Bám sát mục tiêu nâng chất đời sống nông dân
Ở giai đoạn 'hậu' nông thôn mới (NTM), Đồng Nai tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư cho vùng nông thôn với mục tiêu hoàn thành NTM nâng cao vào năm 2025 và tiếp đó là NTM kiểu mẫu.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng khẳng định, mọi ưu tiên đầu tư xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đều phải bám sát mục tiêu tăng thu nhập cho nông dân, để đời sống của người dân nông thôn không ngừng được nâng cao. Trong đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị xây dựng nông thôn Đồng Nai giàu mạnh, công bằng, văn minh.
* Phát triển nông nghiệp bền vững
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn như dịch tả heo châu Phi, thiên tai và gần đây nhất là ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến xuất khẩu nông sản giảm sút, các mặt hàng nông sản đồng loạt giảm giá.
Theo Chủ tịch UBND H.Tân Phú Võ Tuấn Dũng, năm qua tiêu chí thu nhập bình quân của người dân nông thôn một số nơi có chững lại do nhiều nguyên nhân khách quan như thiệt hại từ dịch tả heo châu Phi, nhiều loại nông sản rớt giá. Địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm khắc phục khó khăn trên như: tiếp tục chuyển đổi cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao hơn; thu hút phát triển ngành chế biến sâu và bảo quản sau thu hoạch để gia tăng giá trị nông sản và chủ động được về thị trường; khai thác thế mạnh về du lịch sinh thái, du lịch vườn…
Trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, các địa phương của Đồng Nai không chọn thực hiện kiểu mẫu với các tiêu chí dễ dàng mà chọn giải quyết những vấn đề còn hạn chế, khó khăn cố hữu của ngành Nông nghiệp và bám sát theo mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng sống cho người dân nông thôn.
H.Xuân Lộc là một trong 4 huyện của cả nước được Trung ương chọn làm điểm huyện NTM kiểu mẫu theo hướng “Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững”. Qua 3 năm triển khai, hiện Xuân Lộc đã hoàn thành 19/29 chỉ tiêu của 6 nhóm tiêu chí huyện NTM kiểu mẫu. Chủ tịch UBND H.Xuân Lộc Nguyễn Thị Cát Tiên cho biết, địa phương sẽ phát huy tối đa nội lực, huy động hợp lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xây dựng NTM. Trong đó, huyện đặc biệt chú trọng thực hiện các nhiệm vụ phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, có quy mô hàng hóa lớn.
Cùng quan điểm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Lộc (TP.Long Khánh) Đoàn Thạch Nam chia sẻ, Bình Lộc đang phấn đấu đạt xã NTM kiểu mẫu trong năm 2020. Trong đó, xã chú trọng chuyển hướng sản xuất an toàn và nhân rộng các mô hình vườn cây kiểu mẫu, gắn sản xuất với phát triển du lịch sinh thái giúp nông dân làm giàu. Chương trình này còn góp phần thay đổi nhận thức của nông dân trong việc chú trọng chuyển hướng sản xuất sạch, an toàn để nông sản có thể đạt chuẩn xuất khẩu vào những thị trường khó tính nhất.
* Nhiều chính sách đột phá
Với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng chuyên canh, tập trung, hiện đại, bền vững, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, Đồng Nai đang triển khai hàng loạt chương trình, đề án nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nông nghiệp đô thị, nông nghiệp hội nhập…
Cụ thể, đề án Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế được UBND tỉnh phê duyệt vào năm 2019 đã xác định được 7 nhóm mặt hàng nông sản gồm: cà phê, điều, tiêu, heo, gà, trái cây, sản phẩm gỗ. Đây là nhóm sản phẩm có lợi thế, thế mạnh của tỉnh để tập trung các giải pháp hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó, các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh đóng vai trò kiến tạo để giúp người sản xuất và doanh nghiệp có thể chuyển đổi và định hướng phát triển phù hợp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; tập trung phát triển các sản phẩm và phân khúc thị trường có lợi thế cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu, xây dựng các kênh phân phối bền vững, giữ vững thị trường trong tỉnh, trong nước, bảo vệ sinh kế cho người dân sản xuất nông nghiệp.
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng là giải pháp rất quan trọng để thực hiện nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong xây dựng NTM của Đồng Nai. Chương trình OCOP đã thực sự khuyến khích nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng như HTX tích cực khai thác tiềm năng của các đặc sản nông thôn với mục tiêu xây dựng những thương hiệu lớn cho nông sản địa phương. Kết quả, đến nay, Đồng Nai đã có 46 sản phẩm được chứng nhận OCOP. Trong đó, nhiều sản phẩm truyền thống, thế mạnh của địa phương vươn ra khỏi “lũy tre làng”, được cả thị trường nội địa và xuất khẩu biết tiếng.
Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Lâm Sinh, Đồng Nai sẽ tích hợp nhiều chương trình, đề án trong lĩnh vực nông nghiệp để cùng thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với sự phát triển của xã hội và bảo vệ môi trường. Qua đó, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, chủ động ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu và các yêu cầu đặt ra trong hội nhập. Các đề án nông nghiệp trên đều có những chính sách hỗ trợ thiết thực cho nông dân, HTX, doanh nghiệp tham gia chương trình. Trên tinh thần chung đó, mỗi địa phương sẽ bám sát vào tình hình thực tế, khai thác những đặc trưng và lợi thế riêng để phát triển.