Bali vắng vẻ sau một tháng mở cửa trở lại
Bali vẫn chỉ là cái bóng của chính mình, các cửa hàng, quán ăn đóng cửa và hầu như không có bóng dáng của du khách nước ngoài, theo Nikkei Asia.
Từ tháng 10, Indonesia cho phép khách du lịch quốc tế đã tiêm vaccine Covid-19 đến Bali, hy vọng vào sự hồi sinh của hòn đảo, nơi phụ thuộc vào du lịch đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
Tuy nhiên, kể từ khi mở cửa trở lại, không có chuyến bay từ nước ngoài nào hạ cánh tại Sân bay quốc tế Ngurah Rai, dấy lên sự thất vọng và lo ngại thua kém các đối thủ trong khu vực. Người lao động trong ngành đổ lỗi cho nhiều yếu tố, trong đó có quá trình cấp thị thực tốn nhiều thời gian và yêu cầu chính phủ xứ vạn đảo đưa ra nhiều biện pháp hơn nữa để giúp phục hồi hoạt động kinh doanh.
Thất vọng
Trước khi Indonesia ngừng đón khách nước ngoài, David Lin, thành viên của Hiệp hội Hướng dẫn viên Du lịch Indonesia, từng tiếp gần 2.000 khách Trung Quốc mỗi tháng.
"Trước khi đại dịch bùng phát, tôi có thể kiếm được 1.500 USD/tháng", anh cho biết.
Hiện, thu nhập của Lin chỉ khoảng 200 USD/tháng song không phải từ du lịch. Anh phải chuyển sang bán sườn lợn đông lạnh qua mạng xã hội để kiếm sống. Nhiều hướng dẫn viên du lịch khác đã rời Bali. Lin cho biết số hướng dẫn viên thuộc nhóm nói tiếng Trung Quốc đã giảm từ 1.500 xuống còn khoảng 100 người.
Khu nghỉ dưỡng Nusa Dua ở phía nam Bali từng là thỏi nam châm hút khách du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, khi Nikkei Asia đến vào giữa tháng 11, bãi biển chính vắng vẻ, chẳng có ai nằm phơi nắng hay ngâm mình trong làn nước biển màu ngọc lam.
Các cửa hàng, quán ăn nhắm đến du khách nước ngoài đóng cửa. Một phụ nữ từng làm nghề massage và bán đồ lưu niệm cho biết gần đây không có khách du lịch nào đến Nusa Dua.
Nhiều nỗ lực của chính phủ thời gian qua vẫn chưa đủ để giúp Bali khởi động lại ngành du lịch.
"Sau khi Bali đón khách quốc tế trở lại từ 14/10, cho đến giữa tháng 11, chưa có chuyến bay thương mại nào bay thẳng đến Bali", một nhân viên tại công ty quản lý sân bay cho biết.
Dữ liệu từ cơ quan thống kê quốc gia Indonesia cho thấy chỉ có 35 du khách nước ngoài đến sân bay trong chín tháng đầu năm, con số này dường như không thay đổi nhiều trong vài tuần qua do thiếu các chuyến bay quốc tế. Điều này hoàn toàn trái ngược so với Phuket của Thái Lan, nơi chào đón hơn 200 khách du lịch nước ngoài được tiêm phòng chỉ trong một ngày khi tái mở cửa vào 1/7.
"Đã hơn một tháng kể từ khi Bali mở cửa, tại sao vẫn chưa có chuyến bay quốc tế nào đến đây?", Boina Ana Tatiana, chủ một nhà hàng trên đảo, nói. Cô phải đóng cửa một số cơ sở kinh doanh khác bao gồm spa và dịch vụ cho thuê xe máy khi không còn du khách nước ngoài.
Một người trong ngành du lịch nhận định có thể các bộ ngành của Indonesia đang có quan điểm khác nhau về việc mở cửa trở lại. Trong khi Bộ Du lịch muốn thúc đẩy việc mở cửa trở lại, một số cơ quan khác thận trọng hơn và muốn duy trì số ca mắc Covid-19 ở mức thấp.
Hy vọng
Việc vắng bóng khách du lịch quốc tế đã tàn phá nền kinh tế Bali. GDP của hòn đảo đã giảm 9,3% vào năm 2020, mức giảm sâu nhất trong số 34 tỉnh của Indonesia. Trong quý III năm nay, GDP của Bali giảm 2,97% so với cùng kỳ năm trước, khi GDP quốc gia tăng 3,51%.
Sự kiệt quệ thể hiện rõ ở Kuta, trung tâm du lịch của Bali từng thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới. Hiện, hết cửa hàng này đến cửa hàng khác phải đóng cửa vì lực lượng mua sắm chính đã biến mất từ lâu.
Nuryati, một phụ nữ ở độ tuổi 50, là một trong những người bán hàng rong trong khu vực. Khi chính phủ thông báo Bali tái mở cửa, cô đã từ quê nhà quay lại Kuta. Tuy nhiên, vẫn chẳng có ai mua vòng tay có dòng chữ "I Love Bali" của cô, thường được bán với giá 10.000 rupiah (0,7 USD).
"Phần lớn khách du lịch trong nước mua quà lưu niệm tại các cửa hàng, vì vậy, dù lượng khách trong nước ngày càng tăng, tôi vẫn chẳng buôn bán được gì nhiều".
Nhiều người làm trong ngành du lịch cũng cho rằng lượng khách du lịch nội địa tăng dần cũng không thể bù đắp được những gì khách quốc tế đem lại.
Theo Tjok Bagus Pemayun, quyền Giám đốc Văn phòng Du lịch tỉnh Bali, du khách nước ngoài đến thăm hòn đảo này sẽ chi khoảng 150 USD một ngày - gần gấp 5 lần so với du khách Indonesia.
Thậm chí, nguồn thu nhỏ giọt từ khách du lịch nội địa có thể sẽ bị ảnh hưởng vào thời điểm cuối năm, khi chính phủ Indonesia thắt chặt các hạn chế xã hội đối với đảo Java và Bali từ đêm Giáng sinh đến ngày 2/1, nhằm ngăn chặn sự gia tăng đột biến các ca mắc Covid-19.
Tuy nhiên, vẫn có một tia hy vọng. Một giám đốc điều hành của Garuda Indonesia cho biết vào ngày 5/12, hãng hàng không này sẽ mở một đường bay kết nối Sân bay Haneda của Tokyo (Nhật Bản) với Jakarta, điểm dừng ở Bali.
Chính quyền tỉnh Bali cũng đang vận động chính quyền trung ương giúp đỡ ngành du lịch, đề xuất loại bỏ quy trình cấp thị thực rườm rà cũng như giảm thời gian tự cách ly bắt buộc từ 3 ngày xuống còn một ngày.
Chính quyền tỉnh cũng đang yêu cầu thêm Australia, Mỹ, Anh, Nga và Đức vào danh sách các quốc gia được phép nhập cảnh. Trước đại dịch, các quốc gia này chiếm khoảng 34% lượng du khách nước ngoài đến Bali.
"Rất khó để khách du lịch nội địa có thể thay thế thị trường khách nước ngoài. Các hoạt động họ thực hiện ở Bali rất khác. Những người nước ngoài như người Australia thích lướt sóng ở Kuta, trong khi khách du lịch địa phương thích ngắm cảnh trên bãi biển. Du khách nước ngoài là không thể thay thế", Dani, chủ một doanh nghiệp cho thuê ván lướt sóng trên bãi biển của Kuta, cho biết.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bali-vang-ve-sau-mot-thang-mo-cua-tro-lai-post1278946.html