Bàn cân lợi nhuận và rủi ro của công ty chứng khoán

Lượng khách hàng mới ít đi, các công ty chứng khoán luôn phải tìm cách để thu hút khách hàng mới và giữ chân khách hàng cũ, gia tăng thị phần bằng những sản phẩm, dịch vụ ưu đãi, hấp dẫn, trong đó nổi bật là sản phẩm cho vay ký quỹ (margin).

Nguồn thu lớn và ổn định của các công ty chứng khoán

Cho vay margin đem lại nguồn thu từ lãi suất và phí giao dịch cho các công ty chứng khoán. Tỷ lệ lãi suất cho vay margin tại các công ty chứng khoán đang dao động ở mức 10-14%/năm, mang lại nguồn thu ổn định và cao hơn so với các sản phẩm dịch vụ khác, nhờ đó gia tăng doanh thu đáng kể cho doanh nghiệp.

Việc cho vay margin trong giai đoạn thị trường sôi động cũng là một nhân tố tích cực tăng cường thêm thanh khoản cho thị trường. Dịch vụ này còn giúp những nhà đầu tư cá nhân với số vốn nhỏ tham gia thị trường chứng khoán. Với nhiều nhà đầu tư, vay margin là con đường nhanh chóng để gia tăng lợi nhuận, phù hợp với những nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao.

Chỉ so sánh tỷ trọng doanh thu từ lãi cho vay và phải thu của các công ty chứng khoán trong 9 tháng năm 2024 với cùng kỳ năm ngoái đã cho thấy sự khác biệt không hề nhỏ. Theo thống kê của người viết, trong tổng số 27 công ty chứng khoán lớn, có đến 21 công ty đã gia tăng tỷ trọng lãi cho vay và phải thu/tổng doanh thu hoạt động. Trong khi đó, chỉ có 11 công ty gia tăng tỷ trọng tự doanh FVTPL (tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi - lỗ)/tổng doanh thu hoạt động, phần lớn đến từ việc hoạt động tự doanh cùng kỳ năm ngoái mang về doanh thu khá thấp. Còn ở môi giới, nhiều công ty cũng ghi nhận mức sụt giảm doanh thu lớn, dẫn đến không còn đóng góp được nhiều vào tổng doanh thu hoạt động.

Tính chung 27 công ty được thống kê, tỷ trọng từ hoạt động tự doanh giảm hơn 1,6%, hoạt động môi giới chỉ nhích nhẹ 0,2%, trong khi mảng cho vay lãi tăng chung 4,3%. Xét về giá trị tuyệt đối, tổng lãi cho vay và phải thu của 27 công ty trong 9 tháng năm 2024 tăng hơn 37% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở nhiều công ty chứng khoán, hoạt động cho vay margin được đẩy mạnh, thậm chí trở thành hoạt động chính gồng gánh doanh thu lợi nhuận cho cả doanh nghiệp.

Yuanta - công ty chứng khoán vốn Đài Loan hoạt động tại Việt Nam - đã thể hiện chiến lược tập trung mạnh vào cho vay ký quỹ và không hoạt động tự doanh. Trong 9 tháng năm 2024, lãi cho vay và phải thu của Yuanta đạt 293 tỷ đồng, đóng góp đến 62,5% vào tổng doanh thu hoạt động, tăng nhanh từ mức 47,2% của cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, mảng môi giới dù tăng trưởng, nhưng mức đóng góp cũng chỉ xấp xỉ năm trước, khoảng 30%.

MBKE, Mirae Asset, PHS, FPTS cũng là những công ty có lãi cho vay phải thu chiếm trên 50% tổng doanh thu hoạt động trong kỳ 9 tháng năm 2024. Ngay cả những công ty trước đây hoạt động cho vay ký quỹ còn hạn chế, thì nay cũng đã liên tục đẩy mạnh mảng này khi thu hút được nguồn lực tài chính, nổi bật như VIX, KAFI, VPS, ACBS…

Tầm quan trọng của hoạt động margin ngày càng được nâng lên trong cơ cấu hoạt động của các công ty chứng khoán. Trên thị trường, dư nợ margin cứ mỗi kỳ lại đạt thêm những đỉnh mới.

Thống kê của FiinTrade từ Báo cáo tài chính quý III/2024 của 68 công ty chứng khoán đại diện 99% quy mô vốn chủ sở hữu của toàn ngành cho thấy, dư nợ cho vay margin đạt hơn 228.000 tỷ đồng tại thời điểm 30/9/2024, tăng nhẹ so với cuối quý II/2024 và tiếp tục lập đỉnh mới.

