Bám biển giữ đảo Trần
Đảo Trần, hòn đảo tiền tiêu của vùng Đông Bắc Tổ quốc, diện tích chỉ vỏn vẹn hơn 4km2 nhưng lại có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh, quốc phòng. Tính theo đường vuông góc, từ đảo Trần đến đường phân định vịnh Bắc Bộ chỉ khoảng trên 10 hải lý, lại là hòn đảo cách huyện lỵ và đất liền xa nhất.
Để người dân yên tâm bám biển, giữ đất, cùng với các lực lượng bảo vệ lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc, những chiến sĩ công an, bộ đội biên phòng đang ngày đêm không tiếc sức mình làm nên ngọn hải đăng giữa biển cả.
Đảo là nhà, biển cả là quê hương
Đảo Trần thuộc xã Thanh Lân, là hòn đảo xa nhất của huyện Cô Tô, Quảng Ninh. Từ đất liền ra đảo không có tàu dịch vụ, chỉ đi nhờ tàu cá của ngư dân hoặc thuê xuồng của những hộ dân giáp biển ở TP Móng Cái và huyện Hải Hà. Đây là lần thứ hai chúng tôi ra đảo, mỗi chuyến đi là một kỷ niệm khó quên.
Lần vượt sóng trước, chiếc xuồng nhỏ chở chúng tôi chao đảo nhiều giờ trong sóng to, gió lớn mới ra tới nơi. Biển Cô Tô khi bình lặng cũng khá êm ả nhưng khi thời tiết “đỏng đảnh” thì lại rất khủng khiếp. Trên đường từ đảo về đất liền, trời tối, giữa đường chúng tôi gặp cơn giông bất ngờ ập tới. Giông gió quất mạnh khiến chiếc xuồng như muốn chìm vào lòng biển.
Cảm giác bị nhấn chìm vào biển thật đáng sợ, cả người ướt sũng vì những con sóng liên tiếp ập qua đầu. Một người dày dạn kinh nghiệm đi biển như Thượng úy Biên phòng Nguyễn Lê Tùng khi lên tới bờ cũng phải thốt lên: “Sống rồi!”.
Vì xa xôi nên ra được đảo Trần là một vinh dự. Còn nhớ ngày nào các hộ dân ra đảo Trần lập ấp, xây làng, hình thành nên khu dân cư. Họ là lớp cư dân đầu tiên của hòn đảo sóng gió, khắc nghiệt nhưng đã nhanh chóng ổn định cuộc sống, phát huy nghề biển, giữ vững chủ quyền biển đảo.
Thượng úy Hoàng Trí Dũng, một trong những chiến sĩ CAND của huyện đảo Cô Tô phụ trách địa bàn đảo Trần cho biết, anh có mặt từ những ngày đầu đưa dân ra đây lập làng. Đó là thời điểm đầy nhọc nhằn, thiếu thốn từ giọt nước ngọt. Thượng úy Dũng sinh ra ở Cô Tô, tuổi thơ của anh gắn liền với ghềnh bãi, chài lưới. Thử thách mưu sinh giữa cộng đồng vùng biển đã sớm cho anh một phẩm chất can trường và tấm lòng hào hiệp.
Trở thành sĩ quan an ninh, Hoàng Trí Dũng lại được trở về với chính quần đảo từng nuôi anh khôn lớn. Biển đảo, nắng gió đã tôi luyện cho Dũng một sức khỏe dẻo dai. Anh đi lại như con thoi khắp các địa bàn mình phụ trách, mà ở đó, đường đi lại chủ yếu là biển. Với anh, đảo Trần như một ngôi nhà còn bề bộn nhưng ấm áp.
Nơi đây, những đứa trẻ của xóm chài luôn đợi anh. Quà của chú Dũng mang đến cho chúng bao giờ cũng là sách vở và những cuốn truyện tranh mới đầy màu sắc hấp dẫn. Có khi chỉ là những gói bim bim, cái kẹo nhưng bọn nhỏ đều mong đợi và háo hức mỗi khi được tin chú Dũng ra đảo. Bởi chúng ở quá xa đất liền, những tri thức của đời sống xã hội sôi động đều chỉ xem qua ti vi, hay những cuốn sách. Và chúng háo hức nhất là được nghe chú Dũng kể chuyện, những câu chuyện về việc học tập, vui chơi của các bạn nhỏ ở đất liền.
