Bản anh hùng ca về những người có công với nước

“Tháng bảy” là ca khúc của nhạc sỹ Lê Mây đoạt giải Nhất (với 411 bài hát của 385 tác giả chuyên nghiệp và không chuyên) tham gia trong năm 2012 Cuộc thi ca khúc về đề tài thương binh liệt sỹ và người có công do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Cục Người có công Bộ LĐTB&XH) phối hợp tổ chức. Trong tháng tri ân “đền ơn đáp nghĩa”, trên các phương tiện truyền thông, các chương trình biểu diễn nghệ thuật, “Tháng bảy” cùng “những bài ca đi cùng năm tháng” về đề tài thương binh liệt sĩ lại da diết, ngân rung như bản anh hùng ca về những người có công với nước.

Nhạc sỹ Lê Mây trình bày ca khúc “Tháng bảy”.

Nhạc sỹ Lê Mây trình bày ca khúc “Tháng bảy”.

Khi những ca từ và giai điệu trong ca khúc “Tháng bảy” của nhạc sỹ Lê Mây cất lên đã cho ta cảm giác về phút thiêng liêng, thành kính, như cả nước từ miền ngược tới miền xuôi, từ biên giới đến hải đảo đâu đâu cũng trùng điệp những đoàn quân ra trận bảo vệ Tổ quốc thân yêu, để rồi - ngày hòa bình cả dân tộc lại trước bạt ngàn những nghĩa trang, bia mộ, những đài tưởng niệm uy nghiêm vươn giữa trời xanh, gió miên man thổi. Ở nơi ấy những người con đất Việt thân yêu của chúng ta mãi mãi “ra đi từ đó không về” (Thuận Yến).

Dẫu là sắt đá thì tháng tri ân đền ơn đáp nghĩa (đặc biệt là ngày 27/7 hàng năm), trước ban thờ các gia đình liệt sỹ, trước khói hương vấn vít trên hàng trăm, hàng nghìn bia mộ nơi các nghĩa trang, ta không thể không se lòng, ngẹn ngào nhớ tiếc: “Tháng bảy này cả nước lệ nhòa, cả nước khói hương’’ - Lời mở đầu của ca khúc, nhịp đi chầm chậm như cuộc tiễn đưa các anh về đất mẹ.

Trên thế giới này, liệu có đất nước nào có một ngày giỗ chung “đặc biệt” như đất nước chúng ta: ngày 27/7. Một ngày giỗ mà theo ca từ và giai diệu của Lê Mây đầy trân trọng, dành cho: “Những cô gái như hoa mới nở”/ Những chàng trai khôi ngô tuấn tú/ Trước giặc ngoại xâm xếp búp nghiên lên đường/ Khói lửa, đạn bom sống - chết coi thường”.

Chính họ đã làm nên bản lĩnh Việt Nam, khí phách Việt Nam, làm nên “Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ” (Lê Anh Xuân). Giữa sự sống và cái chết, họ còn “coi thường” thì việc sẵn sàng hi sinh, viết tiếp những trang sử hào hùng bốn nghìn năm dân tộc dựng nước và giữ nước - với họ, như một lẽ sống: “Ngã xuống cho nền độc lập, tự do/ Mãi mãi dòng máu ngàn năm ông cha/ Các chị vẫn sống các anh vẫn sống/ Như câu thơ Nam Quốc Sơn Hà”.

Và điệp khúc “Các chị vẫn sống các anh vẫn sống trong thiên anh hùng ca của “Tháng bảy” như một sự cảm kích, biết ơn vô hạn đối với những con người đã hóa thân làm nên dáng hình xứ sở. Bởi “Tên anh đã thành tên đất nước/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”, như lời thơ của một thi sĩ - chiến sĩ.

Nói về ca khúc đề tài thương binh liệt sỹ, người có công, tri ân đền ơn đáp nghĩa..., có dễ vô số những bài ca đi cùng năm tháng, còn mãi với thời gian. Ví như “Màu hoa đỏ” (nhạc Thuận Yến, thơ Nguyễn Đức Mậu); “Mẹ Việt Nam anh hùng” (An Thuyên); “Cỏ non thành cổ” (Tân Huyền); “Vết chân tròn trên cát” (Trần Tiến); “Đồng đội” (nhạc Hoàng Hiệp, thơ Phạm Sĩ Sáu); “Đồng đội ơi” (nhạc Nguyễn Giang, thơ Trương Vĩnh Tuấn). Những ca khúc viết riêng cho các anh hùng liệt sĩ phải kể đến như: “Bế Văn Đàn sống mãi” và “Tiến quân trên đường dài” của Huy Du; “Nguyễn Văn Trỗi sống mãi tên anh” (Vũ Thanh); “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” (Nguyễn Đức Toàn) và “Người con gái Sông La” (nhạc Doãn Nho, thơ Phương Thúy)... Thêm “Tháng bảy” này của nhạc sĩ Lê Mây (giải Nhất Cuộc thi ca khúc về đề tài thương binh liệt sĩ và người có công) càng làm cho bản “đại hòa tấu” hùng tráng hơn về sức mạnh, ý chí quật cường của dân tộc mà những người đã ngã xuống cho sự toàn vẹn của non sông đất nước là những nốt nhạc xanh!