Rủi ro luôn hiện hữu

Dù mang lại lợi nhuận lớn cho các công ty chứng khoán, nhưng margin vẫn không phải là “cây đũa thần”. Tăng margin đồng nghĩa với việc tăng thêm áp lực lên các công ty chứng khoán.

Nhắc đến bài học margin kinh điển, nhà đầu tư và giới tài chính hẳn còn nhớ đến trường hợp của Chứng khoán Thăng Long (TLS). Từ một công ty chứng khoán hàng đầu thị trường với thị phần môi giới cổ phiếu đứng đầu nhiều năm, TLS sa đà vào margin. Thời điểm năm 2010, sản phẩm margin còn rất mới mẻ. Với vị thế là kẻ tiên phong, TLS sử dụng margin và thăng hạng nhanh chóng. Thế nhưng, khi nền kinh tế khó khăn, thị trường chứng khoán giảm sâu, cũng chính margin khiến TLS lụn bại nhanh chóng. Việc quản lý rủi ro không chặt chẽ trong cho vay khiến TLS mất khả năng thanh toán, cuối cùng phải tái cấu trúc công ty và cái tên Chứng khoán Thăng Long biến mất khỏi thị trường tài chính.

Trên thị trường, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới đang trong xu hướng giảm. Tháng 9/2024, lượng tài khoản chứng khoán mở mới chỉ gần 159.000 tài khoản, thấp nhất kể từ tháng 3/2024 đến nay và chỉ bằng một nửa so với tháng trước đó.

Đến năm 2019, thị trường tài chính lại rúng động vì margin. Hàng loạt công ty chứng khoán thiệt hại hàng trăm tỷ đồng vì cho vay margin đối với cổ phiếu FTM của CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân. Hàng chục phiên giảm sàn trong giai đoạn tháng 7/2029 kéo giá cổ phiếu FTM lao thẳng từ 24.000 đồng/cổ phiếu, xuống còn hơn 3.000 đồng/cổ phiếu. Việc cho vay margin FTM đã khiến nhiều công ty chứng khoán ngậm quả đắng trong giai đoạn đó.

Những bài học cũ trong quá khứ đã khiến các công ty chứng khoán cảnh tỉnh hơn trong việc cho vay margin. Đồng thời, sự giám sát ngày càng sâu sát của cơ quan nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các sở giao dịch cũng đã góp phần lớn trong việc giảm thiểu thiệt hại.

Tháng 10/2024, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) công bố danh sách 85 mã chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ trong quý IV/2024, bao gồm những cổ phiếu quen thuộc nằm trong diện bị cảnh báo hoặc kiểm soát như AAT, AGM, APH, ASP, BCE, C47, CIG, CKG, CRE, DAG, DLG, DTL, DXV, EVG, FDC, GMC, HAG, HBC, HNG, ITA, ICT, JVC, KPF, LGL, MDG, NVT, OGC, PIT, PMG, PSH, RDP, SMC, TVB, TTF, VAF, VNE… Tiếp theo đó, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng công bố 85 mã không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ với những mã nằm trong diện cảnh báo, kiểm soát, đình chỉ, hạn chế, lợi nhuận bán niên soát xét âm… như DDG, MAS, TVC, OCH, BTS, APS, API, CTP, VTV… Tổng cộng, có 170 mã cổ phiếu không được giao dịch ký quỹ trên cả 2 sàn trong quý cuối năm nay.

Thế nhưng, vẫn còn những công ty chứng khoán vượt qua “lằn ranh” quy định. Gần đây nhất là CTCP Chứng khoán DNSE bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt đầu tháng 11/2024 khi vi phạm quy định về hạn chế giao dịch ký quỹ.

Cụ thể, mã chứng khoán L18 đã được HNX bổ sung vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ từ ngày 8/4/2024, nhưng DNSE vẫn thực hiện cho vay ký quỹ đối với mã chứng khoán này từ ngày 8/4/2024 đến ngày 8/5/2024.

Hồi tháng 10/2024, CTCP Chứng khoán Pinetree bị xử phạt vì vi phạm quy định về hạn chế giao dịch ký quỹ. Công ty đã thực hiện cho vay mới đối với các chứng khoán không còn nằm trong danh sách chứng khoán được phép giao dịch ký quỹ và tính chứng khoán này làm tài sản thực có của khách hàng trên tài khoản giao dịch ký quỹ.

