Bamboo, Vietjet xin hỗ trợ: Bộ Giao thông vận tải nói gì?

Việc hỗ trợ các hãng hàng không bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 phải bình đẳng nhưng cần xem xét đến các yếu tố về vốn, xem xuất phát từ đâu.

Chiều 2/12, tại cuộc họp báo Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông đã trả câu hỏi liên quan đến việc hai hãng hàng không tư nhân Vietjet và Bamboo Airways xin hỗ trợ vốn.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông. (Ảnh: VGP)

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông. (Ảnh: VGP)

Theo ông Đông, hỗ trợ các hãng hàng không và các đơn vị vận tải không phải chuyên ngành hàng không như đường sắt, đường thủy… Bộ Giao thông Vận tải đều đã có phương án phối hợp giữa các bộ, ngành. Chính phủ cũng có nhiều quyết sách liên quan đến vận tải, tác động đến hoạt động của các doanh nghiệp trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19.

Đơn cử như đối với hàng không đã thông qua chính sách giảm phí, giảm thuế nhiên liệu, giãn nợ… áp dụng bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các hãng.

Về trường hợp của Vietnam Alines được hỗ trợ tài chính, ông Đông cho hay, đây là hãng hàng không quốc gia, xuất phát là doanh nghiệp nhà nước.

“Nhà nước có vốn ở Vietnam Alines, do đó bảo tồn vốn là một khía cạnh để chúng ta xem xét. Việc các hãng đề xuất hỗ trợ, tôi cho rằng phải đối xử bình đẳng nhưng cần xem xét các yếu tố về vốn xuất phát từ đâu. Tất nhiên tất cả các đề xuất đều phải xem xét kỹ lưỡng”, ông Đông nói.

Vietnam Airlines mới đây đã được Quốc hội phê duyệt phương án cho phép Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn, gia hạn để các nhà băng cho vay. Sau khi Vietnam Airline đươc Chính phủ hỗ trợ vốn vay ưu đãi, 2 hãng còn lại là Vietjet Air và Bamboo Airways cũng có đề nghị được hỗ trợ vốn.

Theo bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng giám đốc Vietjet Air, hãng này đã lỗ trong 9 tháng qua, dù đã bán, chuyển nhượng tài sản tích lũy trong nhiều năm, giảm lương tới 50 - 70% với quản lý cấp cao, trung và chỉ trả mức thu nhập tối thiểu 8 - 10 triệu đồng với người lao động.

Theo đó Vietjet xin kiến nghị Ngân hàng nhà nước xem xét hỗ trợ nguồn tái cấp vốn vay hạn mức 4.000 tỷ đồng để giải quyết thanh khoản với lãi suất ưu đãi trong thời hạn 3 - 5 năm. Sau đó, Vietjet sẽ bắt đầu trả nợ và lãi từ 2023 - 2025

Tương tự, đại diện Bamboo Airways cho hay, quy mô hãng bay này nhỏ bằng 1/3 - 1/4 so với Vietnam Airlines và Vietjet, nhưng thiệt hại do COVID-19 cũng không kém. Hãng này cũng đề xuất Quốc hội và Chính phủ xem xét gói tài chính hỗ trợ cho các hãng hàng không tư nhân như đã phê duyệt hỗ trợ cho Vietnam Airlines.

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính) cho rằng, dòng tiền của các hãng hàng không đang cạn kiệt nghiêm trọng, phải liên tục thực hiện biện pháp tái cơ cấu, tăng khoản vay ngắn hạn.

Do đó, ông Long cho rằng, sau Vietnam Airlines, Chính phủ cần cho các hãng khác vay ưu đãi để hồi phục và cũng bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Hòa Bình

Nguồn VTC: https://vtc.vn/bamboo-vietjet-xin-ho-tro-bo-giao-thong-van-tai-noi-gi-ar583402.html