Bám bản gieo mầm xanh

Chiếc xe máy chuyên dụng của đồng chí công an xã đưa chúng tôi qua những đoạn đường khi thì dốc đứng, lúc thì ngoằn ngoèo, đất đá pha trộn với nhau, bụi tung mịt mù. Con đường hơn 12 km ấy dẫn chúng tôi đến điểm trường Mầm non xa nhất của Hùng Lợi (Yên Sơn): điểm trường Khuổi Ma. Nơi đây có câu chuyện về cô giáo 9x Dương Thị Sính suốt 10 năm qua kiên nhẫn bám bản cần mẫn gieo trồng trên cánh đồng chữ nghĩa nơi non cao.

Những ngày gian khó

Điểm trường Mầm non Khuổi Ma là một trong những điểm trường xa nhất, khó khăn nhất của Hùng Lợi với 100% các em học sinh là con em đồng bào dân tộc Mông. Những năm 2014, 2015, các lớp học đều là lớp bán kiên cố bằng gỗ được bà con góp sức xây dựng. Lớp học tựa vào lưng núi, không điện, không nước, “hứng” ánh sáng mặt trời tự nhiên, ngày mùa đông gió rít qua khe hở và chồng chất nỗi lo đất đá sạt lở khi mùa lũ về. Ấy là câu chuyện của chục năm về trước. Đó cũng là thời điểm cô giáo người Mông Dương Thị Sính bắt đầu gắn bó với lớp học đầy tình yêu thương.

Cô giáo Dương Thị Sính.

Cô giáo Dương Thị Sính.

Quãng đường 12 km không quá xa nhưng chúng tôi phải mất gần 30 phút để vào đến điểm trường. Bao quanh những con đường đất nhỏ hẹp là xanh mát núi đồi và thung sâu. Phải vững tay lắm mới có thể điều khiển xe đi lại trên những đoạn đường này. Chỉ riêng quãng đường đi lại đã đủ để người ta thấy nỗi nhọc nhằn của những cô giáo ngày ngày bám bản vùng cao… Vì điểm trường ở xa nên các cô giáo Trường Mầm non Hùng Lợi thay phiên nhau đi tăng cường. Ngày mưa lớn hầu hết các cô phải ở lại điểm trường không thể về trung tâm bởi đường trơn trượt.

“Những ngày đầu thực sự khó khăn bởi thiếu thốn từ cơ sở vật chất đến cơ sở hạ tầng. Phụ huynh chưa quan tâm đến việc học của con em. Nay học, mai nghỉ là chuyện bình thường. Được sự quan tâm đầu tư của tỉnh, của huyện, năm 2019, điểm trường Khuổi Ma được xây dựng mới với lớp học khang trang. Năm 2023 điện kéo về thôn bản, lớp học được đầu tư thêm máy tính, tivi đã mở ra trang mới trong việc dạy và học của cô trò nơi đây” - cô Sính cười nói.

Bám bản gieo mầm xanh

Sống và gắn bó với Khuổi Ma nên cô giáo Dương Thị Sính hiểu tiếng nói, phong tục tập quán, biết rõ từng nếp nhà của bà con. Đó cũng là điều kiện để cô bám lớp, bám bản, kiên trì vận động phụ huynh đưa con em đến trường suốt 10 năm qua. Vận động các em đến trường đã khó. Vận động phụ huynh đưa con em đến trường còn khó hơn bởi suy nghĩ lạc hậu “thà cõng con lên nương còn hơn đưa con đến trường”.

Một giờ lên lớp của cô giáo Dương Thị Sính.

Một giờ lên lớp của cô giáo Dương Thị Sính.

“Ngày mai cho con đi học” như một lời hứa thử thách sự kiên nhẫn của cô giáo trẻ 24 tuổi ngày ấy. Ngày mưa lũ về nước tràn qua suối khiến nhiều em không thể ra lớp, khó khăn trong giao tiếp khi các em hầu như không biết tiếng phổ thông, có việc đột xuất không thể liên lạc với phụ huynh vì sóng kém... Khó khăn chồng chất thế nhưng cô Sính cùng các cô giáo được phân công tại điểm trường Khuổi Ma vẫn kiên trì đến từng nhà vận động cho đến khi các em được đến trường.

Đến nay, điểm trường Khuổi Ma có 2 lớp với 43 học sinh, tỷ lệ trẻ mẫu giáo đến trường đạt 100%. Cô giáo Sính trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc Mông vừa cầm đàn vừa bắt nhịp bài hát, những ánh mắt trong veo ngơ ngác nhìn nhau… Rồi cô “phiên dịch” từ tiếng phổ thông sang tiếng Mông cho các em học sinh đều hiểu. “Quy trình” dạy học ở đây là như thế. Lớp học vùng cao giờ đây đã đầy đủ hơn với những đồ dùng, dụng cụ dạy học phong phú do chính các cô giáo tự tay làm. Khu vườn rau xanh mướt là thành quả tăng gia của các cô, cũng là nơi các em khám phá thực tế.

Cô Sính bảo, gần gũi, gắn bó với học sinh thôi chưa đủ, các cô còn phải tạo niềm tin, sự gắn kết giữa phụ huynh và nhà trường, như vậy việc đưa trẻ đến trường mới đạt hiệu quả cao. Thông qua các hoạt động ngoại khóa như “Vui Tết Thiếu nhi”, “Bé với làn điệu dân ca”, “Hội thi Bé khỏe bé ngoan”… các bậc phụ huynh sẽ phối hợp với các cô tạo sân chơi cho trẻ. Bên cạnh đó, các cô cũng linh hoạt, tôn trọng nhu cầu của mỗi gia đình trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ để việc học tập và phát triển toàn diện cả về thể chất, tinh thần của các em đạt được kết quả tốt nhất.

Các em học sinh điểm trường Khuổi Ma tham quan thực tế vườn rau xanh.

Các em học sinh điểm trường Khuổi Ma tham quan thực tế vườn rau xanh.

Gắn bó với điểm trường Khuổi Ma từ những ngày khó khăn nhất, cô Sính đã quen với việc phụ huynh gửi các con ở nhà cô chiều tối những ngày đi rừng, đi nương không kịp về. Hay có những khi các cô cũng thay phụ huynh đưa con đến trạm xá khi chẳng may ốm sốt. Yêu nghề, gắn bó với trẻ và thực sự trở thành người mẹ thứ hai là cách mà cô Sính cùng những cô giáo bám bản làm cho Khuổi Ma thêm bừng sáng. Không chỉ là việc giáo dục, chăm lo cho các em học sinh mà còn là sự kiên trì thay đổi nếp nghĩ của bà con vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn về việc học.

Những ngày này, các em học sinh tạm rời xa lớp học về với tán rừng, ruộng vườn, đồng quê. Tiếng nói, tiếng cười ríu rít vẫn vang khắp bản làng. Cô giáo vùng cao Dương Thị Sính cũng trở về gắn bó với ruộng nương trong những ngày hè mang theo những ấp ủ nhiệt huyết của người làm giáo dục ngày ngày gieo chữ giữa đại ngàn. Với những đóng góp của mình, năm 2023, cô giáo Dương Thị Sính đã được Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn khen thưởng vì đã có thành tích tiêu biểu trong việc học tập, làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh.

Thùy Lê

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/bam-ban-gieo-mam-xanh-195783.html