Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính yêu cầu tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ

Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính vừa ban hành Nghị quyết số 06-NQ/BCSĐ ngày 1/3/2023 về việc tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ; luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác; kiểm soát quyền lực, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý cán bộ.

Đã nỗ lực nhưng đâu đó vẫn còn tồn tại, hạn chế

Nghị quyết số 06-NQ/BCSĐ ngày 1/3/2023 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính về việc tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ; luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác; kiểm soát quyền lực, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý cán bộ, trách nhiệm nêu gương; chống chạy chức, chạy quyền và phòng chống tham nhũng của công chức, viên chức Bộ Tài chính.

Công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác trong ngành Tài chính bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch.

Công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác trong ngành Tài chính bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch.

Nghị quyết nêu rõ, thời gian qua, cấp ủy đảng, Thủ trưởng đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính đã nêu cao trách nhiệm; ý thức chấp hành quy định pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị; nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, đào tạo bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo chủ chốt toàn ngành. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tăng cường kiểm soát quyền lực, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý cán bộ và trách nhiệm nêu gương, chống chạy chức, chạy quyền.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ chưa nghiêm, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về tài chính - ngân sách. Việc bố trí, sử dụng và phân công công chức, viên chức chưa đúng người, đúng việc, chưa phát huy được nguồn lực hiện có. Việc kiểm tra, kết luận cũng như xử lý công chức, viên chức vi phạm trong thực thi công vụ có nơi còn chưa kịp thời và triển khai dứt điểm.

Tại một số đơn vị, thủ trưởng đơn vị chưa phối hợp tốt với cấp ủy Đảng cùng cấp để phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong thực thi công vụ; công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thực hiện chưa nghiêm, vẫn để xảy ra sai phạm tại một số đơn vị. Vẫn còn có hiện tượng tiêu cực, nhũng nhiễu trong khi thi hành công vụ phải xử lý kỷ luật; thậm chí vi phạm pháp luật, bị khởi tố, bắt tạm giam, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành.

Thực hiện nghiêm điều động, luân chuyển cán bộ

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo, quy định hiện hành cũng như các chủ trương, quy định, nghị quyết... của Đảng và Nhà nước mới ban hành, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính yêu cầu cấp ủy Đảng, người đứng đầu các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính, đặc biệt là các đơn vị được giao phụ trách những lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp và người dân, thực hiện tốt một số nhiệm vụ.

Ảnh: Minh họa.

Ảnh: Minh họa.

Theo đó, phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của Bộ Tài chính về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ; thực hiện công tác luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác của công chức, viên chức; tăng cường kiểm soát quyền lực, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý cán bộ, trách nhiệm nêu gương; chống chạy chức, chạy quyền và phòng chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ để kịp thời chấn chỉnh các vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với công chức, viên chức vi phạm quy chế, quy trình nghiệp vụ, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, nhũng nhiễu, thờ ơ, vô cảm trong quá trình thực thi công vụ. Tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, không để xảy ra những vụ việc gây hậu quả và tác động tiêu cực do quan liêu trong quản lý, thiếu trách nhiệm, tắc trách, vô kỷ luật trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, xử lý nghiêm những vi phạm.

Nghị quyết cũng nêu rõ, các cấp ủy Đảng, người đứng đầu các đơn vị phải chú trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ, nhất là trong công tác tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm; đẩy mạnh việc luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác, nhằm chủ động phòng ngừa tiêu cực và tăng cường đoàn kết, bảo đảm đơn vị trong sạch, vững mạnh.

Đồng thời, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong cải cách thủ tục hành chính, tăng tinh chủ động trong quá trình giải quyết công việc, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và chịu trách nhiệm; chủ động, kịp thời xử lý có hiệu quả các tình huống khẩn cấp, đột xuất, bất ngờ trong đơn vị, lĩnh vực mình phụ trách.

Tăng cường kiểm soát quyền lực, thực hiện đúng quy định về phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ nhân dân và trách nhiệm nêu gương, chống chạy chức, chạy quyền; nghiêm túc thực hiện và công khai, minh bạch các quy định liên quan đến công tác quản lý cán bộ, nhất là trong việc tuyển dụng, tiếp nhận, quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, đánh giá, nâng ngạch, kiên quyết không để xảy ra sai phạm, tiêu cực.

Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính cũng đề nghị các cấp ủy Đảng, lãnh đạo các đơn vị phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội (công đoàn, đoàn thanh niên...), báo chí và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội, nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan.

Cấp ủy, Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện công tác quản lý công chức, viên chức, người lao động tại đơn vị; gương mẫu, nghiêm túc thực hiện công khai, minh bạch các quy định liên quan đến thực thi công vụ, việc chấp hành kỳ cương, kỷ luật, công tác cán bộ, kiên quyết không để xảy ra sai phạm. Đồng thời, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cả nhân, nhất là người đứng đầu để xảy ra các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi phụ trách, quản lý, đặc biệt là những trường hợp vi phạm pháp luật bị khởi tố, bắt tạm giam, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Bộ trưởng ban hành Chỉ thị về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác cán bộ

Cùng ngày 1/3/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký ban hành Chỉ thị về việc tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ; luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác; kiểm soát quyền lực, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý cán bộ, trách nhiệm nêu gương; chống chạy chức, chạy quyền và phòng chống tham nhũng của công chức, viên chức Bộ Tài chính.

Trong đó có 8 nhiệm vụ trọng tâm được lãnh đạo Bộ yêu cầu các cấp ủy, Thủ trưởng đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính nghiêm túc triển khai thực hiện.

Thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm phổ biến đến toàn thể công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý và nghiêm túc tổ chức thực hiện các nội dung theo yêu cầu của Chỉ thị; chịu trách nhiệm trước Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính và trước pháp luật khi để các cá nhân, đơn vị thuộc phạm vi quản lý vi phạm các nội dung của Chỉ thị này.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ban-can-su-dang-bo-tai-chinh-yeu-cau-tiep-tuc-tang-cuong-ky-luat-ky-cuong-hanh-chinh-trong-thuc-thi-cong-vu-122646.html