Bamboo Airways đã hoán đổi nợ, tăng vốn lên 26.220 tỷ đồng
Với số vốn điều lệ mới, Bamboo Airways trở thành hãng hàng không có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.
Hôm 9/5, Bamboo Airways đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường để tăng vốn điều lệ lên mức 30.000 tỷ đồng thông qua hoán đổi nợ của ông Lê Thái Sâm và phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư mới.
Hoạt động tái cơ cấu hãng bay Tre Việt diễn ra sau khi tách hoàn toàn khỏi Tập đoàn FLC và thay đổi lớn trong cơ cấu cổ đông. Hiện ông Trịnh Văn Quyết, người sáng lập hãng chỉ còn nắm giữ hơn 10% trước đợt tăng vốn.
Ngay sau đại hội 2 ngày, Bamboo Airways đã tiến hành nâng vốn lên 26.220 tỷ đồng từ mức 18.500 tỷ đồng. Khoản vốn tăng thêm tương đương với số nợ khoảng 7.720 tỷ của ông Lê Thái Sâm đã cho công ty vay từ cuối năm 2022 đến nay. Đây là khoản vay không lãi suất hoặc lãi suất rất thấp, không tài sản đảm bảo.
Với số vốn điều lệ hơn 26.000 tỷ đồng, Bamboo Airways trở thành hãng hàng không có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam so với Vietnam Airlines (khoảng 22.000 tỷ đồng) và Vietjet Air (khoảng 5.400 tỷ đồng), Vietravel Airlines(1.300 tỷ đồng).
Dù vậy cả ngành hàng không đang đối mặt với thua lỗ do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Trong năm 2021, Bamboo Airways hoạt động kinh doanh không có lãi, nên Tập đoàn FLC phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư trên 373 tỷ đồng. Số trích lập này trong năm 2022 dự kiến tăng lên 3.642 tỷ đồng.
Gần đây lãnh đạo Bamboo Airways cho biết cả năm 2023 sẽ tiếp tục lỗ và kỳ vọng có thể hòa vốn từ năm 2024. Hiện, đội bay của Bamboo Airways có 30 máy bay và đặt mục tiêu mở rộng đội bay lên 100 chiếc trong thời gian tới.
Bên cạnh Bamboo Airways, các hãng khác như Pacific Airlines, Vietravel Airlines cũng đang trong quá trình tìm kiếm thêm nguồn lực tài chính để vượt qua giai đoạn khóa khăn của thị trường hàng không.
Thậm chí, hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) hiện đang đối mặt với nguy cơ hủy niêm yết khi vừa trải qua ba năm liên tiếp báo lỗ con số chục nghìn tỷ đồng. Cụ thể, Vietnam Airlines đã ghi nhận lỗ 13 quý liên tiếp, giá trị lũy kế lỗ lên tới hơn 34.300 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines âm 10.240 tỷ đồng.
Còn Vietravel Airlines từ khi hoạt động chưa có lãi. Hãng bay cũng đang tìm kiếm nguồn vốn để tăng lên 7.642 tỷ đồng vào năm 2025. Các chủ sở hữu của Vietravel Airlines sẽ góp thêm 700 tỷ đồng, phần vốn còn lại sẽ được huy động từ các nhà đầu tư trên thị trường, cũng như tận dụng thêm các giải pháp tài chính khác.
Trong khi đó, nhờ tận dụng hiệu quả việc các quốc gia trên thế giới dần mở cửa nền kinh tế sau đại dịch, đặc biệt là thị trường lớn Trung Quốc, Vietjet Air đã có kết quả kinh doanh tích cực trở lại trong quý I/2023 với doanh thu và lãi sau thuế đạt lần lượt 12.898 tỷ đồng và 173 tỷ đồng, sau khi ghi nhận mức lỗ kỷ lục hơn 2.350 tỷ đồng ở quý 4/2022.
Cụ thể trong quý, tổng sản lượng hàng hóa Vietjet Air vận chuyển đạt hơn 14.800 tấn, tăng 20% so với cùng kỳ 2022. Vận tải hành khách quốc tế tiếp tục là điểm sáng với việc đóng góp gần 45% tổng doanh thu vận tải hành khách và chiếm 30% về số lượng chuyến bay và lượt khách.