Bài toán 'thừa thầy, thiếu thợ' và 'chìa khóa' phân luồng - Bài 1

BPO - Những năm qua, giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh THCS, THPT được các cơ sở giáo dục, cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương quan tâm thực hiện, đạt được những kết quả nhất định. Qua đó góp phần tích cực bổ sung nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, so với quy định, tỷ lệ phân luồng học sinh THCS, THPT của Bình Phước đạt rất thấp. Đây là bài toán cần nhanh chóng giải quyết nhằm hạn chế lãng phí thời gian, tiền của do không lựa chọn đúng hướng đi và từng bước khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” như hiện nay.

RÀO CẢN TÂM LÝ “KHOA BẢNG”

Thời đại công nghệ 4.0, nhận thức chung của xã hội có chuyển biến tích cực nhưng chưa sâu sắc và đồng đều, phần lớn phụ huynh và học sinh chưa hiểu rõ về công tác hướng nghiệp, phân luồng, vẫn nặng về tâm lý “khoa bảng”. Dù việc vận động, tuyên truyền được thực hiện đa dạng về nội dung, hình thức nhưng không thường xuyên, liên tục; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, trường học chưa đồng bộ nên kết quả công tác phân luồng còn khiêm tốn so với chỉ tiêu đề ra.

Hướng nghiệp từ cơ sở

Để thực hiện tốt công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, vào đầu năm học hằng năm, Trường THCS Nguyễn Du, huyện Phú Riềng đều đề ra nhiều giải pháp căn cơ, thiết thực. Cụ thể như tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh về tầm quan trọng của việc học nghề, thị trường lao động; đẩy mạnh việc hướng nghiệp cho học sinh khối lớp 9 với những thông tin ngắn gọn, bổ ích, sát thực tế; kết hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh và mời phụ huynh tham dự. Cùng với đó, trong tiết sinh hoạt, giáo viên chủ nhiệm còn tư vấn thêm cho học sinh về các ngành nghề phù hợp năng lực, sở trường và hoàn cảnh kinh tế gia đình.

Tại Trường THCS&THPT Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS cũng được nhà trường thực hiện bằng nhiều giải pháp tương tự, nhưng mỗi năm cũng chỉ khoảng 10-12 học sinh tốt nghiệp THCS không thi vào lớp 10 mà tham gia học nghề, kết hợp học văn hóa. Con số này ở Trường THCS Nguyễn Du là khoảng 10 học sinh, chiếm 5% so với tổng học sinh lớp 9 toàn trường.

Chính tâm lý "khoa bảng" của phụ huynh đã dẫn đến thực trạng "thừa thầy, thiếu thợ" như hiện nay. Trong ảnh: Giờ thực hành cơ khí chế tạo của sinh viên Trường cao đẳng Bình Phước

“Nguyên nhân học sinh vào trường nghề ít là do tâm lý phụ huynh thích cho con em mình học lên THPT để vào đại học, cao đẳng. Mặt khác, các trường nghề trên địa bàn còn ít, ngành nghề chưa đa dạng, phong phú nên chưa tạo sức hút lớn với học sinh, phụ huynh” - Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Đồng Tiến Nguyễn Đỗ Trọng Khôi thừa nhận.

Nguyên nhân tỷ lệ học sinh học nghề đạt thấp là do phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc học nghề, luôn mong muốn cho con thi vào lớp 10 để học THPT rồi vào đại học, cao đẳng. Trong khi đó, học sinh còn ít tuổi nên chưa thể quyết định cho tương lai, tâm lý không muốn đi học xa, không muốn vào trường nghề...

Thầy Trần Văn Lập,
Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, huyện Phú Riềng

Cách làm và kết quả ở các trường THCS Nguyễn Du, THCS&THPT Đồng Tiến cũng là thực trạng chung tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh hiện nay. Dù đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng kết quả phân luồng học sinh THCS đạt được còn khá khiêm tốn so với quy định.

Nặng tâm lý “khoa bảng”

Thực tế xưa nay, hầu hết các bậc phụ huynh đều muốn con em mình thi vào đại học, trường càng danh tiếng càng tốt mà quên đi khả năng, sở trường và sở thích của con. “Con phải học giỏi khối B để làm bác sĩ, vào khối A để đi theo ngành công an, quân đội…” và muốn làm được điều đó thì phải vào trường chuyên, lớp chọn. Nhưng có khi nào phụ huynh tự hỏi, liệu con mình có thích như vậy không và việc đăng ký trường chuyên, trường giỏi có phù hợp năng lực, sở trường của con?

