Bám cơ sở thực hiện 'Dân vận khéo'

Phong trào 'Dân vận khéo' được các đơn vị lực lượng vũ trang trong tỉnh cụ thể hóa bằng các mô hình thiết thực, được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy đánh giá cao.

Đồn Biên phòng Cửa khẩu Thuận An giúp dân đưa gà giống về nhà

Đồn Biên phòng Cửa khẩu Thuận An giúp dân đưa gà giống về nhà

Hướng đến người dân

Ông Phan Ngọc Tín, trú tại thôn Cổ Bi 3, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền thuộc diện hộ nghèo. Vợ mất sớm, một mình ông nuôi 3 con ăn học, lại sống trong ngôi nhà tạm bợ, xuống cấp. Thấu hiểu trước hoàn cảnh đó, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương chung tay, góp sức xây dựng nhà ở cho cha con ông Tín.

Ngày khởi công xây dựng nhà, ông Tín xúc động: “Khó khăn khác trong cuộc sống có thể khắc phục, nhưng để đủ kinh phí xây dựng được một ngôi nhà kiên cố, chắc chắn, ấm về mua đông, mát về mùa hè thì tôi không thể. Được hỗ trợ xây dựng nhà, gia đình tôi rất xúc động. Tôi thực sự cảm ơn Bộ CHQS tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm, hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với gia đình”.

Thượng tá Trương Viết Hải, Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh thông tin: Từ đầu năm 2024 đến nay, Bộ CHQS tỉnh phối hợp với các địa phương khảo sát, lựa chọn và tổ chức khởi công xây dựng 1 “Nhà đồng đội”, 31 nhà “Đại đoàn kết”, 8 “Nhà tình nghĩa” tặng gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, với tổng số tiền trên 2,2 tỷ đồng. Việc xây dựng nhà tặng các hộ dân khó khăn là một trong những việc làm ý nghĩa, thiết thực nhằm cụ thể hóa phong trào “Dân vận khéo” của toàn lực lượng trong đơn vị.

Nhiều hộ dân trên địa bàn xã Hải Dương (TP. Huế) đã ghi nhận việc làm của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Thuận An thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh khi đơn vị trao tặng 600 con gà giống trong chương trình “Đàn gà cho em”.

Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Thuận An - Trung tá Lê Văn Tuấn cho biết: “Trước đó, chúng tôi đã triển khai mô hình “Đàn vịt khăn quàng đỏ” bằng việc trao tặng 600 con vịt giống cho 15 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Phú Thuận, huyện Phú Vang. Thấy hiệu quả nên đơn vị tiếp tục thực hiện mô hình “Đàn gà cho em” để hỗ trợ sinh kế, giúp cho các hộ gia đình phát triển thêm kinh tế; từ đó, có thêm kinh phí để trang trải việc học tập cho con em họ”.

Ban Dân vận Tỉnh ủy đánh giá, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch, tham mưu; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương bằng các mô hình, công trình, việc làm cụ thể, đem lại hiệu quả cao. Điển hình như mô hình “Quỹ con giống trao sinh kế cho người nghèo”, “Tay kéo Biên phòng”, “Biên cương xanh”, “Thư viện quân dân”. Đầu năm 2024 đến nay, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã phối hợp hỗ trợ xây dựng 2 nhà “Đại đoàn kết”, 3 “Mái ấm tình thương” cho gia đình và hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện A Lưới.

Từ mô hình “Mẹ đỡ đầu”, Ban Phụ nữ Công an tỉnh, hội phụ nữ công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã hỗ trợ, giúp đỡ nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục vươn lên trong học tập và cuộc sống.

“Năm 2022 đến nay, Ban Phụ nữ Công an tỉnh và các cấp hội trực thuộc nhận đỡ đầu 42 cháu là trẻ mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên toàn tỉnh, với mức hỗ trợ từ 300 – 550 nghìn đồng/tháng. Không chỉ đỡ đầu về vật chất, chúng tôi luôn phân công cán bộ, chiến sĩ về trực tiếp để kịp thời chia sẻ, động viên các cháu trong cuộc sống, học tập như những người mẹ thực thụ”, Trung tá Trần Thị Minh Hiền, Trưởng ban Phụ nữ Công an tỉnh cho biết.

Cùng với mô hình “Mẹ đỡ đầu”, nhiều phong trào thi đua “Dân vận khéo” được Công an tỉnh đến cơ sở triển khai thực hiện mang lại hiệu quả cụ thể, thiết thực như: Mô hình “Em nuôi của đoàn”, “Nồi cháo yêu thương”…

Nâng cao hiệu quả công tác dân vận

UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Chí Tài khẳng định, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh là những đơn vị đi đầu trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” luôn được cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang từ tỉnh đến cơ sở tập trung triển khai thực hiện bằng những mô hình cụ thể và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Các mô hình triển khai trên tinh thần đồng thuận của người dân và vì người dân mà triển khai thực hiện.

Toàn tỉnh trên đà phát triển theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, nên rất nhiều việc phải làm và rất cần đến công tác dân vận. Dân vận để người dân đồng thuận, đồng tình, hưởng ứng cùng cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, nhất là các chủ trương, dự án lớn của tỉnh, trong đó, có giải phóng mặt bằng.

Lời dạy sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” đã được chứng minh từ thực tế.

Đến nay, toàn tỉnh đã đăng ký 1.812 mô hình “Dân vận khéo”. Việc triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao, tạo được sự lan tỏa sâu rộng trong xã hội; góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Bài, ảnh: PHONG ANH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/bam-co-so-thuc-hien-dan-van-kheo-145680.html