CTCP Chứng khoán Kafi cũng bị xử phạt vì vi phạm quy định về tỷ lệ ký quỹ ban đầu, tỷ lệ ký quỹ duy trì, hạn chế giao dịch ký quỹ, cho khách hàng thực hiện giao dịch ký quỹ, rút tiền vượt quá sức mua hiện có trên tài khoản giao dịch ký quỹ của khách hàng.

Bài toán cân đối lợi nhuận và nguồn vốn

Cuộc chơi margin đang nghiêng về những công ty chứng khoán có lợi thế về vốn, về năng lực tài chính hậu thuẫn. Chính bởi vậy, thị trường cũng ghi nhận có những công ty hụt hơi trong cuộc đua này.

SHS là công ty hiếm hoi ghi nhận lãi từ cho vay và phải thu giảm trong quý III/2024 và cả 9 tháng năm 2024. Riêng quý III/2024, lãi từ các khoản cho vay và phải thu của SHS giảm đến 47% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi dư nợ cho vay margin của SHS cũng không thay đổi lớn so với hồi đầu năm. Điều này khiến áp lực của SHS đè nặng lên mảng tự doanh. Đáng tiếc là, do cả tự doanh lẫn môi giới đều lao dốc mạnh trong quý III/2024, nên kết quả lợi nhuận sau thuế quý này của SHS giảm đến 65%. Đáng nói, SHS vẫn thường xuyên thực hiện tăng vốn, nhưng dòng vốn này không được đẩy vào hoạt động margin.

Cuộc đua margin vẫn đang tiếp diễn. Khi gần đạt ngưỡng quy định, các công ty chứng khoán lại cấp tập xin tăng vốn. Hàng loạt công ty chứng khoán, từ lớn tới nhỏ, đều có kế hoạch tăng vốn trong thời gian qua, như Kafi, HSC, ACBS, Viseco, SSI, TCBS, VIX…

Theo quy định, tổng dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ của một công ty chứng khoán không được vượt quá 200% vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán. Với việc gia tăng liên tục hoạt động ký quỹ, không ít công ty chứng khoán sắp cạn room cho vay margin.

Cao nhất hiện nay là HSC với dư nợ cho vay margin cuối quý III/2024 trên 19.286 tỷ đồng, gấp 1,92 lần vốn chủ sở hữu. Tiếp đến là Mirae Asset với 1,85 lần, FPTS và KAFF đều trên 1,7 lần.

HSC dự kiến xin nâng vốn vượt 10.000 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với khoảng 3.600 tỷ đồng thu về từ đợt chào bán. Số tiền này sẽ được sử dụng để tăng quy mô vốn hoạt động của Công ty, giúp mở rộng năng lực cho vay margin và bổ sung vốn cho hoạt động tự doanh.

Còn Kafi cũng đã rục rịch với phương án tăng vốn lên tối đa 5.000 tỷ đồng. Trước đó, công ty này dự kiến phân bổ nguồn vốn tăng thêm cho các mảng hoạt động, gồm 45% cho tự doanh, 45% cho vay margin và 5% cho hoạt động môi giới.

Tuy nhiên, cuộc đua margin không đơn giản chỉ là vốn, mà còn là vấn đề quản trị rủi ro. Việc cân bằng giữa lợi nhuận và rủi ro trong cho vay margin là một bài toán chiến lược đối với các công ty chứng khoán. Trong khi margin mở ra cơ hội tăng trưởng doanh thu từ lãi vay và phí giao dịch, thì rủi ro cũng gia tăng khi thị trường biến động mạnh hoặc khách hàng mất khả năng thanh toán. Do đó, để đạt được sự cân bằng, cần có chính sách quản trị rủi ro hiệu quả, bao gồm các biện pháp kiểm soát tỷ lệ margin, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng và áp dụng công nghệ giám sát. Chỉ khi duy trì được sự ổn định và bảo vệ an toàn vốn, công ty chứng khoán mới có thể khai thác tối đa lợi ích từ hoạt động cho vay margin mà không làm suy giảm uy tín hoặc hiệu quả dài hạn.

Thủy Triều

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ban-can-loi-nhuan-va-rui-ro-cua-cong-ty-chung-khoan-d230791.html