Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội lần đầu cho ý kiến về nội dung Đại hội Đảng bộ thành phố khóa XVIII

Sáng 2-5, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII tiến hành Hội nghị lần thứ 17, họp bàn 6 nội dung quan trọng; trong đó, lần đầu tiên cho ý kiến về một số nội dung liên quan Đại hội Đảng bộ thành phố khóa XVIII.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong.

Dự hội nghị có đại diện một số cơ quan trung ương; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy viên; thủ trưởng các sở, ban, ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị; bí thư các quận, huyện, thị ủy và đảng ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội...

Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội biểu quyết thông qua Chương trình hội nghị.

Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội biểu quyết thông qua Chương trình hội nghị.

Theo chương trình đã được hội nghị thông qua, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố họp bàn về 6 nội dung sau: (1) Dự thảo Đề cương tổng quát Báo cáo chính trị và chủ đề, phương châm Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ thành phố; (2) Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TƯ ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; (3) Sơ kết 5 năm thực hiện Quy định số 11-QĐi/TƯ ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; (4) Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31-5-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo; (5) Dự thảo Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 44-NQ/TƯ ngày 24-11-2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; (6) Công tác cán bộ.

4 phương án chủ đề, 4 phương án phương châm đại hội

Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, Đại hội đại biểu lần thứ XVIII Đảng bộ thành phố là một sự kiện chính trị rất quan trọng đối với toàn Đảng bộ thành phố. Để chuẩn bị cho đại hội, Thành ủy đã quyết định thành lập 3 tiểu ban để tổ chức, phục vụ đại hội.

Ngay khi được thành lập, các Tiểu ban đã tích cực triển khai các nhiệm vụ được phân công, trong đó có Tiểu ban Văn kiện Đại hội XVIII Đảng bộ thành phố. Tiểu ban Văn kiện đã tiến hành họp, thông qua Quy chế làm việc, Thông báo phân công và Kế hoạch hoạt động của Tiểu ban, đồng thời thành lập Ban Biên tập, 4 Tổ Biên tập theo các lĩnh vực công tác do các đồng chí Thường trực Thành ủy làm Tổ trưởng. Hoạt động của các Tổ Biên tập, Ban Biên tập và Tiểu ban Văn kiện được tổ chức thực hiện đồng bộ, thống nhất và bảo đảm tiến độ theo kế hoạch đề ra.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc hội nghị.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc hội nghị.

Theo kế hoạch của Tiểu ban Văn kiện, dự thảo Đề cương Báo cáo chính trị, chủ đề và phương châm Đại hội XVIII Đảng bộ thành phố sẽ trình xin ý kiến vào Hội nghị lần thứ 18 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (dự kiến tổ chức tháng 7-2024). Tuy nhiên, căn cứ yêu cầu thực tiễn và để chủ động một bước trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức đại hội, Tiểu ban Văn kiện đã quyết định chỉ đạo bộ phận tham mưu khẩn trương xây dựng, xin ý kiến, tiếp thu và hoàn thiện để có sản phẩm là Đề cương tổng quát Báo cáo chính trị, chủ đề và phương châm đại hội trình tại Hội nghị Thành ủy lần thứ 17 hôm nay (sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch).

Đồng chí Đinh Tiến Dũng nêu rõ, dự thảo Đề cương tổng quát Báo cáo chính trị là tiền đề, cơ sở quan trọng trong việc xây dựng Đề cương chi tiết và dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ thành phố.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị, các đồng chí dự họp phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến về bố cục, kết cấu của đề cương; đồng thời tham gia ý kiến cụ thể vào các nội dung như: Việc lựa chọn 14 lĩnh vực cơ bản để đánh giá những thành tựu đã đạt được trong nhiệm kỳ qua đã đầy đủ, bao trùm được nội dung, nhiệm vụ chính trị của thành phố chưa? Các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đề ra tại dự thảo Đề cương tổng quát đã đảm bảo tính bao phủ, phù hợp với các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại các nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị chưa? Việc xác định định hướng, tầm nhìn phát triển của Thủ đô trong thời gian tới nên lấy theo mốc năm 2045 của Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị hay lấy theo mốc năm 2065 của dự thảo Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065?