Thực tế, việc vào được các trường đại học danh tiếng, nhất là trường có ngành nghề mà thị trường lao động đang “hot” thì sẽ có việc làm thu nhập cao ngay sau khi ra trường, thậm chí là chưa tốt nghiệp cử nhân. Tuy nhiên, không phải ai tốt nghiệp đại học, thậm chí có bằng thạc sĩ đều xin được việc làm, nhất là các ngành nghề không phù hợp nhu cầu thực tế, đang cần tuyển “thợ”.

Đối với học sinh học lực trung bình, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, việc cố học lên THPT rồi vào đại học, cao đẳng sẽ là “thất thoát” lớn về thời gian, tiền của. Để “rạng danh”, nhiều gia đình chấp nhận vay tiền, thậm chí bán cả tài sản giá trị để cho con vào đại học nhưng khi ra trường không xin được việc làm rồi bằng cử nhân, thạc sĩ đành phải “gác bếp”.

Chính tâm lý “khoa bảng” của phụ huynh, chỉ muốn con mình làm “thầy” là một trong những nguyên nhân khiến hàng trăm ngàn cử nhân đang trong cảnh thất nghiệp, dẫn đến điều trái khoáy là doanh nghiệp tìm 1 kỹ sư hay thạc sĩ rất dễ nhưng tuyển 1 người thợ lại cực kỳ khó. Điều này không chỉ lãng phí nguồn lực của gia đình, xã hội mà quan trọng hơn là tạo ra sức ỳ rất lớn trong sự phát triển của lực lượng lao động thời kỳ hiện đại.

Ngoài sĩ diện của phụ huynh thì sự phối hợp giữa các ban, ngành liên quan trong công tác phân luồng, tuyên truyền, hướng nghiệp để học sinh, phụ huynh xác định rõ nghề nghiệp phù hợp khả năng, năng lực gia đình, học sinh còn hạn chế. Phần lớn phụ huynh, học sinh còn “đói” thông tin liên quan đến trường, ngành học, chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng như nghề nghiệp, thị trường lao động sau này. Vì thế, công tác định hướng, phân luồng học sinh theo học các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại các trường THCS, THPT gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là thách thức không nhỏ trong công tác tuyển sinh tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Cần nâng cao chất lượng phân luồng

Thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, công tác phân luồng sau THCS, THPT giai đoạn 2018-2021 chưa đạt mục tiêu theo kế hoạch của UBND tỉnh và thấp hơn nhiều so với tỷ lệ quy định của Chính phủ. Theo đó, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục theo học nghề chỉ đạt khoảng từ 18-20% (tỷ lệ quy định tối thiểu là 30%).

Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp sẽ thu hút học sinh vào học. Trong ảnh: Tiết học lý thuyết về công nghệ ôtô tại Trường cao đẳng Công nghiệp cao su

Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” của Thủ tướng Chính phủ phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng.

Thực hiện đề án của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch, đề ra mục tiêu phấn đấu hằng năm. Cụ thể, phấn đấu tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp đạt ít nhất 25% (năm 2022), 30% (năm 2023), 35% (năm 2024), 40% (năm 2025). Đối với học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng đạt ít nhất 30% (năm 2022), 35% (năm 2023), 40% (năm 2024), 45% (năm 2025). Trên 80% các em có việc làm sau tốt nghiệp; 100% học sinh khối lớp 9 và 12 được tư vấn hướng nghiệp, phân luồng.

Để đạt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, hướng nghiệp; đề nghị Sở GD&ĐT giao chỉ tiêu phân luồng hằng năm cho các trường từ sớm, chỉ đạo các trường học nâng cao chất lượng phân luồng, nghiêm túc trong việc xét học bạ, ra đề thi, chấm thi sát với năng lực các em.

Tâm lý học lực trung bình, yếu mới đi học nghề vẫn còn phổ biến, khi có đến 90% học sinh học nghề học lực trung bình, 10% còn lại là yếu, vì thế ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo nghề. Trong quá trình đào tạo nghề, tỷ lệ bỏ học cũng chiếm rất cao, từ 30-50%.

Vũ Thuyên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/133020/bai-toan-thua-thay-thieu-tho-va-chia-khoa-phan-luong-bai-1