Bàn cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong lĩnh vực khoáng sản năng lượng xanh
Hôm 28-9, các quan chức từ khoảng 50 nước trên thế giới và ngành công nghiệp khai khoáng dự hội nghị tại Paris (Pháp) để thảo luận các giải pháp thúc đẩy nguồn cung các loại khoáng sản cần thiết cho năng lượng xanh. Hội nghị thượng định về năng lượng sạch và các khoáng sản quan trọng, do Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) chủ trì, diễn ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại về sự thống trị của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng khoáng sản giữa lúc các căng thẳng địa chính trị dâng cao.
IEA ghi nhận, sự tăng trưởng ngoạn mục về năng lượng tái tạo và xe điện có khả năng khiến nhu cầu nhiên liệu hóa thạch đạt đỉnh trong thập niên này, đồng thời cũng thúc đẩy nhu cầu các khoáng sản quan trọng như đồng, lithium, cobalt và nickel. Đồng là thành phần quan trọng của tuốc-bin gió, trong khi pin xe điện cần lithium, cobalt và nickel.
Những khoáng sản này phân bố khắp nơi trên khắp thế giới, nhưng hoạt động tinh chế chúng tập trung ở Trung Quốc. Điều này gây ra mối lo ngại về tính bền vững và đa dạng của chuỗi cung ứng khoáng sản trong bối cảnh các căng thẳng thương mại và địa chính trị gia tăng. Trong năm 2022, Trung Quốc tinh chế 74% cobalt, 65% lithium và 42% đồng của thế giới.
Phát biểu tại hội nghị ở Paris, Giám đốc IEA Fatih Birol nhấn mạnh. thách thức lớn mà các nước đang đối mặt là làm thế nào để đảm bảo nguồn cung khoáng sản đa dạng hơn, cùng với các vấn đề lớn khác bao gồm tính bền vững, cả về môi trường và xã hội, cũng như hoạt động tái chế còn hạn chế.
“Nhìn vào lịch sử năng lượng trong 100 năm qua, khi có sự tập trung chủ yếu vào một quốc gia, một công ty, một tuyến đường duy nhất, luôn có một thách thức”, ông nói.
Người đứng đầu IEA lưu ý, quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch đang diễn ra nhanh hơn nhiều so với hình dung của mọi người, đồng thời cho biết thêm, hơn 80% tổng số nhà máy điện mới được xây dựng trong năm nay đều sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo
Các đại biểu từ khoảng 50 nước (không có Trung Quốc và Nga) tham dự hội nghị nhằm tìm cách xác định chính sách ngoại giao kim loại mới. Các cuộc tranh luận của họ tập trung vào cách tổ chức lại hệ thống cung ứng khoáng sản, đặc biệt là sau khi thế giới chứng kiến sự đổ gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Những người tham dự cho biết, hội nghị có tầm quan trọng mang tính biểu tượng và chính thức hóa mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa liên quan đến vị thế thống trị quá lớn của Trung Quốc đối với các khoáng sản quan trọng.
Tác động của đại dịch và cuộc xung đột Nga – Ukraine đã tàn phá thị trường hàng hóa, khiến giá cả tăng vọt vào năm 2021 và đầu năm 2022, theo ghi nhận của IEA.
“Chúng ta không thể chuyển từ sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch sang sự phụ thuộc vào vật liệu thô”, Thierry Breton, Cao ủy thị trường nội khối của Liên minh châu Âu (EU), cho biết EU đang xem xét luật mới nhằm tăng cường năng lực khai thác và tinh chế khoáng sản.
Mỹ, nước đã cam kết trở thành quốc gia dẫn đầu về năng lượng sạch, cũng kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế.
Bộ trưởng Năng lượng Mỹ, Jennifer Granholm, và các diễn giả khác liên tục ngụ ý rằng một quốc gia (ám chỉ đến Trung Quốc) đang kiểm soát phần lớn quá trình tinh chế vật liệu được sử dụng trong mọi thứ trên thế giới, từ xe điện, tuốc-bin gió đến hệ thống dẫn đường tên lửa.
“Cháng ta đang đối mặt một nhà cung cấp thống trị sẵn sàng ‘vũ khí hóa’ sức mạnh thị trường vì lợi ích chính trị”, Jennifer Granholm nói. Bà cảnh báo, an ninh năng lượng sẽ trở nên phức tạp hơn trong những thập niên tới khi các nước cần nhiều nickel, cobalt, lithium và các vật liệu cần thiết khác để cắt lượng khí thải nhà kính toàn cầu.
Nhiều quốc gia giàu khoáng sản như Indonesia, Peru và CHDC Congo chứng kiến hoạt động khai thác bùng nổ trong những năm gần đây.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia, ông Arifin Tasrif, kêu gọi thành lập một nền tảng mới cho hợp tác toàn cầu về các khoáng sản quan trọng, nhấn mạnh rằng hoạt động tái chế cũng sẽ đóng vai trò quan trọng.
Theo IEA, ngành năng lượng là động lực chính thúc đẩy nhu cầu lithium của thế giới tăng gấp ba lần trong giai đoạn 2017-2022, cũng như nhu cầu cobalt tăng 70% và nhu cầu nickel tăng 40%. Tổ chức này dự đoán, nếu các nước tăng tốc triển khai các cam kết khí hậu để để đưa lượng phát thải ròng carbon trong ngành năng lượng về mức zero vào giữa thế kỷ này, nhu cầu về các khoáng sản quan trọng sẽ tăng gấp 3,5 lần vào năm 2030, vượt quá 30 triệu tấn.
Theo AFP, Bloomberg, EIA