Mỹ giáng đòn thuế đối ứng lên Hàn Quốc

Khi lệnh hoãn thuế sắp hết hiệu lực vào ngày 9/7, Hàn Quốc đứng trước nguy cơ Mỹ áp mức thuế đối ứng 25% với hàng loạt mặt hàng chủ lực. Lo ngại gia tăng trong bối cảnh xuất khẩu giảm, tăng trưởng suy yếu và nội các mới chưa ổn định.

Lo ngại bị tác động của thuế Mỹ

Hàn Quốc - một trung tâm sản xuất toàn cầu trong lĩnh vực ôtô, chất bán dẫn và pin đang phải đối mặt với áp lực lớn trong bối cảnh tiêu dùng nội địa suy yếu và nguy cơ Mỹ áp dụng mức “thuế quan qua lại” 25% kể từ ngày 9/7, khi lệnh hoãn thuế đối ứng hết hiệu lực.

Vào thời điểm vận động tranh cử hồi tháng 5, tân Tổng thống Hàn Quốc kêu gọi không vội vàng ký thỏa thuận, đồng thời thúc giục các quốc gia khác phối hợp phản ứng.

Theo đánh giá của ông Zhan Debin, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bán đảo Triều Tiên tại Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế Thượng Hải, Hàn Quốc sẽ không vội vàng ký kết thỏa thuận.

Theo ông Zhan, mục tiêu của Hàn Quốc là quay trở lại Hiệp định Thương mại tự do Hàn Quốc-Mỹ ban đầu, theo đó cả 2 bên đều duy trì mức thuế quan bằng 0%. Tất nhiên, Mỹ khó có thể chấp nhận mức thuế này. Hơn nữa, trong khi Hàn Quốc muốn các cuộc đàm phán thuế quan tập trung vào thương mại, Mỹ có thể sẽ thúc đẩy một gói đàm phán rộng hơn bao gồm các vấn đề như chia sẻ chi phí quốc phòng.

Nhận định về thuế Mỹ, Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) cho rằng các biện pháp thuế quan này có thể gây tác động tới chính thị trường Mỹ cũng như làm ảnh hưởng đến động lực thương mại toàn cầu, dẫn đến nguy cơ suy yếu khả năng cạnh tranh của các sản phẩm Hàn Quốc.

Trong báo cáo công bố ngày 2/7, KITA cho biết trong 10 quốc gia xuất khẩu lớn nhất sang Mỹ, chỉ có Hàn Quốc và Trung Quốc ghi nhận sự thụt lùi tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ trong 4 tháng đầu năm nay. KITA đã so sánh những thay đổi về khả năng cạnh tranh xuất khẩu của những nước xuất nhiều hàng nhất sang Mỹ trong khoảng thời gian từ năm 2016 - 2023 và nhận thấy rằng nếu Mỹ áp thuế đối ứng với các nước này, quy mô thị trường nhập khẩu của Mỹ sẽ bị thu hẹp và những quốc gia có cùng mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ sẽ phải cạnh tranh với nhau gay gắt hơn.

Một quan chức của KITA cho rằng để giảm thiểu tác động tiềm tàng của việc giảm xuất khẩu sang Mỹ do thuế đối ứng, các doanh nghiệp Hàn Quốc nên đa dạng hóa hoạt động sản xuất, cắt giảm chi phí và mở rộng xuất khẩu các mặt hàng khó thay thế hay khó sản xuất tại Mỹ.

Theo đánh giá của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) Rhee Chang Yong, tác động tiềm tàng từ chính sách thuế mới của Mỹ đối với tăng trưởng kinh tế vẫn là một thách thức lớn và BOK đang xem xét cắt giảm lãi suất trong bối cảnh phải đảm bảo duy trì ổn định tài chính.

