Ban Biên tập Miền Nam - Tiếng nói từ hai đầu đất nước
50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) không chỉ là thời điểm để chúng ta cùng ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc mà còn là dịp để ghi nhận những đóng góp thầm lặng nhưng đầy ý nghĩa của lực lượng làm báo - những người đã chiến đấu không bằng súng đạn, mà bằng ngòi bút, lời nói trên làn sóng phát thanh.
Ra đời năm 1955, từ Phòng phát thanh vào Nam, Ban Biên tập Miền Nam nhanh chóng trở thành một trong những bộ phận chủ lực trong công tác tuyên truyền cách mạng, cầu nối hai miền Nam - Bắc cả về chính trị và tư tưởng, góp phần vào thành công của nhiệm vụ chiến lược “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
50 năm đã trôi qua, nhưng những ký ức về một chặng đường làm báo đầy khí thế sục sôi vẫn còn vẹn nguyên trong lòng nhà báo Dương Quang Minh - người từng gắn bó với Ban biên tập Miền Nam.
"Đài say sưa lắm, quyết liệt lắm, từng giờ, từng phút. Tôi viết vấn đề bình luận những vấn đề quốc tế, khi Bộ Ngoại giao mời lên họp, nghe phổ biến xong rồi về viết, cần phải viết trong ngày phát trong bản tin 18h", nhà báo Dương Quang Minh nhớ lại.

Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN Phạm Mạnh Hùng cùng các nhà báo - nguyên phóng viên Ban biên tập Miền Nam
Dù không trực tiếp tham gia vào chiến trường, nhưng mỗi bài viết, mỗi chương trình phát thanh của các nhà báo Ban Biên tập Miền Nam đều là một lát cắt sinh động của cuộc chiến đấu bằng tư tưởng – nơi ngòi bút thay khẩu súng, giọng nói thay tiếng đạn. Từng con chữ phát đi là một thông điệp đấu tranh, từng giọng nói cất lên là một lời hiệu triệu đồng bào đứng dậy vì độc lập, tự do.
Bà Nguyễn Thị Thường, nguyên phóng viên Ban Biên tập Miền Nam (Đài TNVN) cho biết: "Mỗi người có một nhiệm vụ và nhiệm vụ của chúng tôi là phải cầm bút, phải chiến đấu bằng ngòi bút. Cho nên những bài viết của chúng tôi cũng thể hiện rõ được khí phách đấu tranh của dân tộc mình như thế nào, rồi động viên phong trào như thế nào, để góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước".

Ban Biên tập Miền Nam nhanh chóng trở thành một trong những bộ phận chủ lực trong công tác tuyên truyền cách mạng
Khẳng định vai trò đặc biệt của Ban Biên tập Miền Nam trong lịch sử phát thanh cách mạng của Đài, Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, vai trò của báo chí trên mặt trận thông tin tư tưởng là vô cùng quan trọng. Đóng góp của báo chí thời ấy không thể không nhắc đến vai trò, đóng góp của Đài Tiếng nói Việt Nam, cũng như của Ban Biên tập Miền Nam. Rất xúc động được nghe các cô, các chú tâm sự, sống lại những khoảnh khắc hào hùng thời kỳ đó. Sự hy sinh của các cô, các chú là rất lớn để cùng vun đặp tạo ra một bề dày lịch sử của Đài TNVN như hôm nay".
Dịp 30/4 này, Họ - những nhà báo từng đi qua chiến tranh, từng dùng sóng phát thanh để giữ mạch nguồn thông tin, giữ nhịp đập tình yêu nước lại trở về. Cuộc gặp mặt giữa thế hệ làm phát thanh hôm nay và những nhà báo từng công tác tại Ban Biên tập Miền Nam không chỉ là sự tri ân, mà còn là lời khẳng định: Dù ở thời kỳ nào, Ban Biên tập Miền Nam vẫn là một phần thiêng liêng của Đài Tiếng nói Việt Nam - của lịch sử đất nước.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/ban-bien-tap-mien-nam-tieng-noi-tu-hai-dau-dat-nuoc-post1193990.vov