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Về chủ đề và phương châm Đại hội XVIII Đảng bộ thành phố, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, để tăng cường trách nhiệm và thuận tiện trong việc thảo luận, góp ý của các đại biểu, sau khi bàn bạc kỹ, Ban Thường vụ Thành ủy đã thống nhất trình Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố 4 phương án về chủ đề và 4 phương án về phương châm đại hội.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: “Chủ đề đại hội là nội dung quan trọng trong Báo cáo chính trị của đại hội Đảng. Mặc dù chủ đề không dài nhưng lại chứa đựng những tư tưởng chủ yếu được quán triệt trong toàn bộ nội dung Báo cáo chính trị và các báo cáo khác trong văn kiện đại hội, là khẩu hiệu, tuyên ngôn hành động, là những nội dung nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô trong nhiệm kỳ, là tư duy, tầm nhìn chiến lược, ngọn cờ hiệu triệu, tập hợp, đoàn kết, phát huy sức mạnh toàn Đảng bộ, toàn quân và nhân dân Thủ đô quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của thành phố”.

Bí thư Thành ủy đề nghị, các đại biểu nghiên cứu, góp ý và thể hiện rõ quan điểm đối với các phương án do Ban Thường vụ Thành ủy trình để lựa chọn ra được một phương án về chủ đề và phương châm đại hội nổi bật, tối ưu, đầy đủ nhất, đáp ứng được các yêu cầu: Bám sát các căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý, chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng liên quan trực tiếp đến Thủ đô Hà Nội; đảm bảo có tính kế thừa, tính hiệu triệu trong hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, cộng đồng, doanh nghiệp; ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện; thuận lợi trong tuyên truyền, phổ biến, quán triệt tới từng cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Theo Bí thư Thành ủy, những nội dung trình Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố lần này là những nội dung có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định đến công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy và công tác chuẩn bị cho việc xây dựng Văn kiện trình Đại hội đại biểu lần thứ XVIII Đảng bộ thành phố.

“Tôi đề nghị các đồng chí nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, xác đáng để hoàn thiện các báo cáo, dự thảo nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp” - đồng chí Đinh Tiến Dũng nêu rõ.

Xác định rõ định hướng phát triển và mục tiêu xây dựng Thủ đô

Tiếp đó, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đã trình bày Tờ trình xin ý kiến đối với Đề cương tổng quát Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu lần thứ XVIII Đảng bộ thành phố.

Theo nội dung Tờ trình, Báo cáo chính trị được xây dựng dựa trên các căn cứ quan trọng, gồm: Báo cáo chính trị chính thức của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước 10 năm 2021-2030; Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các nghị quyết chuyên đề của Bộ Chính trị có liên quan đến Hà Nội…

Bố cục Đề cương tổng quát bao gồm 2 phần lớn: Phần thứ nhất: Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố (2020-2025); phần thứ hai: Mục tiêu tổng quát; những chỉ tiêu chính, nhiệm vụ chủ yếu, khâu đột phá và những giải pháp trọng tâm của Thủ đô giai đoạn 5 năm 2025-2030, định hướng đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trình bày Tờ trình tại hội nghị.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trình bày Tờ trình tại hội nghị.

Trong đó, chủ đề Đại hội XVIII kế thừa nhiệm vụ và mục tiêu phát triển quan trọng nhất của Thủ đô không chỉ cho nhiệm kỳ Đại hội, mà còn mang tầm nhìn dài hạn (đến giữa thế kỷ XXI).

Cách xây dựng chủ đề bảo đảm nêu được những thành tố cơ bản: Sự lãnh đạo của Đảng; sức mạnh của nhân dân và đại đoàn kết toàn dân tộc; có tính thời đại; có tính đại chúng; mang đặc trưng Thủ đô; bảo đảm tính mới trong tư duy, tầm nhìn, định hướng phát triển và mục tiêu xây dựng Thủ đô; phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.

Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền gắn với kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ

Trình bày Tờ trình về kết quả thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31-5-2021 của Thành ủy Hà Nội về tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho biết, bám sát mục tiêu tổng quát và 4 mục tiêu cụ thể được nêu trong Nghị quyết số 04-NQ/TU, Thành ủy, các cấp ủy trực thuộc đã tập trung chỉ đạo cụ thể hóa, thực hiện nghiêm, nhất quán nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu về công tác cán bộ đều cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu.

