Tác động của bão số 3 đến giá cả các mặt hàng mang tính ngắn hạn
Trả lời phỏng vấn Tạp chí Tài chính liên quan tới giá cả các mặt hàng sau bão số 3, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, tác động của bão số 3 đến giá cả các mặt hàng chủ yếu mang tính ngắn hạn và cục bộ tại một số địa phương.
Phóng viên: Xin ông cho biết những điểm nhấn nổi bật trong kiểm soát lạm phát 8 tháng năm 2024?
TS. Nguyễn Đức Độ: Các số liệu mới được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, về tổng thể, tốc độ tăng giá cả trong 8 tháng đầu năm 2024 ở mức vừa phải. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2024 chỉ tăng 1,89% so với cuối năm 2023, tức là trung bình tăng khoảng 0,24%/tháng. Đây cũng là mức trung bình trong 10 năm qua.
Kết quả này đạt được một phần do tốc độ tăng cung tiền và tín dụng thời gian qua chưa cao, trong khi lãi suất được duy trì ở mức thực dương.
Mặc dù trong những tháng đầu năm 2024 tỷ giá tăng mạnh và gây áp lực lên giá hàng hóa nhập khẩu, nhưng từ giữa năm tỷ giá đã giảm trở lại và có thể tiếp tục giảm khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất.
Mặt khác, giá xăng dầu trên thế giới và trong nước có xu hướng giảm trong thời gian gần đây cũng hỗ trợ tích cực cho việc kiềm chế tốc độ tăng của chỉ số CPI.
Phóng viên: Sau cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ, đặc biệt là hoàn lưu bão đã gây hậu quả nặng nề ở một số địa phương, gây thiệt hại lớn về hoa màu, vật nuôi. Giá cả hàng hóa các mặt hàng trên thị trường sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào từ cơn bão này, thưa ông?
TS. Nguyễn Đức Độ: Bão số 3 đã gây ra thiệt hại nặng nề tại một số địa phương ở miền Bắc và khiến cho nguồn cung một số hàng hóa như rau xanh, bị gián đoạn. Điều này đã khiến giá cả tăng ngay sau khi bão tan.
Nếu các cơ quan quản lý Nhà nước không thực hiện các điều chỉnh về giá điện, giá dịch vụ y tế, giáo dục, thì lạm phát trung bình năm 2024 sẽ xoay quanh mức 3,5%. Còn nếu thực hiện điều chỉnh, thì các cơ quan quản lý sẽ phải tính toán để lạm phát trung bình cả năm 2024 vẫn đạt mục tiêu đã đề ra.
Tuy nhiên, các tác động của bão số 3 đến giá cả các mặt hàng trên thị trường chủ yếu mang tính ngắn hạn và cục bộ tại một số địa phương. Nguồn cung rau xanh có thể phục hồi sau một vài tuần. Nguồn cung thực phẩm có thể kéo dài lâu hơn một chút.
Về lương thực, Việt Nam có dự trữ lương thực khá lớn nên khi hệ thống giao thông được kết nối lại, nguồn cung cũng sẽ phục hồi theo.
Bên cạnh đó, việc tu sửa cơ sở hạ tầng có thể khiến nhu cầu về vật liệu xây dựng tăng cao trong thời gian tới, nhưng khả năng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến giá cả, bởi nguồn cung vẫn dồi dào trong bối cảnh thị trường bất động sản chưa phục hồi. Đó là chưa kể nguồn cung sắt thép từ Trung Quốc vẫn đang dư thừa.
Phóng viên: Để đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát đã đề ra, trong thời gian tới cần tập trung triển khai các giải pháp nào, thưa ông?
TS. Nguyễn Đức Độ: Từ giờ cho đến cuối năm chỉ còn chưa đến 4 tháng. Bởi vậy, các thay đổi về tiền tệ, tỷ giá, tăng trưởng kinh tế sẽ không ảnh hưởng nhiều đến lạm phát trong thời gian còn lại của năm 2024, vì các tác động sẽ có độ trễ.
Chính sách có tác động nhanh và mạnh tới lạm phát thời gian tới chính là việc điều chỉnh giá các hàng hóa do Nhà nước quản lý.
Nếu các cơ quan quản lý Nhà nước không thực hiện các điều chỉnh về giá điện, giá dịch vụ y tế, giáo dục, thì lạm phát trung bình năm 2024 sẽ xoay quanh mức 3,5%.
Còn nếu thực hiện điều chỉnh giá cả các mặt hàng này, thì các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ phải tính toán để lạm phát trung bình cả năm 2024 vẫn đạt mục tiêu đã đề ra.