Với Thượng úy Dũng, mỗi khi tàu cập bến, bước lên đảo, bọn nhỏ vây quanh anh tíu tít hỏi han, nhìn những mái tóc vàng hoe vì cháy nắng khiến anh thấy ấm áp. Anh dạy chúng vẽ tranh, kể cho đám trẻ nghe những câu chuyện lạ có thật ở những chân trời rất gần...
Đối với Thượng úy Hoàng Trí Dũng, chuyện chơi và học của những đứa trẻ đang độ tuổi đến trường ở đảo Trần được đặt trong những mối quan tâm thường trực của anh. Những buổi trò chuyện với phụ huynh; những cuộc tiếp xúc với cán bộ thôn và giáo viên phụ trách... Tất cả, đã cho Dũng một cái nhìn thấu đáo về đời sống và môi trường giáo dục của hòn đảo thưa dân, nhiều cách trở, giúp anh đưa ra được những kiến nghị có sức thuyết phục đối với các cấp quản lý và chính quyền huyện đảo, thúc đẩy tích cực việc cải thiện môi trường dạy và học.
Ở đây, dân đảo và những người lính biên phòng coi anh như một đồng đội và một đồng hương tin cậy. Mỗi lần Dũng có mặt trên đảo Trần là một lần anh và Thượng úy Biên phòng Nguyễn Lê Tùng lại được quây quần. Họ vốn là hai người bạn học từ niên thiếu. Trưởng thành, Dũng thi vào Học viện An ninh, Tùng theo Học viện Biên phòng.
Ra trường, Hoàng Trí Dũng về đúng nơi sinh ra mình ở Cô Tô, còn Nguyễn Lê Tùng ra trấn giữ đảo Trần. Mỗi lần họ gặp nhau, ngoài những câu chuyện riêng tư là chuyện công việc sát sườn, thường nhật liên quan trực tiếp tới sự nghiệp của hai con người cùng chí hướng.
Chuyến công tác đảo Trần lần này của Thượng úy Hoàng Trí Dũng và đồng nghiệp lịch trình lại phủ kín thời gian. Họ phải tới từng nhà, lên từng tàu nắm tình hình sản xuất, đời sống của các hộ; tuyên truyền nhiệm vụ mới về bảo vệ an ninh trật tự. Hoàn tất các thủ tục cấp căn cước cho những công dân đang còn thiếu, đặc biệt là những ngư dân thường xuyên đi đánh cá xa bờ. Đồng thời trao đổi thông tin nghiệp vụ, đánh giá hoạt động phối hợp giữa lực lượng công an và bộ đội biên phòng trên đảo, xử lý tại chỗ những bất cập, giữ cho đảo luôn là một pháo đài an ninh vững chãi.
Mong ước một diện mạo mới
Được ví như “Trường Sa biển Đông Bắc”, đảo Trần đúng như tên gọi của mình: sóng gió, hoang vu và khắc nghiệt. Chị Nguyễn Thị Cảnh - Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Trần nhớ lại: Năm 2006 chị đã đưa cả gia đình đến đây sinh sống. Cháu Hoàng Nguyễn Việt Anh, 10 tuổi, con trai thứ 2 của chị là đứa trẻ đầu tiên được sinh ra trên đảo.
Gần 10 năm sau, 15 hộ gia đình tiếp tục tới đây định cư. Các hộ gia đình sống trên đảo hiện nay đa phần làm nghề đi biển, chỉ có 2 hộ kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá. Đời sống của mọi nhà đã khác xưa nhiều. Họ bắt đầu nuôi gia cầm, cải tạo đất sỏi để làm vườn, có nhà đã đào được giếng...
Anh Nguyễn Văn Định, một trong những người đầu tiên di dân ra đảo Trần khẳng định với chúng tôi: “Cuộc sống ở đây chủ yếu phát triển về biển, mặc dù còn khó khăn về kinh tế, công việc nhưng tôi cũng quyết tâm bám biển, bám đảo. Mọi người sống được thì tôi cũng cố gắng bám đảo, bám biển để sống được”.
