Bài toán vận hành kinh tế số từ góc nhìn phổ cập chữ ký điện tử
Thúc đẩy việc sử dụng chữ ký số trong các giao dịch của nền kinh tế được xem là yếu tố quan trọng nhằm phát triển kinh tế số, chính phủ điện tử. Cả cơ quan chính phủ và doanh nghiệp gần đây đã có nhiều động thái để phổ cập chữ ký số trong cộng đồng, bao gồm việc cấp chữ ký số miễn phí cho người có nhu cầu đang được đồng loạt triển khai.
Chữ ký số là chữ ký của cá nhân trên môi trường số, sử dụng để xác thực khi giao dịch, bảo đảm trách nhiệm, quyền và các nghĩa vụ của cá nhân tham gia ký kết văn bản, trên môi trường điện tử, môi trường mạng – nó có giá trị như chữ ký tay của mọi người khi ký vào các giấy tờ văn bản.
Nhiều tỉnh thành cấp phát chữ ký số miễn phí
Từ giữa tháng tư đến nay, cứ cuối tuần khi phố đi bộ Hoàn Kiếm hoạt động, người dân Hà Nội có nhu cầu sử dụng chữ ký số miễn phí có thể đến gian hàng tại số 2 phố Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội để được cấp phát.
Sở dĩ người dân được cấp phát sử dụng chữ ký số như trên do Trung tâm Chứng thực Điện tử Quốc gia đã phối hợp với UBND Quận Hoàn Kiếm, câu lạc bộ Chữ ký số và Giao dịch điện tử Việt Nam cùng các doanh nghiệp triển khai thí điểm gian hàng cấp miễn phí chữ ký số cho người dân.
Việc cấp phát chữ ký số miễn phí này nằm trong chương trình thúc đẩy người dân sử dụng dịch vụ ký số để thực hiện các thủ tục hành chính điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số, chính phủ số.
Dự kiến gian hàng cung cấp chữ ký số miễn phí trên sẽ được các đơn vị duy trì từ nay đến cuối năm để tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng và các doanh nghiệp cũng sẽ tặng chữ ký số cho bất cứ công dân nào có nhu cầu sử dụng.
Tại một sự kiện nhằm thúc đẩy việc sử dụng chữ ký số được tổ chức gần đây, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trên điện thoại thông minh mỗi người đã có danh tính điện tử, thể hiện ở căn cước công dân điện tử mà Bộ Công an đã triển khai. Bên cạnh đó mọi người còn có tài khoản sử dụng dịch vụ công trực tuyến để làm các thủ tục hành chính mà không cần phải đến các cơ quan chức năng.
Song, để người dân có thể thực hiện mọi hoạt động trên môi trường số thì cần có chữ ký số cá nhân của mỗi người.
Được biết, Hà Nội triển khai hoạt động trên vì giữa tháng 4 vừa qua, UBND Thành phố Hà Nội đã triển khai hệ thống dịch vụ công mới với việc thực hiện các dịch vụ công điện tử hoàn toàn. Người dân có thể thực hiện việc ký số vào các tờ khai trên hệ thống dịch vụ, thay vì phải ký trực tiếp vào giấy tờ và nộp hồ sơ như trước. Các cơ quan nhà nước cũng sẽ thực hiện trả kết quả điện tử song song với kết quả giấy.
Tại cuộc họp về nội dung này mới đây, ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho hay, Sở này đã làm việc với các doanh nghiệp và phối hợp với các sở, ban, ngành để triển khai cấp chữ ký số miễn phí cho hơn 10 triệu người dân thủ đô. Việc phổ cập chữ ký số sẽ thúc đẩy người dân Hà Nội sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Tính đến ngày 20-6, đã có hơn 10.000 chữ ký số đã được cấp miễn phí cho người dân Hà Nội sau hơn 2 tháng triển khai hoạt động này. Trong số đó Viettel đã cấp 3.440 chữ ký số, VNPT cấp 2.114 chữ ký số, FPT cấp 2.033 chữ ký số và Bkav đã cấp được hơn 2.000 chữ ký số.
Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia cũng đã phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm cấp được trên 1.100 chữ ký số tại gian hàng cấp miễn phí chữ ký số cho người trên phố đi bộ Hoàn Kiếm.
Hà Nội đặt mục tiêu trong thời gian tới sẽ nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm 100% người dân có tài khoản trên cổng dịch vụ công, tối thiểu 50% hồ sơ phát sinh được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến. Toàn bộ người dân Thủ đô được cấp chữ ký số miễn phí để phục vụ thực hiện dịch vụ công trực tuyến và các giao dịch trên môi trường điện tử.
