Bản chất mức thuế quan Mỹ
Theo chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương, mức thuế 20%, 46% chỉ là những con số trên bàn cờ lớn của Mỹ đặt ra. Ông Trump có thể có những mục đích khác khi đưa ra mức thuế.

Tổng thống Donald Trump hồi tháng 3/2024 tại Florida. Nguồn: Reuters.
Kể từ tháng 4 đến nay, mức thuế quan do Mỹ đặt ra đã tạo nên một cơn chấn động đối với nhiều quốc gia. Trong đó, Việt Nam, với mức kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt gần 120 tỷ USD, không nằm ngoài làn sóng ảnh hưởng.
Tại Talkshow Cạnh tranh Chiến lược Mỹ - Trung: Bản chất và vấn đề diễn ra chiều ngày 5/7, chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương cho rằng khi nhìn sâu vào các con số tưởng chừng bất lợi như 20%, 46% thuế nhập khẩu hay 0% thuế cho hàng hóa từ Mỹ, Việt Nam vẫn có thể tìm thấy cơ hội trong thử thách.
Con số chỉ là bề mặt, hãy nhìn vào bản chất
Từ ngày 2/4/2025, chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp mức thuế “reciprocal” lên tới 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam, kèm mức cơ bản 10%. Tuy nhiên, trong hơn ba tháng tiếp theo, Mỹ liên tục trì hoãn việc áp dụng mức thuế cao nhất này và duy trì ngưỡng 10%, cho thấy đây là một con bài mặc cả mang tính chiến lược. Đến đầu tháng 7, ông Trump công bố Mỹ áp mức 20% với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, 40% với hàng trung chuyển từ nước thứ ba, đổi lại Việt Nam đồng ý mở cửa hoàn toàn thị trường cho hàng Mỹ với thuế suất 0%.

Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương - tác giả cuốn Trò chuyện với Gen Z - chia sẻ tại Talkshow. Ảnh: Đức Huy.
Đánh giá về sự kiện này, chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương cho rằng việc đánh thuế 20% không nên bị hiểu đơn giản là thiệt hại. Theo ông, bản chất của xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ phần lớn là gia công cho các thương hiệu nước ngoài: “Xuất khẩu 120 tỷ nhưng chỉ có vài chục tỷ ở lại Việt Nam. Số còn lại chảy vào Nike, Apple...”. Như vậy, việc tăng thuế 20% chủ yếu tác động đến chính các công ty Mỹ và chuỗi cung ứng toàn cầu, hơn là doanh nghiệp nội địa Việt Nam.
Thực tế cho thấy, trong khi nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Indonesia hay Ấn Độ phải chịu mức thuế lên tới 25-70%, mức 20% mà Mỹ áp với Việt Nam vẫn là tương đối thấp. Điều này duy trì phần nào lợi thế cạnh tranh cho hàng Việt, đặc biệt khi các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, gỗ, điện tử đã phần nào thích ứng với chi phí tăng cao trong giai đoạn đại dịch. Ngoài ra, mức thuế 40% với hàng trung chuyển từ nước thứ ba là lời cảnh báo cho hiện tượng lách thuế, chứ không nhắm trực tiếp đến năng lực sản xuất thật sự của Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, việc Việt Nam cam kết thuế 0% cho hàng Mỹ có thể mở ra một cơ hội mới. Hàng hóa như thực phẩm, dược phẩm, thiết bị công nghệ cao của Mỹ sẽ vào thị trường nội địa với giá rẻ hơn, giúp đa dạng hóa lựa chọn cho người tiêu dùng. Đồng thời, nếu các nước khác vẫn duy trì mức thuế nhập khẩu từ Mỹ ở 1-4%, thì Việt Nam có thể tận dụng ưu thế nhập hàng giá rẻ để phân phối sang khu vực, hình thành vai trò như một trung tâm logistics mới trong khu vực.
Dù phải đối mặt với những thách thức nhất định về chi phí và cạnh tranh, nhưng cơ hội cho Việt Nam cũng mở ra song song nếu doanh nghiệp biết cách tận dụng. Ông Trần Sĩ Chương nhấn mạnh rằng thay vì hoang mang trước những con số lớn, cần một cái nhìn tỉnh táo để nhận diện lợi thế ẩn giấu sau mỗi chính sách thuế.
Điều chỉnh thuế quan chưa giải quyết được vấn đề cốt lõi tại Mỹ
Cũng tại Talkshow, chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương nhận định rằng phần lớn các hành động của Tổng thống Donald Trump, đặc biệt là việc áp mức thuế cao với hàng hóa từ các nước, không đơn thuần nhằm cân bằng cán cân thương mại. Mục đích chủ yếu xuất phát từ nỗ lực củng cố hình ảnh cá nhân trong mắt cử tri Mỹ.
"Cử tri Mỹ mới là đối tượng ưu tiên trước mắt của ông Trump", ông Trần Sĩ Chương nhấn mạnh. Do đó, những khẩu hiệu như Make America Great Again hay quyết định kêu gọi đưa các nhà máy sản xuất về nước không thể hiểu theo lối mạch lạc kinh tế thông thường. Chúng cần được soi chiếu trong không gian chính trị nội bộ đang đầy sức ép.

