Bài toán Trung Quốc khó giải của ông Biden

Trong 4 năm tại nhiệm, Tổng thống Donald Trump tuyên bố rõ với Mỹ Latinh rằng không làm ăn với Trung Quốc. Nhưng thông điệp này không hiệu quả.

Khi Tổng thống đắc cử Joe Biden sẵn sàng tiến vào Nhà Trắng ngày 20/1/2021, Bắc Kinh đã thành công trong gia tăng ảnh hưởng ở phần lớn vùng đất có nguồn lực dồi dào một thời được coi như sân sau chính trị của Mỹ này.

Tổng thống đắc cử Joe Biden. Ảnh: Reuters

Tổng thống đắc cử Joe Biden. Ảnh: Reuters

Reuters cho biết đã tiến hành điều tra, phỏng vấn nhiều quan chức, cố vấn cả đương nhiệm lẫn nghỉ hưu, và phân tích dữ liệu thương mại. Kết quả cho thấy, dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, Trung Quốc đã bỏ xa Mỹ về quyền lực và ảnh hưởng ở hầu hết khu vực Mỹ Latinh.

Theo Reuters, điều này tạo ra một thách thức cho ông Biden, chính trị gia Dân chủ cam kết sẽ khôi phục vai trò của Mỹ như một nước lãnh đạo toàn cầu sau những năm theo đuổi các chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của ông Trump. Tổng thống đắc cử cũng tuyên bố việc Mỹ giảm bớt ảnh hưởng ở Mỹ Latinh là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Nhưng cam kết nói trên của ông Biden không dễ dàng thực hiện.

Từ năm 2018, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ Latinh - nếu Mexico bị loại khỏi các tính toán. Bắc Kinh cũng tăng cường đầu tư và cung cấp các khoản vay lãi suất thấp cho khu vực, hỗ trợ các dự án năng lượng, trang trại năng lượng mặt trời, đập, cảng, tuyến đường sắt và cao tốc.

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters tại La Paz hồi đầu năm nay, cựu Tổng thống Bolivia Jorge Quiroga đã giải thích về sự lôi kéo của Trung Quốc và mô tả, cùng với Brazil, nước này là đối tác quan trọng nhất.

“Mọi người hỏi tôi thích ai hơn, Mỹ hay châu Âu? Tôi trả lời Brazil. Còn vị trí thứ hai thì sao? Tôi nói Trung Quốc. Đó là thực tế của Nam Mỹ”, ông Quiroga nói.

Ông Trump không quan tâm

Các quan chức trong khu vực cho rằng, Trung Quốc - một đối tác kinh tế và ngoại giao lớn của nhiều quốc gia - sẽ khó bị thế chỗ. Hàng tỷ đôla của Trung Quốc đã mang lại sức sống quan trọng cho các quốc gia mới nổi đang gánh nặng nợ nần, và điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành khắp nơi.

“Tôi nghĩ Trung Quốc quan tâm tới Argentina hơn so với Mỹ. Và đó chính là điều tạo nên khác biệt”, một quan chức Argentina trao đổi với Reuters. “Ông Trump không thể hiện sự quan tâm nào. Chúng ta cùng hy vọng ông Biden sẽ làm điều đó”.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại số 1 của Brazil, Chile, Peru, Uruguay cùng nhiều nước khác. Nước này vượt xa Mỹ về quan hệ thương mại với Argentina.

Ngoài Mexico, thương mại của Trung Quốc với khu vực vượt qua Mỹ vào 2018 và mở rộng trong 2019 lên hơn 223 tỷ USD, trong khi của Mỹ đạt 198 tỷ USD, theo phân tích số liệu từ cơ sở dữ liệu Comtrade của Liên Hợp Quốc. Mỹ chỉ lớn hơn khi tính thêm Mexico.

Mark Feierstein, cố vấn của cựu Tổng thống Barack Obama, cho rằng việc ông Trump ít tham gia và rút khỏi TPP đã tạo khoảng trống cho Trung Quốc lấp đầy, và ông Biden sẽ tìm cách đảo ngược xu hướng. “Những gì ông Trump làm khiến cho Trung Quốc trông giống như một đối tác tốt hơn. Và tất cả điều đó sẽ thay đổi”, ông Feierstein nhận định thêm.

Theo giới phân tích, chính quyền mới của Mỹ do ông Biden đứng đầu có thể sẽ dành ưu tiên nhiều hơn cho Mỹ Latinh, dù vẫn phải dốc sức vực dậy nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây tác động nặng nề, đồng thời thiết lập lại quan hệ ở cả châu Âu và châu Á.

Tân lãnh đạo Mỹ sẽ vẫn phải cảnh báo Mỹ Latinh không quá thân thiết với Trung Quốc nhưng cũng phải tìm cách thu phục trái tim và khối óc của người dân khu vực, bằng cách cung cấp nhiều ưu đãi tài chính và quay trở lại với viện trợ nhân đạo vốn đã bị Tổng thống Trump cắt giảm.

“(Chính quyền của ông ấy sẽ) nhận ra sự phụ thuộc của Nam Mỹ vào thị trường hàng hóa Trung Quốc, và cố gắng một cách mạnh mẽ và hào phóng hơn nữa để cung cấp sự hỗ trợ”, Reuters dẫn lời Benjamin Gedan - cựu quan chức Hội đồng An ninh quốc gia thời Obama và hiện là học giả tại Trung tâm Wilson.

Ngoại giao kinh tế

Trung Quốc đã nắm bắt cơ hội trong thời kỳ đại dịch để thắt chặt các mối quan hệ trên khắp khu vực Mỹ Latinh, hỗ trợ vật tư y tế bao gồm máy thở và khẩu trang chống Covid-19.

Ở Argentina, trong những tháng gần đây, chính phủ đã công bố một loạt sáng kiến với Bắc Kinh, thử nghiệm vắc-xin, trao đổi tiền tệ mở rộng, hợp tác trên không gian và khóa học nghiên cứu quân sự Trung Quốc dành cho sinh viên trường Cao đẳng quốc phòng. Hai nước đã thảo luận về chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc của Tổng thống Alberto Fernandez và về việc Argentina tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.

“Chính sách ngoại giao kinh tế của Trung Quốc, cho dù thông qua thương mại hay tài chính, đã mở ra rất nhiều cánh cửa”, Margaret Myers, Giám đốc chương trình Trung Quốc và Mỹ Latinh tại tổ chức Đối thoại liên - Mỹ có trụ sở tại Washington, nhận định và nhắc đến khoản vay 2,4 tỷ USD mà Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc cấp cho Ecuador trong năm nay.

Mỹ dường như đã thay đổi hướng đi trong khoảng thời gian trước cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 11, khi đưa ra một loạt các sáng kiến riêng ở khu vực nhằm cạnh tranh với Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng Washington làm như vậy là quá ít và quá muộn.

Thanh Hảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/binh-luan-quoc-te/bai-toan-trung-quoc-kho-giai-cua-joe-biden-697596.html