Hơn bao giờ, công tác phối hợp giữa lực lượng công an, bộ đội biên phòng và ngư dân trên đảo không ngừng được củng cố, đặc biệt trong lĩnh vực trao đổi, cung cấp thông tin, bảo vệ trật tự an ninh lãnh hải. Năm 2018 và 10 tháng đầu năm 2019, Đồn Biên phòng đảo Trần đã tổ chức gần 100 cuộc tuần tra với 470 lượt cán bộ chiến sĩ, ngăn chặn, xua đuổi nhiều lượt tàu thuyền đánh cá nước ngoài xâm phạm vùng lãnh hải.
Ông Trần Như Long, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô cho biết: Đảo Trần nằm rất xa trung tâm huyện. Mặc dù cách xa về địa lý và đời sống ở đó còn khó khăn nhưng công an huyện đã tích cực bám địa bàn phối hợp cùng với các lực lượng giữ gìn an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội. Hình ảnh những người chiến sĩ công an cùng nhân dân bám biển tham gia chung tay hỗ trợ phát triển kinh tế trên đảo là một hình ảnh rất đẹp trong lòng nhân dân của Cô Tô nói chung và đảo Trần nói riêng.
Diện mạo của đảo Trần vẫn mỗi ngày một đổi mới. Ngoài hệ thống nhà ở kiên cố, các gia đình đều đã được chính quyền hỗ trợ xây dựng hoàn chỉnh các bể chứa nước ngọt để định cư lâu dài. Bên cạnh cụm máy phát điện chạy dầu, cuối năm 2018, đảo Trần tiếp tục được đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày.
Tuy nhiên, cuộc sống trên đảo vẫn chưa hẳn đã lấp đầy những khoảng trống. Đặc biệt là điều kiện cư dân hạn chế, học sinh phải học ghép từ lớp 1 đến lớp 5 vào một lớp. Vì vậy, vấn đề tiếp cận đối với chương trình giáo dục quốc gia đang trở nên cấp thiết...
“Tôi nói thật với chú chứ vấn đề điện nước ở đây rất là khó khăn nhưng y tế còn khó khăn hơn, ví dụ như trường hợp bị cấp cứu mà trời yên biển lặng còn đi được, nếu gặp hôm sóng gió thì quả thật không biết tính sao. Người lớn còn chịu được, trẻ em chúng chịu làm sao nên bà con rất lo vấn đề đấy”.
Chị Nguyễn Thị Cảnh, Trưởng thôn Trần tâm sự. Còn anh Phạm Văn Lý, cư dân đảo Trần thì mong muốn các cấp lãnh đạo quan tâm hơn tới bà con, cũng như ngư dân đi biển có được cái âu tàu rộng hơn để tránh trú bão và neo đậu tàu thuyền.
Tỉnh Quảng Ninh vẫn đang xúc tiến một loạt chương trình đầu tư cho chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đảo Trần. Năm 2019 bắt đầu tiến hành xây dựng giai đoạn 1 gồm bến cập tàu tránh bão kết hợp bến cá và nạo vét khu neo đậu tàu thuyền, lắp đặt hệ thống báo hiệu luồng với mức kinh phí 32,1 tỉ đồng. Giai đoạn 2, thiết lập hệ thống đê chắn sóng với tổng đầu tư 100 tỷ đồng. Cùng với đó là đưa điện lưới quốc gia ra đảo, cải thiện điều kiện y tế, giáo dục, tiếp tục chương trình di dân ra đảo.
Tương lai của đảo Trần hoàn toàn là một bức tranh đã trong tầm tay. Bức tranh của ngày mai ấy đang được chính lớp người tiền trạm: Trưởng thôn Nguyễn Thị Cảnh, Ngư dân Nguyễn Văn Định, cô giáo Nguyễn Thị Hoa, Thượng úy Biên phòng Nguyễn Lê Tùng, Thượng úy công an Hoàng Trí Dũng... cùng cư dân trên đảo, những gương mặt kiên trung, tươi sáng, mỗi người một phong cách làm nên.
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/bam-bien-giu-dao-tran-577931/