Bán 1 ly cà phê phải xuất hóa đơn điện tử: Quá khó!
Quy định phải xuất hóa đơn điện tử mỗi lần cho món hàng có giá trị thấp không thực sự cần thiết, gây phiền phức và tốn kém cho cả người mua lẫn người bán hàng.
Phải xuất hóa đơn từng lần mua bán, thời điểm lập hóa đơn trong 24 giờ… là một trong những điều mà cả cơ quan quản lý nhà nước về thuế lẫn doanh nghiệp (DN) rất quan tâm. Lý do là quy định này tác động sâu rộng đến mọi DN, mọi ngành nghề, dù mỗi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh đều có đặc thù riêng.
Có thể tốn thêm hàng chục tỉ
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2020 về hóa đơn, chứng từ quy định: Các cơ sở kinh doanh thương mại bán lẻ, dịch vụ ăn uống theo chuỗi không được xuất hóa đơn cuối ngày, mà phải xuất theo từng lần mua hàng từ máy tính tiền có kết nối dữ liệu với cơ quan thuế.
Nhiều nhà kinh doanh cho rằng quy định xuất hóa đơn điện tử mỗi lần với giá trị chỉ từ vài ngàn đến 100.000 đồng/lần khiến lượng hóa đơn tăng lên đáng kể, làm phát sinh chi phí, nguồn lực cho DN.
Ông Lê Thanh Duy, Giám đốc một chuỗi quán cà phê nhượng quyền tại TP.HCM, cho biết: Hiện nay, cuối ngày bộ phận kế toán của công ty phải tổng hợp doanh thu bán hàng từ hệ thống máy tính tiền rồi xuất hóa đơn tổng chuyển cho cơ quan thuế. Quy định này thực tế cũng rất mất thời gian nhưng vẫn thực hiện tương đối dễ dàng.
“Còn nếu theo quy định tại dự thảo mới của Bộ Tài chính, bản thân tôi hiểu là cứ mỗi lần tính tiền thì phải xuất hóa đơn điện tử. Nhưng ngành dịch vụ ăn uống như quán cà phê, rất nhiều phiếu tính tiền chỉ vài chục ngàn đồng/lần/người. Lâu lâu mới có khách đi đông, hóa đơn lên đến tiền triệu. Nếu cứ xuất hóa đơn lẻ thì rất mất công, lưu trữ dữ liệu cũng rất nhiều. Vì vậy, quy định xuất hóa đơn điện tử mỗi lần cho giá trị thấp vậy thì không thực sự cần thiết, gây tốn kém và phiền phức cho nhà kinh doanh” - ông Duy nói.
Theo người phụ trách thuế của một tập đoàn lớn cho rằng, việc xuất hóa đơn theo ngày theo phương thức kết nối dữ liệu điện tử trong dự thảo đối với các cơ sở kinh doanh sẽ gây áp lực rất lớn. Vì chi phí đầu tư hệ thống công nghệ thông tin, đường truyền có thể lên tới hàng chục tỉ đồng/năm.
Hiện nay, Nghị định 123/2020 không quy định giới hạn thời gian giữa thời điểm lập hóa đơn và thời điểm ký số nên có trường hợp người bán lập hóa đơn nhưng một tuần, một tháng sau mới ký số để gửi cho người mua và cơ quan thuế.
Trong khi đó, theo dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 123/2020, trường hợp hóa đơn điện tử có thời điểm ký số khác thời điểm lập hóa đơn thì thời điểm lập hóa đơn và thời điểm ký số cách nhau tối đa không quá 24 giờ.
Tương tự, quy định tại dự thảo về gửi dữ liệu hóa đơn taxi về cơ quan thuế sau mỗi chuyến đi cũng dẫn đến một số khó khăn trong thực tế. Bởi chi phí nâng cấp phần mềm của các hãng sẽ tăng lên, tài xế quên hoặc gặp khó khăn về thao tác dữ liệu dẫn đến tắc đường. DN cũng có thể bị phạt do chuyển dữ liệu sai thời điểm.
Do đó, các DN đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc lại quy định này, trong đó đánh giá tác động về chi phí lợi ích, sửa đổi để tạo thuận lợi cho DN hoạt động.
Lập hóa đơn hàng xuất khẩu 24 giờ là quá ngắn
Tờ trình dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2020 quy định về hóa đơn, chứng từ nêu rõ: Quy định hiện hành chưa quy định rõ về khoảng thời gian giữa thời điểm lập hóa đơn và thời điểm ký số. Bởi vậy, Bộ Tài chính đề xuất: Thời điểm lập hóa đơn đối với hàng hóa xuất khẩu là không quá 24 giờ kể từ thời điểm hoàn tất thủ tục hải quan. Hoạt động tín dụng, casino, trò chơi có thưởng… cũng được quy định rõ thời điểm lập hóa đơn.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế, băn khoăn vì khi lập hóa đơn thì từ khi lập hóa đơn đến thời điểm phát hành và thời điểm phát hành chữ ký số là khác nhau. Nghị định 123 đã sửa đổi theo hướng thời điểm nộp thuế là thời điểm phát hành hóa đơn và để hạch toán vào chi phí thì phải có chữ ký số.
