Bám sát đáp án nhưng không máy móc
Thời điểm này, hầu hết các địa phương đã và đang triển khai công tác chấm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) 2021 đợt 1. An toàn phòng dịch, chấm thi đúng quy chế, minh bạch, công bằng cho mọi thí sinh là điều cán bộ chấm thi và hội đồng chấm thi hướng tới.
Công tác phòng, chống dịch Covid-19 thực hiện nghiêm tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.
Quy trình chấm chặt chẽ
Ngay sau khi kết thúc kỳ thi đợt 1, công tác tổ chức chấm thi, thanh tra kỳ thi đã được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Bắc Giang tiến hành theo kế hoạch và Quy chế thi của Bộ GD&ĐT. Ông Bạch Đăng Khoa, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang cho biết: Việc chấm thi đảm bảo theo nguyên tắc an toàn, nghiêm túc, khách quan, đúng quy chế. Ban chấm thi tự luận thực hiện việc nghiên cứu đáp án, hướng dẫn chấm của Bộ GD&ĐT, đặt ra các tình huống để thống nhất cách chấm, tổ chức chấm thi theo đúng đáp án và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Để thực hiện tốt công tác chấm thi tự luận theo kế hoạch đã đề ra, Sở GD&ĐT tỉnh An Giang huy động 140 cán bộ tham gia, trong đó có 124 cán bộ chấm thi, chia làm 8 tổ chấm và 1 tổ chấm kiểm tra. Ông Nguyễn Quốc Khanh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh An Giang cho hay: Trừ những đơn vị nằm trong khu vực giãn cách do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sở huy động tất cả giáo viên dạy lớp 12 của các trường THPT chuyên và không chuyên của 7 huyện, thị, thành phố tham gia chấm thi. Do đó, tất cả giáo viên các đơn vị THPT đều tham gia chấm thi, bảo đảm khách quan, công bằng cho tất cả thí sinh.
Với phương châm “chấm đúng” chứ không phải “chấm trúng” đã được nhất quán và triển khai tại Hội đồng chấm thi môn Ngữ văn tỉnh Quảng Ngãi. Cô Nguyễn Thị Ái Hằng, giám khảo chấm thi, Tổ trưởng tổ Ngữ văn Trường THPT Lê Trung Đình (Quảng Ngãi) cho biết: "Trước khi chấm chính thức, Sở GD&ĐT tỉnh đã tổ chức một buổi để toàn hội đồng chấm thi thảo luận, thống nhất đáp án, trên cơ sở bám sát đáp án, hướng dẫn chấm của Bộ GD&ĐT, đồng thời có độ mở để phù hợp với thực tế bài làm của thí sinh. 10 bài thi được rút xác suất, chấm chung toàn hội đồng để tiếp tục thảo luận, điều chỉnh và thực hiện trong suốt đợt chấm. Cách làm này giúp giám khảo chấm chính xác hơn, tránh độ lệch lớn giữa các giám khảo. Môn Văn là môn xã hội, mang tính nghệ thuật cao, khi thí sinh diễn đạt đúng, hợp lý thì mình cho điểm chứ không nhất thiết phải trúng ý như đáp án, như vậy sẽ máy móc".
Nhấn mạnh đến nguyên tắc phải bảo đảm quyền lợi chính đáng của thí sinh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương tuân thủ quy trình chấm thi nghiêm túc. Theo lãnh đạo Bộ, đáp án, thang điểm là quy định cụ thể, nhưng hướng dẫn chấm mới là căn cứ quan trọng giúp giám thị dựa vào để chấm trong các tình huống bài làm khác nhau của thí sinh. Những bài làm không hoàn toàn đúng với ý nêu trong đáp án nhưng có nội dung tương đương, có cách triển khai lập luận chặt chẽ, thuyết phục và sáng tạo thì giám thị vẫn cho điểm.
Xét nghiệm Covid-19 trước khi chấm thi
Bên cạnh khâu an ninh, bảo mật trong chấm thi, việc thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 cũng được các địa phương hết sức coi trọng. Nhiều địa phương đã triển khai các quy tắc riêng phù hợp với đặc thù của địa phương và diễn biến khó lường của dịch. Theo ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, giáo viên xét nghiệm trước khi chấm thi và cứ 5 ngày xét nghiệm một lần. Mỗi phòng chấm thi giám khảo không quá 10 người. Tất cả giám khảo đều đeo kính chống giọt bắn, khẩu trang và găng tay y tế. Năm nay, ngoài ban thực hiện công tác chấm thi, Sở thành lập ban phòng, chống Covid-19 của hội đồng chấm thi, chuyên nhắc nhở giáo viên kiểm tra công tác an toàn phòng, chống dịch.
Năm nay trong bối cảnh phức tạp của dịch Covid-19, Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang đã bố trí chỗ ăn, nghỉ tập trung cho tất cả cán bộ chấm thi tại Trường THPT chuyên Bắc Giang, bảo đảm an toàn phòng dịch ở mức cao nhất. Ông Bạch Đăng Khoa cho biết: 100% cán bộ tham gia được xét nghiệm Covid-19, hai lần vào ngày 9 và 14-7. Còn ở An Giang, tình hình dịch cũng phức tạp không kém, đúng thời điểm chấm thi, ngày 11-7, toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong vòng 15 ngày. Do đó, ban chấm thi cũng nghiêm túc thực hiện việc giãn cách...
Theo quy định, ngày 24-7 các địa phương phải cơ bản chấm thi xong để tiến hành ghép điểm, nhập dữ liệu. Ngày 26-7 phải công bố kết quả chấm thi đợt 1. Chậm nhất ngày 28-7, các tỉnh, thành hoàn thành xét tốt nghiệp THPT, gửi dữ liệu điểm thi lên hệ thống quản lý thi và báo cáo kết quả thi tốt nghiệp về Bộ GD-ĐT trước ngày 30-7.