Bán cháo lòng xe đẩy có cần chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm?
Bán cháo lòng xe đẩy được xem là hình thức kinh doanh thức ăn đường phố.
Tôi là "tín đồ" của lòng heo và có mối mua lòng ngon, đảm bảo an toàn. Vài tháng nữa tôi nghỉ hưu nên dự tính sẽ làm một xe cháo lòng xe đẩy bán đầu đường kiếm thêm thu nhập. Vậy tôi có phải xin giấy tờ về vệ sinh an toàn thực phẩm hay không, thưa chuyên gia?
Bạn đọc Trung Tuấn (TP.HCM) thắc mắc.
Luật sư Trần Quang Thịnh, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời:
Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải đáp ứng một số điều kiện nhất định, trong đó phải được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo Điều 11 nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Tuy nhiên có loại trừ một số trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 12 của Nghị định này; đó là các trường hợp cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, bao gồm:
- Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;
- Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định;
- Sơ chế nhỏ lẻ;
- Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ;
- Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn;
- Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm;
- Nhà hàng trong khách sạn;
- Bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm;
- Kinh doanh thức ăn đường phố;
- Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.

Kinh doanh thức ăn đường phố phải tuân thủ các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tương ứng. Ảnh: HL
Bán cháo lòng xe đẩy ngoài đường được xem là hình thức kinh doanh thức ăn đường phố nên không thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Mặc dù không cần Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng bạn cần tuân thủ quy định tại khoản 2 điều luật này, đó là phải tuân thủ các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tương ứng.
Ngoài ra, Điều 31, Điều 32 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nơi bày bán thức ăn đường phố. Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu, dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm và người kinh doanh thức ăn đường phố như sau:
- Phải cách biệt nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm.
- Phải được bày bán trên bàn, giá, kệ, phương tiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ quan đường phố.
- Nguyên liệu để chế biến thức ăn đường phố phải bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
- Dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm phải bảo đảm an toàn vệ sinh.
- Bao gói và các vật liệu tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không được gây ô nhiễm và thôi nhiễm vào thực phẩm.
- Có dụng cụ che nắng, mưa, bụi bẩn, côn trùng và động vật gây hại.
- Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh.
- Tuân thủ quy định về sức khỏe, kiến thức và thực hành đối với người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.