Sau “Hà Nội linh thiêng và hào hoa” được “đóng đinh” thương hiệu trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, được Đài Truyền hình Việt Nam sử dụng cho “Ký sự Thăng Long” sản xuất nhiều tập; Sau giải Nhì (không có giải Nhất) Cuộc thi thơ và ca khúc chủ đề “Đây biển Việt Nam” (2011) với nhạc phẩm “Đảo chìm”, tiếp đến giải Nhất (Huy chương Vàng) ca khúc “Hóa vàng” (phỏng thơ Thủy Hướng Dương) tại Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc (2012) thì, “Tháng bảy” - Ca khúc đoạt giải Nhất nữa, làm nên “cú đúp” trong năm 2012. Như vậy, nhạc sĩ Lê Mây không chỉ “có duyên” với giải mà còn có duyên của “Trời cho”. Bởi chính ông tiết lộ: “Tháng bảy là tháng Trời cho tôi”.

Nói “Tháng bảy” là tháng trời cho nhạc sĩ thì đúng là cái duyên và số phận. Thế nhưng phải nói thêm: Danh hiệu Công dân Ưu tú Thủ đô được UBND thành phố vinh danh cho nhạc sĩ Lê Mây (2019) lại là một ghi nhận xứng đáng cho ông trong suốt cuộc đời sáng tác, đặc biệt là những sáng tác về Hà Nội. Ngoài “đỉnh cao” là Hà Nội linh thiêng và hào hoa, ông còn có nhiều ca khúc “thứ hạng” cả. Ví như: Cà phê chiều Yên Phụ (Giải Nhất của UBND Thành phố, 2012); Phía Tây thành phố (Giải Nhì của Hội Âm nhạc Hà Nội); Bầu trời Hà Nội (Giải Nhất Cuộc thi 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không do UBND thành phố tổ chức 12/2022) và Chiếc áo mùa thu (phỏng thơ Đỗ Trung Lai, 2023).

Một nhạc sĩ với sự nghiệp sáng tác đồ sộ ( có trên 300 ca khúc đăng ký bản quyền), hàng chục giải thưởng âm nhạc về các đề tài…, cùng sức sống mãnh liệt của tác phẩm đi vào lòng người, đã “định vị” tên tuổi Lê Mây trong nền âm nhạc Cách mạng Việt Nam. Ấy nhưng ông vẻ như ngang tàng, bất cần đời, ngạo nghễ trong một lần tự bạch, tự nhận qua một bài thơ mới sáng tác: “Ta là ta/ Con ngựa hoang không yên không cương”. Rồi tỏ rõ thái độ sống: “Ta khinh hiềm tị/ Ta ghét bon chen/ Ói mửa quan tham – sư, sĩ”.... Và “chốt hạ: “Gọi ta là gì cũng được/ Dăm ba nốt nhạc/ Yên lòng/ Không hổ với trẻ thơ/ Không thẹn với Thủ đô…”!

Nơi ngôi nhà vườn của nhạc sĩ, tọa xóm Trần Hưng Đạo, thôn Cao Trung, xã Đức Giang (Hoài Đức - Hà Nội) một chiều cuối tuần tháng 7/2023 - tháng tri ân, tiếng đàn piano của ông lúc thánh thót du dương, lúc trầm hùng tha thiết giai điệu “Tháng bảy”. Người nhạc sĩ ở tuổi 81 được “trời cho” tất cả - từ phong độ đến năng lượng sáng tác (cả nhạc lẫn thơ); trước ống kính của máy ghi hình, máy ảnh và cánh “tốc ký”, ông dừng tay đàn và rưng rưng xúc động: “Hôm nay chúng ta ngồi đây, chúng ta tiệc tùng..., hưởng trọn niềm vui chiến thắng chúng ta hãy tưởng nhớ, biết ơn về họ. Bởi chính họ làm nên giá trị của một cuộc sống hòa bình”. Như để khẳng định sự bất tử, trường tồn của những con người “làm nên giá trị” ấy, nhạc sĩ xoài người, gập mình trên bàn phím đàn dương cầm, say sưa đoạn điệp khúc: “Các chị vẫn sống các anh vẫn sống trong thiên anh hùng ca”!

ĐỨC DŨNG (Hà Nội)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202307/ban-anh-hung-ca-ve-nhung-nguoi-co-cong-voi-nuoc-6041339/