Buổi Talk còn có sự tham gia của TS Phạm Sỹ Thành - tác giả cuốn sách Chiến trường bán dẫn.
Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương chỉ ra việc đưa nhà máy về lại nước Mỹ, gồm các lĩnh vực như may mặc, da giày hay công nghệ cao, không thực sự khả thi trong việc giải quyết vấn đề thất nghiệp. Thực tế, nhiều công đoạn sản xuất hiện đã được tự động hóa bằng robot, và quá trình này sẽ còn tăng tốc trong tương lai gần. Việc di dời nhà máy có thể mang lại lợi ích biểu tượng, nhưng không đồng nghĩa với việc tạo ra hàng triệu việc làm như các cử tri mong đợi.
Vấn đề cốt lõi mà nền kinh tế Mỹ đang đối mặt là khoảng cách giàu nghèo ngày càng nghiêm trọng.
Dẫn số liệu từ World Population Review, chỉ số Gini của Mỹ hiện dao động quanh mức 41 điểm, một trong những mức cao nhất trong nhóm các nước phát triển. Điều này phản ánh mức độ phân hóa thu nhập sâu sắc giữa các tầng lớp xã hội.
Theo báo cáo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), vào năm 2022, nhóm 10% hộ gia đình giàu nhất nước Mỹ sở hữu 60% tổng tài sản quốc gia, tăng so với mức 56% vào năm 1989. Trong đó, riêng nhóm 1% giàu nhất nắm giữ 27% tài sản, tăng từ mức 23% cách đây hơn ba thập kỷ.
Những con số này cho thấy lợi ích kinh tế tập trung vào nhóm rất nhỏ sở hữu cổ phiếu, công nghệ và quyền lực tài chính.
Chính trong bối cảnh này, các chính sách đối ngoại, từ áp thuế, giảm nhập khẩu cho đến yêu cầu các nước “mở cửa thị trường”, lại đang đóng vai trò như công cụ trấn an nội bộ. Những chính sách ấy được dùng để gửi thông điệp tới cử tri rằng chính phủ đang “hành động vì người dân”, dù hiệu quả thực tế chưa được chứng minh.
Ông Trần Sĩ Chương nói: “cần tỉnh táo nhìn nhận đây là biểu hiện của một nước Mỹ đang cố gắng xuất khẩu những vấn đề nội tại ra bên ngoài (externalize internal problems)”, ông Trần Sĩ Chương kết luận.
Nguồn Znews: https://znews.vn/ban-chat-cua-muc-thue-quan-my-ap-len-cac-nuoc-post1566363.html