Bài viết: 'Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình' của Tổng Bí thư Tô Lâm:Lời giải thuyết phục cho 'bài toán' thể chế

Ngày 4-5, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết: 'Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình', trong đó nhấn mạnh 5 nhiệm vụ, giải pháp cơ bản đưa Nghị quyết số 66-NQ/TƯ ngày 30-4-2025 của Bộ Chính trị về 'Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới' vào cuộc sống.

Dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân nhìn nhận, đây là lời giải cho "bài toán" thể chế vốn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy:

Sửa đổi, bổ sung các quy định để đáp ứng yêu cầu thực tiễn xã hội

Nghị quyết số 66-NQ/TƯ về “Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới” là nội dung mới và rất quan trọng. Trong đó, nhiều nội dung gắn chặt với các công tác, hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

Theo đó, Nghị quyết số 66-NQ/TƯ nêu rõ yêu cầu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” do quy định pháp luật. Năm 2027, hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản pháp luật bảo đảm cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của bộ máy nhà nước theo mô hình chính quyền 3 cấp. Năm 2028, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, góp phần đưa môi trường đầu tư của Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN…

Đây là những mục tiêu hết sức cụ thể và đặt ra yêu cầu cho các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội nói chung cũng như cả hệ thống chính trị cần phải nỗ lực, cố gắng hết sức để hoàn thiện pháp luật, thể chế. Chính phủ và Quốc hội luôn nhận thức rõ thực trạng trong hệ thống pháp luật có nhiều quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo, chưa rõ ràng, cụ thể cần phải có giải pháp để khắc phục, tháo gỡ; những vấn đề đang là rào cản của hoạt động sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung.

Việc tháo gỡ điểm nghẽn không phải là hoạt động đơn lẻ mà là một quá trình liên tục có trọng tâm, trọng điểm; có lộ trình với những yêu cầu từ thực tiễn và phù hợp với chương trình xây dựng pháp luật đã được Quốc hội thông qua, phù hợp với khả năng, năng lực thực tế của các cơ quan thực hiện. Quan trọng nhất là chúng ta sửa đổi, bổ sung các quy định nào để đáp ứng yêu cầu thực tiễn xã hội, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ quan điểm chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị và các cấp có thẩm quyền.

Phó Giám đốc Học viện Hành chính và Quản trị công Bùi Phương Đình:

Sẵn sàng tham gia nghiên cứu, đóng góp hoàn thiện thể chế, pháp luật

Bài viết: “Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình” của Tổng Bí thư Tô Lâm đã vạch ra rất nhiều triển vọng hoàn thiện thể chế đáp ứng yêu cầu phát triển trong tương lai. Cùng với Nghị quyết số 66-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, đây là câu trả lời rất rõ ràng, thuyết phục đối với bài toán tháo gỡ “điểm nghẽn” thể chế vốn được coi là “điểm nghẽn của mọi điểm nghẽn”. Do đó, có thể nói, với Nghị quyết số 66-NQ/TƯ cùng với quyết tâm rất cao của người đứng đầu Đảng ta thể hiện trong bài viết, chúng ta đã có đường hướng để đi, đã có lộ trình để triển khai thực hiện và đương nhiên có mục tiêu rất rõ ràng để bám sát trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách và đồng bộ hóa cho một thể chế phát triển sẽ được triển khai trong thời gian tới.

Tôi nhận thấy, khi nói đến hệ thống pháp luật là chúng ta nói tới kỷ cương, phép nước, nhưng lần này với sự chỉ đạo sâu sát của Bộ Chính trị và đồng chí Tổng Bí thư đã mở ra thêm một khía cạnh nữa rất quan trọng của hệ thống pháp luật là song song với bảo đảm kỷ cương, phép nước thì đồng thời cũng tạo lập không gian cho sự phát triển của đất nước, của cộng đồng và hết sức quan trọng là của từng cá nhân. Khi mỗi công dân Việt Nam được bảo đảm đầy đủ quyền phát triển của mình, thể hiện hết năng lực của mình thì lúc ấy đất nước có cơ hội phát triển rực rỡ.

Từ góc độ người làm công tác giảng dạy và nghiên cứu, chúng tôi mong rằng, quá trình triển khai Nghị quyết, Học viện Hành chính và Quản trị công cũng như các cơ sở đào tạo khác sẽ có cơ hội tham gia nghiên cứu nền tảng lý luận, tổng kết thực tiễn sâu sắc và thể hiện bằng những báo cáo kiến nghị chính sách rất sát sườn phục vụ cho công tác xây dựng thể chế và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Quận ủy Hoàn Kiếm Nguyễn Thị Kiều Trang:

Tháo gỡ “điểm nghẽn”, đi trước mở đường để đất nước phát triển bền vững

Trong bối cảnh đất nước đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, vai trò kiến tạo của thể chế, pháp luật ngày càng trở nên cấp thiết.

Những quan điểm chỉ đạo của Trung ương và Tổng Bí thư Tô Lâm thông qua bài viết: “Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình” cùng Nghị quyết số 66-NQ/TƯ thực sự đã đáp ứng đúng và trúng yêu cầu mà thực tiễn đất nước đang đặt ra.

Tôi tin tưởng rằng, Nghị quyết số 66-NQ/TƯ cùng với những chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết: “Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình”, nhất là với 5 nhiệm vụ, giải pháp cơ bản để đưa Nghị quyết vào cuộc sống sẽ góp phần tạo bước đột phá mới, tái cấu trúc nền tảng thể chế quốc gia, kiến tạo không gian, khơi mở các nguồn lực vật chất và con người để phát triển đất nước.
Chúng ta đều biết rằng, khi pháp luật trở thành "đột phá của đột phá", đó cũng là lúc Nhà nước thực sự trở thành Nhà nước pháp quyền và xã hội luôn kỷ cương, sáng tạo và phát triển bền vững.
Như đánh giá của Tổng Bí thư Tô Lâm, ba điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là: Thể chế, hạ tầng và nhân lực. Thì với Nghị quyết số 66-NQ/TƯ, chúng ta có cơ hội và điều kiện để xử lý “điểm nghẽn” đầu tiên và quan trọng nhất, là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, và một khi khơi thông được thể chế, thì chính thể chế sẽ đi trước mở đường cho đất nước ta ngày càng phát triển

Thành - Hà - Ly thực hiện

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/bai-viet-dot-pha-the-che-phap-luat-de-dat-nuoc-vuon-minh-cua-tong-bi-thu-to-lam-loi-giai-thuyet-phuc-cho-bai-toan-the-che-701305.html