Trận đầu thắng Mỹ - ký ức người trong cuộc
Mỗi dịp tháng Tư về, ngôi nhà của Đại úy Lê Văn Kiệm (SN 1945, xã Thạch Sơn, Thạch Hà, Hà Tĩnh) - cựu chiến binh Tiểu đoàn 8 pháo cao xạ Bình Hà lại trở thành điểm hẹn của biết bao đồng đội.
Theo dòng ký ức của những người lính năm xưa, câu chuyện về trận chiến lịch sử núi Nài lại hiện về sáng rõ.
Đầu năm 1965, địch tăng cường không quân đánh phá nhiều trận địa ra-đa ở Vĩnh Linh (Quảng Bình) nhằm bịt “con mắt” canh trời miền Bắc. Xác định, địch có thể đánh trạm ra-đa tại núi Nài nên Bộ Tổng tư lệnh Phòng không đã xây dựng phương án tác chiến bằng cách kịp thời di chuyển hệ thống ra-đa trên núi đến nơi an toàn, nhường vị trí cũ để dựng một ra-đa giả.

Đại úy Lê Văn Kiệm (ngoài cùng bên phải) cùng các cựu chiến binh Tiểu đoàn 8 pháo cao xạ Bình Hà trong ngày gặp mặt.
Cùng đó, ta gấp rút tổ chức trận địa hỏa lực gồm pháo cao xạ, các trung đội dân quân tự vệ của TX Hà Tĩnh và các xã trên địa bàn; Tiểu đoàn 8, học viên Trường Sĩ quan phòng không từ Quảng Bình ra và 1 Trung đội 12 ly 7 từ Nghệ An vào tăng cường hỏa lực chiến đấu cho Hà Tĩnh. Ngành Bưu điện cùng Ban Thông tin của Tỉnh đội được giao nhiệm vụ đảm bảo công tác thông tin liên lạc và chỉ huy chiến đấu. Công tác đảm bảo chiến đấu như tiếp đạn tải thương, hậu cần cơ động trên trận địa giao cho lực lượng dân quân tại chỗ. Thế trận đã sẵn sàng chờ đợi địch.
“Trong thời điểm ác liệt đó, đêm 14/2/1965, tại xã Thạch Linh, Đại đội Pháo cao xạ Bình Định (tiền thân của Tiểu đoàn 8 Bình Hà) cũng được thành lập. Tôi - một người lính có 2 năm tuổi quân lúc đó cũng đã vinh dự trở thành một trong những người đầu tiên được bổ sung vào đại đội. Chỉ sau 1 tháng 12 ngày thành lập, đại đội chúng tôi đã bước vào trận chiến đầu tiên” - cựu chiến binh Lê Văn Kiệm bắt đầu câu chuyện.
Theo tin báo từ trước, rạng sáng 26/3/1965, tất cả các lực lượng luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Lời nói của liệt sỹ Nguyễn Viết Xuân: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”, đã lan tỏa trong mỗi khẩu đội, trở thành quyết tâm của mỗi chiến sỹ. Đúng như nhận định và sự chuẩn bị của ta, hơn 12 giờ ngày 26/3/1965, từ phía biển xuất hiện 26 chiếc máy bay Mỹ đủ loại, chia thành nhiều tốp bay lên phía Tây rồi vòng lại, lao xuống điên cuồng bắn phá núi Nài và khu vực xung quanh. Đặc biệt, khi phát hiện hỏa lực của Đại đội Pháo cao xạ, chúng tập trung tấn công dồn dập. TX Hà Tĩnh rung chuyển trong tiếng bom rền, đạn réo, khói bụi mù mịt cùng với lưới lửa đỏ trời từ hệ thống phòng không của ta, bao gồm súng trường, tiểu liên, đại liên và pháo cao xạ.

Trận địa Núi Nài (Ảnh tư liệu).
Sau hơn 40 phút giao tranh quyết liệt, quân, dân TX Hà Tĩnh đã bắn rơi 9 máy bay Mỹ. Bị thất bại thảm hại tại trận địa núi Nài, chúng tiếp tục kéo nhau vào đánh phá khu vực Đèo Ngang (TX Kỳ Anh). Lực lượng chiến đấu tại chỗ của ta đã anh dũng chiến đấu ngoan cường, tiếp tục bắn rơi thêm 3 máy bay Mỹ, nâng tổng số máy bay quân, dân Hà Tĩnh bắn rơi trong ngày 26/3/1965 lên 12 chiếc.
Đương đầu với hiểm nguy, với ý chí, quyết tâm cao, quân và dân ta đã chiến đấu dũng cảm, kiên cường, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhưng đằng sau mỗi chiến công là những mất mát, bởi có những người đã ngã xuống trong khi bảo vệ từng tấc đất, vùng trời quê hương. Riêng Đại đội Pháo cao xạ Bình Định có 8 đồng chí hy sinh, 14 đồng chí bị thương và 1 khẩu pháo hư hỏng nặng.
Đại úy Lê Văn Kiệm - cựu chiến binh Tiểu đoàn 8 Pháo cao xạ Bình Hà nhớ lại: "Tôi đã chứng kiến không ít đồng đội ngã xuống bên mình. Đó là Trung sỹ Nguyễn Hữu Toái (xã Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh) - bị thương ở vùng cổ rất nặng, trước khi hy sinh vẫn dặn dò đồng đội: Nhờ các đồng chí nói với Đảng, tiếc là tôi cống hiến cho Đảng còn quá ít, chưa hoàn thành nhiệm vụ. Đó là tấm gương Đại đội trưởng Đại đội Pháo cao xạ Bình Định - Nguyễn Đức Mai (quê ở Bình Định), bị thương ở đầu, mất máu nhiều nhưng vẫn kiên cường bám trận địa để chỉ huy. Chính trị viên Đại đội Dương Chí Uyển (xã Thạch Hội, Thạch Hà, nay là TP Hà Tĩnh) tuy bị thương nặng vẫn bám chiến hào, đến từng khẩu đội động viên anh em. Ông cũng đã nhường bông băng để ưu tiên cho những người bị thương nặng... Cũng trong trận đầu tiên ấy, tôi bị thương ở vùng lưng, nhưng do tình hình ác liệt nên tôi cũng chỉ vội nhờ đồng đội lấy bùn đắp lên áo để cầm máu tạm thời. Những ngày tháng ấy cùng với những gương mặt đồng đội cũ vẫn hằn sâu trong tâm trí tôi".

