Bám sát, theo đến cùng việc giải quyết kiến nghị của cử tri

Thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, một số đại biểu Quốc hội nêu rõ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cần tăng cường giám sát và thực hiện thường xuyên công tác giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri.

Nghiên cứu giải quyết thỏa đáng những vấn đề cử tri quan tâm

Đánh giá cao Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, thời gian qua, nhìn chung các kiến nghị của cử tri đã được Chính phủ, các bộ, ngành trung ương tập trung nghiên cứu giải quyết, thể hiện trách nhiệm cao trong công tác quản lý nhà nước. Việc tiếp thu, nghiên cứu và giải quyết các kiến nghị của cử tri đã góp phần tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định trật tự an toàn xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Một số kiến nghị của cử tri đã được bộ, ngành nghiên cứu giải đáp đầy đủ hoặc đưa ra giải pháp thiết thực nhằm giải quyết những vấn đề mà cử tri quan tâm.

Đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải (Thanh Hóa) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải (Thanh Hóa) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa) nhấn mạnh, đây là lần thứ hai Quốc hội thực hiện giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp. Sau khi thảo luận kết quả giám sát tại Kỳ họp thứ Năm, việc giải quyết các kiến nghị của cử tri đạt kết quả tốt hơn, tinh thần trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan trong giải quyết các kiến nghị của cử tri được nâng lên. Nhiều kiến nghị của cử tri được xem xét, giải quyết đạt tỷ lệ cao, như báo cáo nêu là 99,5%. Trong đó, có những kiến nghị đã kéo dài, như việc sửa đổi Nghị định 146 về thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, tập trung tháo gỡ vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu thuốc, thiết bị vật tư y tế; sửa đổi Nghị định 27 về cơ chế quản lý các Chương trình mục tiêu quốc gia; những vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, triển khai đồng loạt nhiều dự án đường cao tốc, đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành một số tuyến đường cao tốc, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng đường cao tốc được nhiều địa phương và Nhân dân rất đồng tình ủng hộ. Nhiều kiến nghị của cử tri được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương xem xét, nghiên cứu, giải thích, giải quyết, cung cấp thông tin một cách kịp thời; có những bộ, ngành xem xét giải quyết trong thời gian rất ngắn, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao.

Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) ghi nhận, tại báo cáo giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rất thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, những vụ việc cụ thể chưa được giải quyết, thực hiện; có những kiến nghị đã được đưa ra tại nhiều kỳ họp qua nhiều khóa Quốc hội nhưng đến nay vẫn chưa được xem xét và giải quyết triệt để, tạo sự mong chờ của cử tri và Nhân dân. Đại biểu khẳng định, việc Quốc hội đưa nội dung giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri và Nhân dân vào chương trình thảo luận tại nghị trường cho thấy, hoạt động của Quốc hội ngày càng đổi mới, thiết thực góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật, lấy quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân làm trung tâm.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Bên cạnh những kết quả đạt được, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cũng cho rằng, vẫn còn một số vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị nhiều lần, được bộ, ngành trung ương ghi nhận để xem xét giải quyết, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả thỏa đáng. Một số kiến nghị của cử tri được các bộ, ngành ghi nhận là đúng thực tế, được các bộ, ngành tiếp thu, ghi nhận nhưng cách thức triển khai quá lâu, người dân mòn mỏi chờ.

Đại biểu Quốc hội Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Đại biểu Quốc hội Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) nêu thực tế, một số kiến nghị của cử tri gửi đến các bộ, ngành với mong muốn các bộ, ngành sẽ có các giải pháp cụ thể và quyết liệt thực hiện để giải quyết vấn đề cử tri kiến nghị, tuy nhiên, lại chỉ nhận được câu trả lời về các giải pháp đã thực hiện. Đại biểu cho rằng, nếu các giải pháp đã thực hiện có hiệu quả thì cử tri sẽ không tiếp tục có kiến nghị nữa.

Khắc phục tình trạng cử tri kiến nghị nhiều lần nhưng không được giải quyết

Tỷ lệ giải quyết kiến nghị cử tri của các bộ, ngành mang tính chất giải trình và cung cấp thông tin còn chiếm tỷ lệ rất cao, tới 82,8% tổng kiến nghị của cử tri xem xét, giải quyết, trả lời. Trong khi đó, kiến nghị của cử tri được các bộ, ngành xem xét, giải quyết chỉ có 4,3% tổng số kiến nghị của cử tri được xem xét, giải quyết. Nêu thực tế này, đại biểu Mai Văn Hải cho rằng, mặc dù việc các bộ, ngành giải trình, cung cấp thông tin là rất cần thiết nhưng cử tri mong muốn, đối với những kiến nghị có căn cứ thực tiễn, thì cần được xem xét giải quyết nhằm có kết quả cụ thể. Trên thực tế, vẫn còn hiện tượng trả lời chung chung chưa thật sự thuyết phục, nhiều bộ, ngành còn chậm trong trả lời giải quyết kiến nghị cử tri. Trách nhiệm của các địa phương, một số nơi chưa được đề cao để cử tri kiến nghị nhiều lần, thậm chí có việc chuyển thành đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Từ những vấn đề nêu trên, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị rà soát quy định của Chính phủ, đề cao trách nhiệm của các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ, các địa phương trong việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết kiến nghị của cử tri theo đúng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm và thời gian giải quyết, không để tình trạng kéo dài và trong xem xét, giải quyết các kiến nghị của cử tri cần xem xét cụ thể thực tế các kiến nghị để có phương án giải quyết. Đại biểu Mai Văn Hải cũng đề nghị, cần cụ thể hóa hơn nữa việc xem xét xử lý trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc đùn đẩy, né tránh, không thực hiện hoặc thực hiện thiếu trách nhiệm trong giải quyết các kiến nghị của cử tri để cử tri kiến nghị nhiều lần nhưng không được giải quyết.

Một số ý kiến đề nghị, Đoàn đại biểu Quốc hội cần tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp với HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ các cấp, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri để tổng hợp và phân loại kiến nghị đề xuất đúng thẩm quyền, trách nhiệm xem xét giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. ĐBQH Nàng Xô Vi (Kon Tum) đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tăng cường giám sát và thực hiện thường xuyên công tác giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội.

Đại biểu Đặng Thị Bích Ngọc kiến nghị, các đoàn đại biểu Quốc hội cần chủ động thực hiện sớm hoạt động tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp. Tổng hợp, phân loại chính xác các kiến nghị gửi tới các cơ quan có thẩm quyền theo quy định về thời gian và bảo đảm về nội dung. Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội tiếp tục xây dựng kế hoạch tổ chức giám sát lại những trả lời của các bộ, ngành mà thấy chưa thực hiện đúng "lời hứa"; những nội dung đòi hỏi có lộ trình thực hiện thì cần bám sát, theo đến cùng.

Nhật An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/bam-sat-theo-den-cung-viec-giai-quyet-kien-nghi-cua-cu-tri-i350749/