Bài toán thuế carbon của Việt Nam trong xu hướng phát triển xanh

Sự xuất hiện của Thỏa thuận xanh châu Âu đặt ra bài toán cho phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam, đồng thời cũng là động lực cho quá trình ấy.

“Việt Nam là nơi xuất phát của gần mọi loại sản phẩm tới các nước phát triển. Vì thế, kể cả khi Mỹ, châu Âu hay các nước tiên tiến khác đã trung hòa carbon mà Việt Nam chưa đạt được, điều đó cũng sẽ không có tác động lớn như mong muốn”, ông Jaeseung Lee, Trưởng đại diện quốc gia thuộc Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) có trụ sở Hàn Quốc, nói trong một sự kiện tuần qua.

Trong hội thảo, đại diện phái đoàn Liên minh châu Âu, đại diện Bộ Công thương và một số chuyên gia đều cho rằng Thỏa thuận xanh châu Âu sẽ đem lại động lực cho phát triển xanh. Để tận dụng cơ hội đó, Việt Nam cần đưa ra nhiều lựa chọn khó khăn nhưng con đường chuyển giao ấy sẽ có sự đồng hành của các nước châu Âu.

“Đương nhiên các bạn không hề đơn độc", Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti nói. “Chúng tôi muốn hợp tác cùng các bạn”.

 Thỏa thuận xanh châu Âu là một bộ chính sách và sáng kiến nhằm thúc đẩy châu Âu trở thành "lục địa đầu tiên trung hòa khí carbon" vào năm 2050. Ảnh: General Journal of Europe.

Thỏa thuận xanh châu Âu là một bộ chính sách và sáng kiến nhằm thúc đẩy châu Âu trở thành "lục địa đầu tiên trung hòa khí carbon" vào năm 2050. Ảnh: General Journal of Europe.

Hàng hóa Việt Nam cần xanh hơn

Năm 2019, châu Âu vén màn chiến lược đầy tham vọng có tên gọi Thỏa thuận xanh châu Âu, với nguồn ngân sách lên tới hơn 1.000 tỷ USD.

Trong khuôn khổ chiến lược này, châu Âu sẽ đặt ra một loạt chính sách và sáng kiến mới để nơi đây chuyển sang mô hình kinh tế bền vững với mục tiêu trung hòa phát thải khí nhà kính vào năm 2050.

Mong muốn về một tương lai xanh của gần nửa tỷ người dân châu Âu không chỉ tạo ra thay đổi tại khu vực mà cũng đặt ra bài toán phát triển kinh tế xanh cho các nước khác, đặc biệt là Việt Nam - nơi xuất khẩu sang EU có vị trí cao thứ 3, sau Mỹ và Trung Quốc.

Trong Thỏa thuận xanh châu Âu, nhiều lĩnh vực sẽ phải thay đổi theo hướng xanh hơn. Trong số đó có ngành may mặc - một trong những ngành xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang EU. Tháng 3, Ủy ban châu Âu vừa ra dự thảo Chiến lược May mặc Bền vững và Tuần hoàn, thuộc khuôn khổ Thỏa thuận xanh châu Âu.

“Việt Nam là một trong những mục tiêu chính (để chúng tôi hỗ trợ) vì EU nhập khẩu lượng lớn vải vóc và giày dép từ các bạn”, ông Rui Ludovino, Tham tán thứ nhất thuộc phái đoàn EU tại Việt Nam, trả lời báo chí.

“Người tiêu dùng của chúng tôi không muốn các sản phẩm có thể làm ô nhiễm đất, nước hoặc không khí của Việt Nam”, ông Ludovino nói. “Vì thế, chúng ta phải cùng hợp tác để giải quyết vấn đề này”.

 Ông Rui Ludovino (phải), Tham tán thứ nhất thuộc phái đoàn EU tại Việt Nam. Ảnh: Phái đoàn EU tại Việt Nam.

Ông Rui Ludovino (phải), Tham tán thứ nhất thuộc phái đoàn EU tại Việt Nam. Ảnh: Phái đoàn EU tại Việt Nam.

Đi xa hơn nữa trong khuôn khổ Thỏa thuận xanh châu Âu là Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM), được đề xuất vào năm 2021.

Theo CBAM, từ năm 2026, hàng hóa nhập khẩu vào EU sẽ bị “đánh thuế” tương ứng với lượng khí CO2 bị phát thải trong quá trình sản xuất. Cơ chế này ban đầu sẽ áp dụng với các mặt hàng xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón và sản phẩm điện tử.