Bên khẩu pháo của đơn vị được trưng bày tại Ngã ba Đồng Lộc, cựu chiến binh Lê Văn Kiệm cùng đồng đội đã kể lại cho thế hệ hôm nay câu chuyện chiến đấu của những người đi trước.
Góp sức trong thế trận chiến tranh Nhân dân, dưới làn mưa bom, bão đạn của địch, dân quân các xã, xí nghiệp mộc, xí nghiệp bánh kẹo, các cháu thiếu nhi vùng gần trận địa, giáo viên, học sinh Trường cấp III Phan Đình Phùng đã nhanh chóng có mặt. Họ như những con thoi tiếp đạn, tải thương, sửa chữa, ngụy trang công sự trận địa phục vụ chiến đấu. TX Hà Tĩnh lúc đó như một chiến trường lớn và mỗi một người dân là một chiến sỹ, góp phần không nhỏ vào chiến thắng lịch sử của quê hương.
Hòa trong dòng ký ức về những tháng ngày tháng Tư lịch sử, bà Nguyễn Thị Thiện (SN 1945) - dân quân xã Thạch Hòa, huyện Thạch Hà (nay là phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh), cũng hồi tưởng lại những ngày tháng sục sôi, cùng các lực lượng góp sức làm nên trận đầu thắng Mỹ: “Từ tối 25/3/1965, lực lượng dân quân chúng tôi đã vận động đưa bà con nhân dân đến nơi sơ tán; trận địa đã cài sẵn, cả thị xã nín thở từng giờ. Lúc ấy, tôi cùng các chị em trong tiểu đội được giao nhiệm vụ cứu thương ngay tại trận địa núi Nài. Trưa 26/3/1965, sau những loạt bom, đạn rốc-két và liên tiếp những loạt đạn 20 ly của địch bắn xuống các trận địa, những dân quân lần đầu vào trận như tôi chỉ thấy bừng bừng khí thế, quên hết ác liệt, nguy hiểm quanh mình. Sau hơn 40 phút giao tranh là 9 máy bay địch bị bắn rơi, bốc cháy. Chúng tôi cùng nhau hò reo khản cổ”.

Mảnh đất nơi trận địa năm xưa đã và đang từng bước chuyển mình với một sức sống mới.
Chiến thắng trong trận đầu đánh Mỹ ở núi Nài có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong cao trào chống Mỹ, trên hết là tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân Hà Tĩnh trong một thế trận không hề tương quan giữa ta với địch. Thắng lợi này không chỉ từng bước đập tan hy vọng kiểm soát bầu trời miền Bắc Việt Nam của đế quốc Mỹ mà còn mang đến khí thế cho quân và dân ta quyết tâm đánh thắng kẻ thù. Đây cũng là minh chứng cho sức mạnh của chiến tranh Nhân dân, nơi mỗi người dân, mỗi chiến sỹ đều đóng góp một phần vào sự nghiệp bảo vệ quê hương, đất nước.
Chiến thắng ấy đã làm nức lòng đồng bào, chiến sỹ đúng như cảm nhận của nhà thơ Duy Thảo: Quê hương ơi! chiều nay nghe náo nức/ Đài truyền đi tin chiến thắng vang lừng/ Hà Tĩnh quê ta trận đầu thắng Mỹ/ Niềm tự hào nước mắt bỗng rưng rưng... Trong câu chuyện nhà thơ Duy Thảo từng kể với bạn bè: Ngày đó, đơn vị pháo cao xạ của ông chốt tại đồi Xuân Mai để phục máy bay tầm thấp của địch lẻn vào đánh Hà Nội. Chiều 26/3/1965, chiếc đài ORIONTON của người đại đội trưởng vang lên bản tin về chiến thắng của quân dân Hà Tĩnh bắn rơi 12 máy bay Mỹ. Niềm vui và tự hào như bóp nghẹt trái tim giàu xúc động của người lính cao xạ. Ông đã khóc khi trời quê chiến thắng. Tối hôm ấy, bên ngọn đèn dầu ngụy trang, ngay trên mâm pháo, ông hối hả viết bài thơ ''Mừng chiến thắng trời quê" trong niềm xúc động trào dâng mãnh liệt.
60 năm trôi qua, từ những ký ức hào hùng, sự kiên cường, anh dũng hy sinh của thế hệ đi trước đã tiếp thêm động lực cho người dân trên mảnh đất sông Phủ - núi Nài hôm nay viết tiếp những thành tích tự hào, ra sức xây dựng quê hương. Dẫu còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự quan tâm, hỗ trợ của thành phố, sự lãnh đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, chủ động của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự nỗ lực của mỗi người dân, Đại Nài đã và đang từng bước chuyển mình với một sức sống mới hiện đại, văn minh.
Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/tran-dau-thang-my-ky-uc-nguoi-trong-cuoc-post286811.html