Bản án tử ung thư đã dạy tôi cách sống như thế nào?
'Mọi chuyện trên đời có nguyên do' là câu chuyện đời của Kate Bowler, bệnh nhân ung thư, chia sẻ những suy ngẫm của cô về cái chết và cách mà nó đã dạy cô sống.
Kate Bowler, sinh năm 1980, là giáo sư tại trường Thần học Duke, đồng thời là một diễn giả hạng A tại các hội nghị Kitô giáo, cô kết hôn với người yêu từ thời trung học và có một cuộc sống tuyệt vời với đứa con trai mới sinh. Theo nhiều cách, cuộc sống của cô thật tuyệt vời, cho đến khi cô nhận được chẩn đoán ung thư đại tràng giai đoạn bốn.
Chấp nhận bệnh tật có phải để buông bỏ cuộc sống?
Kate bắt đầu cuốn tự truyện của mình với bệnh án sẽ phá vỡ mãi mãi quỹ đạo của cuộc đời cô. Sau khi giảm gần ba mươi cân và trải qua ba tháng đau đớn đến suy nhược vì những cơn đau trong bụng, và sau vô số những xét nghiệm không có kết quả. Cuối cùng, chụp CT đã cho thấy ung thư ở khắp nơi trong ổ bụng và Kate được triệu tập tới bệnh viện để làm hàng loạt các xét nghiệm, phẫu thuật.
Là một giáo sư Thần học, Kate đặt trọn niềm tin vào Chúa. Trước đó, khi cuộc sống đang thật suôn sẻ, Kate thật sự đã tin rằng “Chúa sẽ soi đường chỉ lối”, như khi phải đối diện với một khúc ngoặt nghiệt ngã của cuộc đời, cô đã chua chát thốt lên “Giờ tôi không còn tin vào điều ấy nữa”. Cô bây giờ là một bệnh nhân ung thư.
Ban đầu khi đối diện với bệnh án ung thư, Kate hoàn toàn sụp đổ. Cô tự hỏi rằng, nếu cô chấp nhận những việc đang xảy ra như đó là sự sắp xếp của Chúa, liệu cô có thể nhẹ nhàng buông bỏ cuộc sống và sự đau khổ này không. Cô liên tục đặt những câu hỏi với chính mình: “Tại sao? Tại sao chuyện lại xảy ra với mình? Mình có thể làm gì khác đi không? Liệu mọi chuyện xảy ra có thực sự đều vì nguyên do riêng không?”. Và bởi vì những câu hỏi ấy, Kate đã bước vào hành trình tái tạo đời sống mới từ những nhận biết, trải nghiệm của cô về cuộc sống, đức tin, mất mát, tuyệt vọng và tình yêu.
Cùng với sự trợ giúp của chồng, con trai và gia đình nội ngoại, Kate bước vào một cuộc phẫu thuật, với những buổi hóa trị mệt mỏi, không thể ăn, không thể uống, nhưng đem đến hi vọng sống thêm khoảng năm năm. Kate thuật lại những khoảnh khắc ngay sau khi phẫu thuật không chỉ bằng cách tập trung vào các chi tiết nghiệt ngã, mà cố gắng truy tìm một ý nghĩa sống của hy vọng và đau buồn, tình yêu và mất mát.
Những khoảnh khắc thiền định này làm cho cuốn sách của Kate trở nên tuyệt đẹp, khiến câu chuyện của cô không đơn thuần là việc chiến đấu với bệnh ung thư, nó mà nó còn đem lại những suy tư đẹp đẽ về cách chúng ta hiểu sự đau khổ, sự hiện diện của Chúa trong nỗi đau, và liệu có đúng mọi thứ xảy ra đều có lý do không?
Đối diện với nỗi đau, Kate lần đầu tiên nhận ra rằng, khao khát tìm thấy ý nghĩa trong những bi kịch dường như là vô nghĩa, cố gắng kiểm soát cuộc sống mà chúng ta không thể kiểm soát là một điều không thể, chúng ta chỉ có thể chấp nhận để đối diện, chiến đấu với thực tại.
Tôi sẽ chết, nhưng không phải hôm nay
Kate tự nhủ điều này khi tỉnh dậy vào buổi sáng, vào lúc cho cà phê vào máy và chuẩn bị món bánh kẹp buổi sáng cho con trai.
Khi đã nhìn thấu vào bản chất thực sự của căn bệnh ung thư, trải nghiệm những khoảnh khắc cận kề cái chết, với nỗi đau đớn, tuyệt vọng, Kate cũng đồng thời thấu suốt được ý nghĩa thực sự của cuộc sống.
Cô đã không từ bỏ. Cô tiếp tục chiến đấu với căn bệnh ung thư, biết rằng cái chết sẽ ập đến bất kỳ lúc nào, nhưng cô không từ bỏ hy vọng, bởi cô có con trai và người đàn ông yêu thương nhất đời.
Kate viết rằng: “Sống hết mình. Thương tiếc hết mình”. Cô đi từng bước nhỏ trên những ngày sống ngắn ngủi của mình. Cô bắt đầu viết, về cô, về những người thân thương nhất đời của cô.
Cô viết cho Zach, con trai yêu dấu ba từ lòng trắc ẩn, đó là cách cô luôn muốn nuôi dạy con trai mình. “Tôi luôn muốn nuôi dạy một người tình cảm nhưng cũng rất cứng rắn. Con sẽ biết nỗi đau của thế giới nhưng sẽ trở thành người tốt hơn vì điều đó. Con sẽ dũng cảm trước những gì gây nhói lòng”.
Cho người chồng, người bạn thân yêu của mình, Kate viết rằng “Anh là bucket list của em” (Bucket list: Danh sách những điều bạn muốn thực hiện trước khi chết).
Cô đã biết điều quan trọng nhất của cuộc đời mình không phải truy vấn nguyên nhân, cũng không hờn oán số phận, cô chấp nhận, nhưng không buông bỏ. Cô chấp nhận để cảm nhận được ý nghĩa thực sự của đời sống. Cô sắp xếp những kế hoạch nhỏ cho từng ngày của mình, từng bước “trải nghiệm sống ở đây, lội bước theo dòng đời”, và trên hết, Kate muốn sống để dù rẽ đi lối nào, cô cũng mong, những người mình yêu luôn tìm thấy Tình Yêu.
Chính bởi vì tình yêu mà cuốn sách dù viết về những nỗi u ám đau buồn, về cái chết, vẫn chan chứa đâu đó, ánh sáng của hy vọng, hy vọng ngày lại ngày được sống tiếp.
Cô kết thúc cuốn tự truyện của mình, sau bao nhiêu suy nghiệm, trăn trở, rốt cục vẫn là sống cho giây phút này, cho ngày hôm nay, khi tỉnh dậy thấy mình còn đang thở, đó đã là điều thực sự ý nghĩa rồi.
Cuốn tự truyện Mọi chuyện trên đời đều có nguyên do của Kate Bowler được xuất bản lần đầu tiên tại Mỹ ngày 6/2/2018, đã nhanh chóng trở thành cuốn sách best seller của New York Times, với nhiều lời khen ngợi, chia sẻ từ độc giả khắp nơi trên thế giới. “Tác phẩm xứng đáng nằm trên kệ cùng với những cuốn sách tuyệt vời khác về chủ đề khó khăn này, như Khi hơi thở hóa thinh không của Paul Kalanithi, và Ai rồi cũng chết của Atul Gawande” (Bill Gates).
Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cuoc-song-con-y-nghia-gi-khi-nhan-ban-an-ung-thu-post976214.html