Ngoài Hà Nội, một số địa phương khác cũng đang tích cực triển khai cấp chữ ký số miễn phí cho người dân. TP.HCM cũng đang thực hiện kế hoạch, bắt đầu từ tháng 6 này.
Thông tin từ hội nghị triển khai thúc đẩy phổ cập chữ ký số tại TP.HCM được tổ chức vào đầu tháng 6 này cho biết, hiện TP.HCM đã cấp và ứng dụng chữ ký số cho hầu hết cơ quan nhà nước trên địa bàn – phục vụ hệ thống thông tin văn bản của thành phố với 1.140 đơn vị liên thông. Đã cấp 11.160 chữ ký số cho tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức. Điều này giúp sẵn sàng thực hiện quy trình số hóa và ứng dụng chữ ký số của cán bộ công chức cho hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện cung cấp dịch vụ công toàn trình.
Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã phối hợp với Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia tích hợp chữ ký số cho người dân trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố. Do đó thời gian tới TP.HCM sẽ phối hợp với các đơn vị cấp chữ ký số miễn phí một năm cho người dân để thúc đẩy họ sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Chữ ký số sẽ được cấp trên hệ thống một cửa của UBND TP Thủ Đức, cùng 22 quận, huyện trên địa bàn TP.HCM. Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cũng sẽ tiến hành phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp chữ ký số cho người dân tại các sự kiện của thành phố như: tuần lễ sách, hội sách quốc tế, tuần lễ chuyển đổi số TP.HCM…
Không chỉ những trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, TP.HCM, Tỉnh Yên Bái cũng đã tổ chức hội nghị “Tuyên truyền về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số năm 2023”. Tỉnh Yên Bái đã sử dụng chữ ký số trong việc lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền. Đến nay, người đứng đầu và cấp phó các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã được cấp chữ ký số chuyên dùng để ký, phát hành văn bản điện tử… Song hiện tỷ lệ tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước được cấp và sử dụng chữ ký số còn thấp, chưa đến 2%.
Tỉnh Yên Bái đã tích hợp dịch vụ chứng thực chữ ký số theo mô hình ký số từ xa vào cổng dịch vụ công của tỉnh. Việc này sẽ tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tại Yên Bái khi sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.
Vì sao phải thúc đẩy sử dụng chữ ký số cá nhân?
Trong Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đã đặt mục tiêu tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số đạt trên 50% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030.
Phát biểu tại một sự kiện được tổ chức mới đây, ông Đặng Đình Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Chứng thực Điện tử Quốc gia cho biết, Chính phủ đã giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông thúc đẩy người dân sử dụng dịch vụ chữ ký số để thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết hiện 100% doanh nghiệp Việt Nam đã sử dụng chữ ký số chủ yếu trong các dịch vụ như kê khai thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội… Nhưng tỉ lệ người dân sử dụng chữ ký số còn ít. Tính đến tháng 5 vừa qua, số lượng chứng thư số đang hoạt động trên toàn quốc là hơn 2 triệu, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Song trong đó, có gần 1,6 triệu chứng thư số của cơ quan, tổ chức và chỉ có hơn 480 ngàn chứng thư số cá nhân đang hoạt động.
Nguyên nhân chính dẫn đến số lượng sử dụng chữ ký số cá nhân còn thấp do người dân, doanh nghiệp chưa biết lợi ích, cách thức sử dụng chữ ký số hoặc đã biết nhưng vẫn còn e ngại khi sử dụng. Quy định về áp dụng chữ ký số chưa phủ rộng đến khắp các loại hình giao dịch điện tử. Nhận thức về tính pháp lý và bảo mật của chữ ký số còn hạn chế, truyền thông chưa thực sự bùng nổ…
Theo số liệu của Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, Việt Nam hiện có 23 tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng. Trong 2,1 triệu chứng thư số công cộng đang hoạt động, lượng chứng thư số cá nhân chỉ chiếm một phần rất nhỏ, khoảng 23%.
Những năm qua, thị trường dịch vụ chữ ký số tại Việt Nam đã có sự phát triển mạnh với sự tham gia của hơn 20 doanh nghiệp công nghệ cung cấp giải pháp.
Với sự kêu gọi của Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số đã triển khai nhiều chính sách miễn, giảm giá dịch vụ chữ ký số từ xa cho các khách hàng cá nhân. Các doanh nghiệp có chính sách miễn phí 1 năm sử dụng chữ ký số cá nhân nhằm tạo cho người dân thói quen sử dụng chữ ký số và dịch vụ công trực tuyến.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Khơ Din, Tổng Giám đốc Công ty Nền tảng chuyển đổi số Bkav SME cho biết, thời gian qua đơn vị này đã phối hợp với Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng… để cấp chữ ký số tận nơi cho người dân.