“Nhưng thời điểm 24 giờ là quá ngắn” - bà Cúc nói. Bà Cúc đề nghị thời điểm này nên theo hướng không quá thời điểm kê khai thuế của tháng. Như vậy, trách nhiệm là của người mua để họ được đưa vào chi phí tính thuế và được khấu trừ thuế. Và người mua nếu có những trường hợp bất cập do điều gì đó thì thời hạn 24 giờ là quá ngắn.
“Tất nhiên là cần phải có thời hạn, nếu không sẽ dẫn đến trường hợp người mua không có chứng từ để khấu trừ thuế và người mua không có chứng từ để làm cơ sở đưa vào tính thuế thu nhập DN” - bà Cúc đề xuất.
Khó cho cả cơ quan thuế khi hướng dẫn, kiểm tra
Bà Phạm Thị Hằng, Ngân hàng MUFG Hà Nội, thắc mắc quy định 24 giờ là… 24 giờ bình thường hay 24 giờ làm việc? Vì với ngành ngân hàng, thời điểm hoàn thành dịch vụ là ngày cuối cùng của tháng phát sinh dịch vụ. Thời điểm lập hóa đơn là thời điểm hoàn thành dịch vụ, thời điểm ký số là ngày tiếp theo sau khi ngân hàng đã hoàn thành việc đối soát dữ liệu.
“Như vậy, nếu ngày lập hóa đơn rơi vào thứ Sáu hoặc trước ngày nghỉ lễ thì hóa đơn sẽ được ký số vào thứ Hai tuần tiếp theo hoặc ngày đầu tiên sau ngày nghỉ lễ” - bà Hằng nói và đề nghị làm rõ.
Bà Nguyễn Hạnh, đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cũng đề nghị làm rõ vì bán hàng và dịch vụ có hai thời điểm lập hóa đơn khác nhau. Bán hàng thì được xuất hóa đơn khi đã chuyển giao hàng hóa hoặc quyền sở hữu, dịch vụ thì thu tiền trước.
Mặt khác, nếu khách hàng không lấy hóa đơn mà vẫn phải xuất hóa đơn có thể dẫn đến việc thông tin không chính xác, trong khi người bán xuất hóa đơn vẫn phải nộp thuế và có đầy đủ thông tin của người mua.
Ở góc độ khác, bà Lê Thị Lan Hương, Tổ chức Tài chính vi mô Tình Thương, cũng đặt vấn đề nếu khách hàng không lấy hóa đơn thì tổ chức này đang xuất hóa đơn một tháng/lần. Dự thảo dự kiến bổ sung quy định về thời điểm lập hóa đơn như vậy thì hơi mâu thuẫn vì cấp tín dụng cũng là một trong những hoạt động của ngân hàng.
“Khách hàng của chúng tôi thường là các chị em phụ nữ nghèo, vốn vay rất thấp, từ 1 triệu đến 50 triệu đồng thôi nên tiền lãi mà họ phải trả cho từng tuần cũng chỉ vài chục ngàn đồng. Nên nếu như phải xuất hóa đơn tại thời điểm thu lãi thì đó là một điều rất bất hợp lý” - bà Hương nêu.
Vì sao lại quy định thời điểm ký số là 24 giờ?
Theo bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kiểm toán thuế (Tổng cục Thuế), đối với hóa đơn điện tử, khi bên bán xuất hóa đơn, ngay lập tức bên mua có thể nhận được hóa đơn của mình, tức là đồng nhất về mặt thời gian, thời điểm bên bán ký cũng là thời điểm bên mua nhận được. Hệ thống hóa đơn có mã hoàn toàn đáp ứng được vấn đề này.
Hơn nữa, việc lập và ký hóa đơn không cần thời gian thật dài, vì lập và ký là hành động diễn ra đồng thời. Việc lập và ký hóa đơn cũng là một nội dung trên hóa đơn thôi nên không thể là nội dung “lập” được tạo vào ngày này, nội dung “ký” được tạo vào ngày khác.
“Vì vậy, Nghị định 123 quy định thời điểm lập và thời điểm ký khác nhau để giới hạn về việc lập hóa đơn tại thời điểm giáp ranh giữa hôm nay với ngày mai. Ví dụ, hóa đơn lập lúc 23 giờ 59 ký sang hôm sau, chứ không có chuyện hóa đơn lập từ tháng này sang tháng khác. Do vậy, chúng tôi đã đưa ra thời hạn là 24 giờ” - vụ trưởng Vụ Chính sách thuế giải thích.
Về thời điểm lập hóa đơn của các dịch vụ ngân hàng, trong đó có dịch vụ cấp tín dụng, sẽ rà soát theo hướng làm rõ quy định dịch vụ ngân hàng và những khác biệt so với dịch vụ cấp tín dụng để có sự điều chỉnh phù hợp.
CHÂN LUẬN
Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-1-ly-ca-phe-phai-xuat-hoa-don-dien-tu-qua-kho-post765177.html