Cũng theo Thống đốc Rhee Chang Yong, tỷ lệ lạm phát hiện tại ở Hàn Quốc đang ổn định ở mức 2% và các biện pháp thuế quan mới của Mỹ có thể gây tác động theo hướng dẫn tới giảm phát nhiều hơn là lạm phát, trong khi Seoul khó có thể đáp trả bằng thuế quan. Hồi tháng 5, BOK đã giảm mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay xuống còn 0,8%, thấp hơn nhiều mức dự báo trước đó là 1,5%, với lý do tiêu dùng yếu và xuất khẩu chậm lại.

Hiện Chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực tiến hành đàm phán với Mỹ về chính sách thuế mới nhằm tránh mức thuế đối ứng 25% sẽ được áp dụng kể từ ngày 9/7, khi lệnh hoãn áp thuế hiện nay sẽ chính thức hết hạn sau 90 ngày.

Hàn Quốc lo ngại Mỹ áp thuế 25% khi lệnh hoãn thuế hết hiệu lực vàongày 9/7.

Hàn Quốc lo ngại Mỹ áp thuế 25% khi lệnh hoãn thuế hết hiệu lực vàongày 9/7.

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc Mỹ - Trung

Trước các rủi ro thuế quan, các doanh nghiệp Hàn Quốc trước đó đã đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Cụ thể, sự phụ thuộc vào Mỹ và Trung Quốc đại lục đang giảm dần, và tỷ trọng xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc), Việt Nam... tăng lên.

Theo số liệu thống kê của KITA công bố ngày 30/6, tổng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2025 của Hàn Quốc sang Mỹ và Trung Quốc là 36,74%, giảm 1,46 điểm phần trăm so với mức 38,20% cùng kỳ năm 2024.

Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ chiếm 18,53% và sang Trung Quốc chiếm 18,21%. Kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào tháng 12/2001, Mỹ và Trung Quốc đã khẳng định là những thị trường trọng điểm, chiếm khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc.

Giám đốc Viện nghiên cứu thương mại và thương mại quốc tế của KITA, Jang Sang-sik, cho biết do sự bất ổn trong môi trường thương mại, chẳng hạn như thuế quan của Mỹ, các công ty Hàn Quốc đã giảm thị phần xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc và đa dạng hóa xuất khẩu sang Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh châu Âu (EU).

Trong khi xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc giảm, xuất khẩu sang Đài Loan lại tăng 2,28 điểm phần trăm, Việt Nam (+0,55 điểm phần trăm), Ba Lan (+0,32 điểm phần trăm) và Malaysia (+0,24 điểm phần trăm). Đặc biệt, xuất khẩu sang Đài Loan, tỷ trọng từ mức chỉ chiếm 3,57% xuất khẩu từ tháng 1-5 năm ngoái, đã tăng lên 5,85% trong cùng kỳ năm nay. Kim ngạch xuất khẩu cũng tăng 62,5%, từ 9,9 tỷ USD lên 16,1 tỷ USD. Đài Loan, thị trường xuất khẩu lớn thứ 8 của Hàn Quốc cách đây 10 năm (2015), đã tăng lên vị trí thứ 5 vào năm ngoái và thứ 4 vào năm nay.

Nhìn vào các mặt hàng xuất khẩu, tỷ trọng chất bán dẫn đã gia tăng kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức nhiệm kỳ 2. Tỷ trọng chất bán dẫn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc tăng 2,34 điểm phần trăm từ 18,86% trong 5 tháng đầu năm ngoái lên 21,20% trong 5 tháng đầu năm nay. Nguyên nhân là do giá bộ nhớ cố định tăng và nhu cầu về chất bán dẫn có giá trị gia tăng cao như HBM và DDR5 tăng.

Mặt khác, tỷ trọng xuất khẩu ôtô lại giảm 0,18 điểm phần trăm từ mức 11,10% xuống 10,92% trong tháng 1-5 năm nay.

Kim ngạch xuất khẩu ô tô sang Mỹ giảm phần lớn là do Mỹ áp thuế (25%) và Hyundai Motor Company sản xuất xe điện tại nhà máy Georgia Manufacturing Manufacturing (HMGMA) vào tháng Ba.

Kim Ngân

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/my-giang-don-thue-doi-ung-len-han-quoc-i773959/