Với MISA, ngoài cấp tặng miễn phí chữ ký số cho người dân trên phố đi bộ Hoàn Kiếm, doanh nghiệp này còn tổ chức cấp phát cho giảng viên, sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng…
Để thúc đẩy phổ cập chữ ký số cá nhân, các doanh nghiệp cung cấp giải pháp – nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số – đã đưa ra những chính sách miễn phí trong giai đoạn đầu sử dụng. Khi người dân đã có thói quen sử dụng chữ ký số, lúc đó các doanh nghiệp có thể tính toán thu một phần kinh phí để bù đắp cho các chi phí mà đơn vị phải bỏ ra.
Cần cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhiều hơn
Tại hội thảo gần đây, đại diện Trung tâm dịch vụ chữ ký số FPT (FPT CA) cho hay, khi phổ biến chữ ký số, lượng người dùng cá nhân rất lớn và dàn trải. Nếu tiến hành thu thập hồ sơ theo cách thức truyền thống sẽ rất bất tiện, tốn nhiều chi phí, công sức bỏ ra. FPT CA mong muốn được tạo điều kiện tối đa về mặt hồ sơ thủ tục, giấy tờ để doanh nghiệp có thể cung cấp chứng thư số cho người dân đơn giản nhất. Bên cạnh đó, Chính phủ cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa về lợi ích của chữ ký số đến người dân.
Với vai trò Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam, ông Nguyễn Khơ Din cho biết, thị trường chữ ký số ở Việt Nam đã sẵn sàng cho việc phổ cập chữ ký số đến toàn dân.
Tuy nhiên ông Nguyễn Khơ Din, việc phổ cập chữ ký số tới toàn dân có thành công hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: quy định, chính sách hiện còn thiếu, cơ quan nhà nước đang tích cực chỉnh sửa và ban hành; mở rộng các ứng dụng sử dụng chữ ký số; và áp dụng cách thức triển khai thuận tiện hơn, lưu trữ hồ sơ điện tử thay vì sử dụng hồ sơ giấy.
Chia sẻ quan điểm để thúc đẩy chữ ký số cá nhân, ông Vũ Thế Bình Phó Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam khi cung cấp thông tin cho báo chí đã cho rằng: “Việc phổ cập dịch vụ Internet hay smartphone trước đây đã bắt đầu từ nhu cầu liên lạc cũng như các nhu cầu khác của người dân, và được cộng hưởng bởi sự sẵn sàng cùng giá dịch vụ phù hợp với chi tiêu của đại đa số người dân.”
Do đó, để phổ cập chữ ký số cá nhân, ông Bình nhận định, việc miễn phí chữ ký số sẽ không mang lại hiệu quả lâu dài. Điểm mấu chốt vẫn là các chính sách kích cầu – tức là tạo thuận lợi cho người dân bằng cách phổ biến các dịch vụ trực tuyến, trong đó có các dịch vụ cần đến chữ ký số cá nhân.
Trao đổi với KTSG Online, ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam phân tích, các đơn vị cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng cho cá nhân đều đã sẵn sàng cung cấp hàng triệu chữ ký số theo yêu cầu.
Tuy nhiên, để chữ ký số có thể sử dụng được thì cần có những hệ thống chấp nhận chữ ký số đó như hệ thống giao dịch cửa chứng khoán, hành chính, dịch vụ công trực tuyến của Chính phủ, các địa phương. Tiếp đó, còn cần có sự đồng hành về mặt chính sách – giống như trước đây triển khai dịch vụ khai thuế qua mạng, Tổng cục thuế có chính sách, có lộ trình và đến thời điểm nào chỉ nhận tờ khai điện tử và không nhận tờ khai giấy.
Các chuyên gia cho rằng, để chữ ký số phổ cập được tới mọi người thì cần phải làm đồng bộ nhiều giải pháp. Cần khuyến khích các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng chữ ký số trong các giao dịch điện tử, dần tiến tới bắt buộc sử dụng trong mọi giao dịch điện tử.
Ông Vũ Thế Bình cho rằng, khi có nhiều hơn dịch vụ được cung ứng hoàn toàn trực tuyến thay thế cho việc đến trực tiếp và cần chữ ký số cá nhân, thì tự khắc nhu cầu sẽ tăng lên và người dân sẽ dùng.