương xây dựng trường học mới để đáp ứng nhu cầu đến trường của học sinh. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Các thành phố lớn khẩn trương xây dựng trường học mới để đáp ứng nhu cầu đến trường của học sinh. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Bộ GD-ĐT thừa nhận tình trạng thiếu trường lớp ở các địa phương. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cấp mầm non, phổ thông còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng năm học 2024-2025 là năm với rất nhiều yêu cầu, nhiệm vụ và là thời điểm rất quan trọng của ngành. Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đặt ra cho năm học mới, người đứng đầu ngành giáo dục đề nghị các sở GD-ĐT tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được giao. Bộ trưởng đề nghị các sở GD-ĐT lưu ý tham mưu cho lãnh đạo địa phương xây dựng kế hoạch 5 năm 2025-2030 để địa phương chủ động đầu tư cho giáo dục.

Bảo đảm tối thiểu 20% ngân sách cho giáo dục

Trước đó, tại cuộc làm việc với Phó Thủ tướng Lê Thành Long về tình hình triển khai các nhiệm vụ GD-ĐT, Bộ GD-ĐT cho biết công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai các nhiệm vụ của bộ trong 6 tháng đầu năm 2024 còn một số khó khăn, vướng mắc. Trong đó có tình trạng thiếu giáo viên cục bộ ở hầu hết các địa phương, tình trạng thiếu phòng học tại các khu vực có mật độ dân cư cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tỉ lệ chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực GD-ĐT chưa bảo đảm tỉ lệ tối thiểu 20%.

Bộ GD-ĐT đề xuất, kiến nghị lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính thực hiện phân bổ ngân sách nhà nước cho lĩnh vực GD-ĐT bảo đảm tối thiểu 20% trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm. Ưu tiên bố trí ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương để thực hiện đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho giáo dục phổ thông… Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh nếu không đầu tư kinh phí ráo riết sẽ tăng nguy cơ bất bình đẳng trong giáo dục vì hiện vẫn còn gần 20% trường học chưa được kiên cố hóa.

Kết luận buổi làm việc này, Phó Thủ tướng Lê Thành Long yêu cầu Bộ GD-ĐT và các cơ quan liên quan chú trọng triển khai nghiên cứu, rà soát và đề xuất các biện pháp, giải pháp cụ thể về các vấn đề có tính đặc thù nhằm khắc phục từng bước những bất cập trong hệ thống GD-ĐT ở các địa phương, trong đó có vấn đề thiếu trường lớp học cấp mầm non, phổ thông ở Hà Nội, TP HCM.

Khai thác chính sách đặc thù, ưu đãi

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, để giải những bài toán khó của ngành giáo dục hiện nay, cần lưu ý khai thác chính sách đặc thù, chính sách ưu đãi đối với các tỉnh, thành, như Hà Nội có Luật Thủ đô; các chính sách đặc thù với TP HCM, Đà Nẵng, Huế, Nghệ An... Tuy mức độ khác nhau nhưng đều có thể khai thác được những điểm có lợi để phát triển giáo dục. Các sở GD-ĐT tiếp tục tham mưu cho địa phương quan tâm đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất, chuẩn bị phương án để bảo đảm kiên cố hóa 100% cơ sở giáo dục đến năm 2030...

Yến Anh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bai-toan-thieu-truong-lop-van-con-do-196240805211240362.htm