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo trình bày tờ trình tại hội nghị.

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo trình bày tờ trình tại hội nghị.

Cụ thể: Tỷ lệ cán bộ trẻ diện Ban Thường vụ các cấp ủy quản lý đạt 12,58%; tỷ lệ cán bộ nữ diện Ban Thường vụ các cấp ủy quản lý đạt 33,39%; số cán bộ diện Ban Thường vụ cấp ủy quản lý đạt trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đạt 42,4%. Số cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ cấp ủy quản lý có trình độ chuyên môn đại học, lý luận chính trị từ trung cấp trở lên đạt 73,84%. Số cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới đạt 100%. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức đánh giá hằng tháng trên phần mềm đạt 99,32%.

Thực hiện quyết liệt chủ trương bố trí cán bộ không phải người địa phương. Đến nay, có 28/30 bí thư quận, huyện, thị ủy và 22/30 chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã không phải người địa phương; có 68,39% bí thư cấp ủy, 61,13% chủ tịch UBND xã phường, thị trấn không phải người địa phương; 38,88% cán bộ cấp huyện, 45,9% cán bộ cấp xã là phó bí thư thường trực, phó chủ tịch UBND không phải là người địa phương.

Tờ trình cũng nêu rõ 8 phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

Nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo

Trình bày dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 35-CT/TƯ, ngày 26-5-2014 và sơ kết 5 năm thực hiện Quy định số 11-QĐi/TƯ, ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức cho biết, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TƯ ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo” và các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của Trung ương, Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo.

Triển khai thực hiện Chỉ thị 35-CT/TƯ của Bộ Chính trị gắn với việc thực hiện Chỉ thị 15-CT/TU của Thành ủy đã được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở. Do vậy, công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại tố cáo (KNTC) trên địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực; công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư gắn với giải quyết KNTC, nhiều vụ việc được quan tâm chỉ đạo giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở. Trách nhiệm của người đứng đầu, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong chỉ đạo, điều hành, xem xét, giải quyết KNTC, nhất là các vụ việc phức tạp, đông người được nâng lên; việc kiểm tra giám sát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên, liên tục.

Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức trình bày tờ trình tại hội nghị.

Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức trình bày tờ trình tại hội nghị.

Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TƯ, Bí thư Thành ủy đã làm việc đối thoại, tiếp công dân theo quy định, trong đó, trực tiếp tiếp 45 vụ việc với người dân; đối thoại 35 cuộc với các tổ chức chính trị xã hội, lực lượng vũ trang và các cơ quan, doanh nghiệp, tầng lớp trí thức trên địa bàn thành phố, gặp mặt Thanh niên tiêu biểu thành phố, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố, công nhân lao động Thủ đô, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội.

Các đồng chí Thường trực Thành ủy đã tiếp 274 vụ việc. Các đồng chí Bí thư cấp ủy thực hiện công tác tiếp dân theo quy định, tổng số cuộc tiếp dân định kỳ và đột xuất: 16.975 cuộc/32.028 lượt người (26 đoàn đông người). Chủ tịch UBND các cấp đã thực hiện tiếp 149.730 cuộc/152.193 lượt công dân. Số đoàn đông người: 973 đoàn…

Tờ trình cũng nêu 7 giải pháp nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị 35-CT/TƯ và Quy định số 11-QĐi/TƯ.

Tiếp đó, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô đã trình bày Dự thảo Chương trình hành động của Thành ủy Hà Nội về thực hiện Nghị quyết số 44-NQ/TW ngày 24-1-2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Sau đó, các đại biểu tiến hành thảo luận tại tổ. Theo chương trình dự kiến, chiều cùng ngày, các đại biểu sẽ tiếp tục thảo luận tại tổ và nghe phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại phiên thảo luận tại tổ.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ban-chap-hanh-dang-bo-tp-ha-noi-lan-dau-cho-y-kien-ve-noi-dung-dai-hoi-dang-bo-thanh-pho-khoa-xviii-665154.html