Bám sát, nắm chắc để kịp thời giúp dân

'Thống kê sơ bộ, đến thời điểm này có khoảng 12.000 khách hàng của chúng tôi bị ảnh hưởng với dư nợ ước khoảng 21.000 tỷ đồng và chắc chắn con số này sẽ không dừng lại ở đây. Chúng tôi đang bám sát địa bàn, nắm tình hình để kịp thời giúp bà con khắc phục hậu quả, yên tâm sản xuất kinh doanh…' - Phó Tổng giám đốc Agribank Phùng Thị Bình chia sẻ.

Phó Tổng giám đốc Agribank Phùng Thị Bình

Phó Tổng giám đốc Agribank Phùng Thị Bình

- Bà có thể cho biết, thống kê ban đầu về số khách hàng của Agribank bị thiệt hại do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra?

- Như các bạn đã biết, bão số 3 đã gây ảnh hưởng lớn đến hầu hết các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là các địa phương ở ven sông Hồng và Hà Nội. Theo thống kê sơ bộ của chúng tôi, đến nay, có khoảng 12.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi con bão số 3 và các thiên tai sau bão. Dư nợ bị ảnh hưởng ước tính khoảng 21.000 tỷ đồng.

 Phó Tổng giám đốc Agribank Phùng Thị Bình

Phó Tổng giám đốc Agribank Phùng Thị Bình

Tuy nhiên, con số này sẽ còn nữa bởi tại nhiều địa phương, giao thông bị chia cắt, mất điện, mất liên lạc nên mọi thiệt hại vẫn chưa xác định chính xác.

Đến ngày 13.9.2024, toàn hệ thống Agribank đã ủng hộ 17,6 tỷ đồng hỗ trợ công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Cùng ngày, Công đoàn Agribank phát động toàn thể cán bộ, người lao động Agribank quyên góp 01 ngày lương – ước tính hơn 20 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương, người dân vượt qua khó khăn.

- Ngân hàng đã có những hoạt động hỗ trợ người dân ra sao, thưa bà?

- Chúng tôi là những người làm việc trực tiếp với khách hàng nên thấu hiểu được những khó khăn của họ. Đại dịch Covid -19 vốn đã gây nhiều khó khăn cho bà con, nay trận bão này khiến mọi thứ khó khăn hơn rất nhiều.

Ngay khi bão số 3 đi qua, chúng tôi đã lập các đoàn công tác tỏa đi các địa phương bị ảnh hưởng, chỉ đạo tất cả chi nhánh triển khai tất cả các giải pháp hỗ trợ cho khách hàng như miễn giảm lãi, cơ cấu nợ, cho vay mới… để giúp người dân có thể yên tâm và phục hồi sản xuất, kinh doanh nhanh nhất.

Dự kiến, ngay từ tuần sau, chúng tôi sẽ áp dụng giảm lãi suất từ 0,5 - 2% (trên lãi suất đang áp dụng) cho khách hàng tùy theo mức độ thiệt hại.

Ngoài các chính sách riêng của mình, chúng tôi đang hỗ trợ khách hàng theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP. Theo đó, đối với các khách hàng ở địa phương bị ảnh hưởng trên diện rộng thì sẽ hướng dẫn khách hàng xác định thiệt hại, hoàn thiện hồ sơ và cùng với chính quyền địa phương trình Thủ tướng ra quyết định khoanh nợ cho khách hàng; phân loại nợ và cơ cấu nợ cho khách hàng theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN.

Tuy nhiên, với bối cảnh thiên tai lũ lụt bất thường hiện nay, chắc chắn cần phải có chính sách phù hợp hơn. Đơn cử, Thông tư 02/2023/TT-NHNN có sửa đổi về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn, được áp dụng đến ngày 31.12.2024 và áp dụng cho các khoản giải ngân trước ngày 24.4.2023. Như vậy, sẽ rất thiệt thòi cho bà con nếu khoản vay của họ được giải ngân sau 24.4.2023.

- Việc gia hạn nợ có ý nghĩa thế nào đối với khách hàng, thưa bà? Và nếu người dân muốn được vay thêm để sản xuất, kinh doanh (trong khi khoản vay cũ vẫn còn) thì Ngân hàng có đáp ứng?

- Việc kéo dài thời hạn nợ, cơ cấu lại nợ sẽ giúp bà con rất nhiều trong thời điểm khó khăn, ít nhất là cho họ có thêm thời gian thu xếp, tạo ra nguồn thu để trả nợ cho ngân hàng.

Còn trong trường hợp bà con đang có dư nợ tại Agribank, không may bị mất hết tài sản nhưng muốn tiếp tục vay thêm khoản mới thì Agribank hoàn toàn có quyền cho vay không có bảo đảm, miễn là chúng tôi phải quản lý và có cơ sở về nguồn thu của khách hàng. Song, mức vay và thời hạn vay chúng tôi sẽ dựa trên tình hình cụ thể của từng đối tượng để quyết định.

- Sau mỗi sự cố thiên tai, môi trường hay dịch bệnh thường sẽ có rất nhiều tình huống/trường hợp đặc biệt xảy ra. Làm thế nào để có chính sách hỗ trợ người dân khu vực tam nông một cách hiệu quả nhất, thưa bà?

- Sau những thiệt hại do bão số 3 gây ra, thiết nghĩ bà con nên xem xét tới việc mua bảo hiểm để giảm thiểu thiệt hại khi không may xảy ra rủi ro. Chúng tôi có bảo hiểm cho tất cả các tài sản nông nghiệp như cây trồng, gia súc.

Đặc biệt, sau bão lũ có nhiều trường hợp/tình huống khác nhau xảy ra, ngoài nguồn lực từ các ngân hàng thì cũng cần các nguồn lực, sự đồng bộ chính sách của Nhà nước như giảm thuế, giảm phí bảo hiểm… để giúp bà con mau chóng hồi phục, yên tâm sản xuất, kinh doanh.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Thái Bình thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bam-sat-nam-chac-de-kip-thoi-giup-dan-post390249.html