Tuy đây không phải các nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang EU, danh sách này có thể được mở rộng và bao gồm việc “phát thải gián tiếp” (như khí CO2 phát sinh từ việc sử dụng điện để sản xuất hàng hóa).

Việt Nam cần thêm năng lượng sạch

“Câu hỏi đầu tiên của mọi nhà đầu tư được niêm yết từ ngoài Việt Nam không còn là giá đất hoặc giá dịch vụ hậu cần là bao nhiêu”, ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Khu công nghiệp Deep C ở Hải Phòng và Quảng Ninh, nói trong hội thảo. “Họ sẽ hỏi năng lượng của tôi tới từ đâu? Tôi có thể mua tín dụng carbon như thế nào?”.

Những năm qua, nhiều tập đoàn lớn ở châu Âu như Carlsberg, Decathlon, Heineken, H&M, Logitech… cam kết dùng 100% năng lượng tái tạo trên quy mô toàn cầu vào mốc năm 2025 hoặc 2030. Vì thế, các công ty này sẽ cân nhắc cả khả năng tiếp cận năng lượng sạch khi quyết định đầu tư.

Gần đây, Lego - trụ sở tại Đan Mạch - đã rót 1 tỷ USD xây dựng nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của tập đoàn này tại tỉnh Bình Dương. Con số 1 tỷ USD bao gồm cả phần đầu tư cho sản xuất năng lượng Mặt Trời.

 Ông Jaeseung Lee (trái), Trưởng đại diện quốc gia thuộc Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) và ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Khu công nghiệp Deep C ở Hải Phòng và Quảng Ninh, tại hội thảo. Ảnh: Phái đoàn EU tại Việt Nam.

Ông Jaeseung Lee (trái), Trưởng đại diện quốc gia thuộc Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) và ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Khu công nghiệp Deep C ở Hải Phòng và Quảng Ninh, tại hội thảo. Ảnh: Phái đoàn EU tại Việt Nam.

Các tập đoàn đang kinh doanh tại Việt Nam cũng mong muốn được dùng năng lượng tái tạo thông qua cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA). Cơ chế này cho phép nơi sản xuất điện tái tạo được bán trực tiếp cho khách hàng.

Cuối năm 2020, 29 thương hiệu đa quốc gia, gồm Nike, H&M, Tommy Hilfiger… gửi thư cho Chính phủ kêu gọi Việt Nam mở bán điện tái tạo bằng việc thông qua DPPA, theo Nikkei.

Nguyên nhân một phần là việc năng lượng sẽ mất đi nguồn gốc điện tái tạo khi hòa lưới điện quốc gia, khiến các tập đoàn không có căn cứ để khẳng định họ đã thực hiện cam kết giảm phát thải.

Theo thông tin từ trang web Cục Điều tiết Điện lực, chương trình thí điểm cơ chế DPPA đang được hoàn thiện để báo cáo Thủ tướng.

Một vấn đề khác là sự phân bổ chưa đều của các dự án năng lượng tái tạo.

Theo ông Sven Ernedal, Giám đốc Dự án Năng lượng Tái tạo và Hiệu quả Năng lượng, Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ của chính phủ Đức, hai điểm nóng dự án điện tái tạo là Bình Thuận và Ninh Thuận nhưng nhu cầu dùng điện không tập trung tại đây.

Do đó, điện tái tạo lại phải được truyền tải tới các nơi khác như Đà Nẵng, TP.HCM, đồng bằng sông Cửu Long… Từ đó, ông Ernedal đề xuất Chính phủ nên có thêm các chính sách mới để khuyến khích đầu tư điện tái tạo ở Bắc Bộ - nơi cũng có nhu cầu lớn về điện.

Thỏa thuận xanh châu Âu đặt ra bài toán về phát triển xanh cho Việt Nam nhưng châu Âu cũng hứa hẹn một sự chuyển dịch công bằng.

“Chúng tôi muốn làm việc cùng Việt Nam nhưng đây sẽ không phải một món quà”, Đại sứ Aliberti nói. “Đây là quan hệ hợp tác mà ở đó, Việt Nam sẽ phải đưa ra các quyết định khó khăn. Việt Nam sẽ cần thay đổi nhiều quy định pháp lý, tạo ra môi trường kinh doanh khác cũng như môi trường đầu tư tốt hơn".

Quốc Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bai-toan-thue-carbon-cua-viet-nam-trong-xu-huong-phat-trien-xanh-post1311876.html